Xu hướng không sinh con nở rộ khắp châu Á

Năm 14 tuổi, Seema đã đi đến quyết định sẽ không sinh con. Khi đó, mẹ cô nói rằng đây chỉ là ý nghĩ trẻ con và cô gái sẽ thay đổi ý định khi lớn lên. Tuy nhiên, gần 20 năm sau, nhà phân tích tài chính 34 tuổi sống tại thành phố New Delhi (Ấn Độ) vẫn giữ quyết định đó và điều này khiến mối quan hệ của cô với cha mẹ trở nên căng thẳng.

“Cha mẹ đã không nói chuyện với tôi suốt gần 3 năm qua” Seema chia sẻ. “Tôi không biết liệu họ có thể khiến tôi thay đổi quyết định không”.

Seema và chồng tự gọi mình là một cặp đôi DINK. Dù từ này xuất hiện từ nhiều thập kỷ trước, lựa chọn lối sống DINK đang ngày càng trở nên phổ biến ở châu Á thời gian gần đây. Ở khu vực vốn có quan điểm thủ cựu, coi trọng các giá trị gia đình, những cặp đôi chọn không sinh con thường bị chỉ trích là ích kỷ, đặc biệt trong bối cảnh nhiều quốc gia từ Trung Quốc, Nhật Bản cho tới Hàn Quốc, Singapore đang chứng kiến tỷ lệ sinh thấp kỷ lục.

Seema và chồng là bạn đại học, cùng có chung quan điểm không sinh con và hiện đã kết hôn được 6 năm.

“Tôi đã sốc khi gặp một người có cùng quan điểm không sinh con như mình. Đặc biệt là trong nền văn hóa Ấn Độ, gia đình hạt nhân (gồm 2 thế hệ: cha, mẹ và con cái) là một chuẩn mực… và bất kỳ thứ gì khác như vậy đều bị chỉ trích”.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), bất chấp những thách thức phải đối mặt, các cặp đôi DINK ở châu Á ngày càng thoải mái và cởi mở hơn quyết định của mình, một phần nhờ mạng xã hội. Trên nền tảng TikTok, nhiều cặp đôi chia sẻ các video về trải nghiệm của mình với hashtag “#DINKLife” thu hút sự quan tâm lớn.

Corinne Chow, một chuyên viên truyền thông người Singapore và Ryan Tan, đang làm việc trong lĩnh vực hàng hóa, từng chia sẻ một video như vậy lên TikTok kể về cuộc sống của một cặp đôi DNIK 36 tuổi.

“Các bình luận về video chia làm hai phe. Một bên nói về những lý do nên sinh con, một bên nói về những lý do không sinh con. Với chúng tôi, việc này không phải nhằm đi ngược lại định kiến của xã hội. Nếu bạn muốn có con thì thật tuyệt vời, và nếu bạn không muốn thì cũng tuyệt vời chẳng kém”, Chow chia sẻ.

Lý do không sinh con của Chow và Tan không phải là áp lực tài chính. Theo Tan, việc không có con giúp họ tự do hơn trong việc “phân bổ các nguồn lực”. Năm 2021, hai người quyết định trao 2 học bổng trị giá 8.900 USD, hỗ trợ học phí cho sinh viên gặp khó khăn tại trường cũ của Tan – Đại học Quản lý Singapore.

“Thành thật mà nói, nếu có con hai năm trước, thì chúng tôi không dễ gì đi đến quyết định trao học bổng này. Chúng tôi sẽ muốn dành tiền để nuôi con”, Tan giải thích. “Nhưng ở giai đoạn này của cuộc đời, tôi cảm thấy đây là một cách để tôi có thể tri ân ngôi trường từng gắn bó với mình và giúp đỡ những sinh viên gặp khó khăn về tài chính”.

Xu hướng này diễn ra mạnh mẽ trong bối cảnh tỷ lệ sinh tại nhiều quốc gia châu Á đang thấp kỷ lục. Năm 2023, Trung Quốc chỉ có hơn 9 triệu trẻ em được sinh ra – mức thấp nhất kể từ khi số liệu này bắt đầu được ghi lại vào năm 1949. Tỷ lệ sinh tại nước này cũng giảm xuống mức thấp kỷ lục, 6,39 ca sinh trên 1.000 phụ nữ – theo Tổng Cục Thống kê Quốc gia.

Bất chấp những hỗ trợ từ chính phủ nhằm khuyến khích sinh đẻ, các chuyên gia cho rằng nhiều người trẻ không mặn mà với những hỗ trợ như vậy, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi ì ạch sau 3 năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến lược chống dịch Zero Covid. Những khó khăn về kinh tế gây ra những tác động lâu dài tới đời sống cũng như sức khỏe tinh thần của người dân.

Hàn Quốc hiện là nước có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới - Ảnh: Getty Images

Hàn Quốc hiện là nước có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới - Ảnh: Getty Images

Tại Hàn Quốc, nơi đang có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, một khảo sát của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc vào tháng 12 năm ngoái với 915.357 cặp vợ chồng cho thấy 29% những cặp được hỏi lựa chọn cuộc sống không có con trong 5 năm đầu tiên của hôn nhân. Tỷ lệ này tăng đáng kể so với mức 19% trong cuộc khảo sát tương tự vào năm 2015.

Cơ quan Thống kê Hàn Quốc chỉ ra nhiều yếu tố khiến xu hướng này gia tăng, trong đó có thực tế nữ giới tham gia nhiều hơn vào lực lượng lao động, xã hội có cái nhìn bớt tiêu cực hơn với các cặp đôi không có con và nhiều cặp đôi muốn sinh con khi nhiều tuổi hơn.

Tại các quốc gia châu Á khác, lựa chọn này chủ yếu bắt nguồn từ vấn đề tài chính – theo nhận định của ông Fong Woon Bing, nhà hoạch định tài chính ở Malaysia. Ông cho biết ngày càng nhiều khách hàng DINK tìm đến ông để được tư vấn.

“Trong bối cảnh chi phí sinh hoạt leo thang, ở Malaysia và nhiều nơi khác trên thế giới, các cặp vợ chồng tự hỏi liệu họ có muốn sinh con hay không”, ông Bing nói.

Theo vị chuyên gia, mạng xã hội có thể khiến nhiều người lầm tưởng rằng hầu hết các cặp đôi DNIK đều giàu có và thoải mái tiêu tiền đi du lịch, sống xa hoa, nhưng thực tế đây chỉ là bề nổi và không đúng mới mọi cặp vợ chồng.

Với bà Evelyn, một giáo viên trung học 42 tuổi đang sống ở Kuala Lumpur, Malaysia, quyết định không sinh con là do hoàn cảnh xô đẩy.

“Chúng tôi từng nghĩ về việc sinh con khi mới kết hôn, nhưng trong những năm đầu tiên, tôi và chồng luôn cảm thấy tài chính gia đình không ổn định. Vì thế, chúng tôi thay đổi quyết định và đây là một quyết định đúng đắn. Giờ đây, chúng tôi quan tâm hơn tới việc chăm sóc nhau khi về già”, bà chia sẻ.

Nguồn: TBKTVN