Xuất khẩu khởi sắc, ngành cao su đặt mục tiêu trên 3 tỷ USD trong năm 2024

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 1/2024 đạt khoảng 260 nghìn tấn, trị giá 365 triệu USD, tăng 92,6% về lượng và tăng 99,8% về trị giá so với tháng 1/2023. Giá xuất khẩu cao su bình quân trong tháng 1/2024 ở mức 1.404 USD/tấn, tăng 0,9% so với tháng 12/2023 và tăng 3,7% so với tháng 1/2023…

TRUNG QUỐC CHIẾM GẦN 80% LƯỢNG XUẤT KHẨU CAO SU CỦA VIỆT NAM

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023, diện tích cây cao su trên cả nước đạt 910,2 nghìn ha, giảm 8,4 nghìn ha so với năm 2022; sản lượng mủ cao su khô khai thác đạt 1,29 triệu tấn, giảm 46,2 nghìn tấn so với năm 2022.

Dẫn số liệu từ Hải Quan, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 2,14 triệu tấn cao su, kim ngạch 2,89 tỷ USD, giảm 0,1% về lượng và giảm 12,8% về trị giá so với năm 2022. Về giá xuất khẩu, giá cao su xuất khẩu năm 2023 giảm mạnh so với năm 2022, bình quân đạt 1.350 USD/tấn, giảm 12,7% so với mức giá bình quân xuất khẩu năm 2022.

Xuất khẩu cao su trong 5 năm qua. Nguồn: Tổng cục Hải quan.

Xuất khẩu cao su trong 5 năm qua. Nguồn: Tổng cục Hải quan.

Theo Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), các chủng loại cao su xuất khẩu năm 2023 chủ yếu là hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS 400280), Latex, SVR 10, SVR 3L, SVR CV60, RSS3, SVR 20... Trong đó, hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS 400280) vẫn là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 67,57% về lượng và chiếm 68,98% về trị giá trong tổng xuất khẩu cao su của cả nước, đạt trên 1,44 triệu tấn, trị giá 1,99 tỷ USD, tăng 10,2% về lượng, nhưng giảm 1,8% về trị giá so với năm 2022.

Năm 2023, nhiều chủng loại cao su xuất khẩu giảm cả về lượng và trị giá so với năm 2022. Tuy nhiên, xuất khẩu một số chủng loại vẫn tăng trưởng tốt về lượng so với năm 2022, trong đó đáng chú ý như: SVR CV60, cao su tái sinh, RSS1, RSS4, SVR CV40, RSS5…, nhưng các chủng loại này chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam.

Giá xuất khẩu bình quân các chủng loại cao su trong năm 2023 đều giảm mạnh so với năm 2022, trong đó giảm mạnh nhất là cao su hỗn hợp (HS: 4005) giảm 22,8%; Skim block giảm 22,4%; RSS3 giảm 17,6%; SVR 10 giảm 15,7%; SVR CV50 giảm 14,9%; Latex giảm 14,8%; SVR 20 giảm 14,2%...

Xét về thị trường, năm 2023, Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm 79,63% về lượng và chiếm 78,52% về trị giá trong tổng xuất khẩu cao su của cả nước, đạt 1,7 triệu tấn, trị giá 2,27 tỷ USD, tăng 6,6% về lượng, nhưng giảm 4,8% về trị giá so với năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân cao su sang thị trường này ở mức 1.331 USD/tấn, giảm 10,7% so với năm 2022.

Nhìn chung năm 2023, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang các thị trường phần lớn đều sụt giảm so với năm 2022, nhất là các thị trường lớn như: Ấn Độ, Hoa Kỳ, Đức, Đài Loan (Trung Quốc), Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Indonesia, Sri Lanka, Nhật Bản, Tây Ban Nha… Tuy nhiên, xuất khẩu sang một số thị trường vẫn tăng trưởng tốt về lượng như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Hà Lan, Singapore, Cộng hoà Séc...

ẤN ĐỘ LÀ THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU CAO SU LỚN THỨ HAI CỦA VIỆT NAM

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy năm 2023, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Ấn Độ đạt trên 112,66 nghìn tấn, trị giá 156,68 triệu USD, giảm 4,4% về lượng và giảm 21,7% về trị giá so với năm 2022. Ấn Độ là thị trường xuất khẩu cao su lớn thứ hai của Việt Nam, chiếm 5,26% về lượng và chiếm 5,42% về trị giá trong tổng xuất khẩu cao su của cả nước.

Về giá xuất khẩu, giá cao su xuất khẩu sang Ấn Độ giảm mạnh so với năm 2022. Năm 2023, giá cao su xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ bình quân đạt 1.391 USD/tấn, giảm 18,2% so với năm 2022.

Trong năm 2023, Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ chủ yếu là các chủng loại cao su tự nhiên. Trong đó, chủng loại SVR 10 được xuất khẩu sang Ấn Độ nhiều nhất, chiếm 54,85% tổng lượng cao su xuất khẩu sang Ấn Độ trong năm 2023, với 61,8 nghìn tấn, 84,55 triệu USD, tăng 47,2% về lượng và tăng 20,2% về trị giá so với năm 2022. Đứng thứ 2 là chủng loại SVR 3L chiếm 22,02% và RSS3 chiếm 8,82% trong tổng lượng cao su xuất khẩu sang Ấn Độ trong năm 2023.

Giá xuất khẩu bình quân các chủng loại cao su sang Ấn Độ đều giảm mạnh so với năm 2022, trong đó giảm mạnh nhất là cao su hỗn hợp (HS: 4005) giảm 77,3%; Cao su tổng hợp giảm 47,5%; Latex giảm 23,9%; SVR 20 giảm 19,2%; SVR 10 giảm 18,4%; Hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS: 400280) giảm 18,8%...

Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) dẫn số liệu từ Bộ Thương mại Ấn Độ, cho biết trong 11 tháng năm 2023, Ấn Độ nhập khẩu 1,07 triệu tấn cao su (HS 4001; 4002; 4003; 4005), trị giá 1,95 tỷ USD, giảm 6% về lượng và giảm 23,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Indonesia, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho Ấn Độ.

Tại thị trường Ấn Độ, thị phần cao su của Việt Nam bị thu hẹp so với năm 2022, trong khi thị phần cao su của Indonesia, Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Malaysia và Trung Quốc tăng so với năm 2022.

TRIỂN VỌNG NỬA ĐẦU NĂM 2024

Trái ngược với tình trạng "ảm đạm"của năm 2023, ngay trong tháng 1/2024, kim ngạch xuất khẩu cao su của Việt Nam đã tăng gấp đôi so với tháng 1/2023. Điều này đang khiến các doanh nghiệp ngành cao su tràn đầy hy vọng.

Giá cao su xuất khẩu đầu năm 2024 đã tăng so với năm 2023. Trên thị trường thế giới, hiện giá cao su tự nhiên đã tăng lên mức cao chưa từng thấy trong 7 năm do nhu cầu ngày càng tăng từ ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc cùng với sản lượng kém ở Thái Lan, nước sản xuất cao su hàng đầu thế giới. Giá cao su tự nhiên kỳ hạn tháng 7 trên Sở giao dịch Osaka (OSE) – hợp đồng tham chiếu cho thị trường châu Á – ngày 19/2/2024 được giao dịch ở mức 298,5 yên (1,99 USD)/kg, mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 17/2/2017 (cao nhất 7 năm). So với cuối năm 2023, mức giá này cao hơn 13%. Trên các thị trường châu Á khác, giá cũng đồng loạt tăng cao.

Tại Sàn giao dịch kỳ hạn tương lai Thượng Hải, hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 5 hiện đạt 13.555 nhân dân tệ/tấn (tương ứng 1.8883,08 USD), trong khi trên Sàn giao dịch Singapore (SICOM), hợp đồng giao tháng 3 giá 155,20 U.S.cent/kg, cao nhất trong vòng một năm rưỡi.

Hàng loạt các yếu tố cùng lúc tác động đẩy giá cao su tăng lên. Trước hết phải kể đến doanh số bán ô tô đang bùng nổ ở Trung Quốc. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc (CAAM), trong nửa đầu năm 2023, doanh số bán ô tô mới chủ yếu dao động ở mức thấp 2 triệu xe mỗi tháng. Đến tháng 11/2023, doanh số bán hàng đã tăng 27,4% so với một năm trước đó lên 2,97 triệu xe, sau đó lên 3,15 triệu vào tháng 12/2024, tăng 23,5%. Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc dự kiến doanh số bán ô tô của nước này năm 2024 sẽ tăng lên khoảng 31 triệu xe.

Doanh số bán ô tô tăng cao thúc đẩy nhu cầu cao su tự nhiên. Theo Michelin, vào tháng 12/2023, nhu cầu lốp dành cho xe mới của Trung Quốc đã tăng 30% so với một năm trước đó. Các nhà phân tích và nhà kinh doanh cao su nhận định giá nguyên liệu sản xuất lốp xe này sẽ tiếp tục ổn định ở mức cao trong thời gian tới.

Trong khi đó, Gu Jiong, người phụ trách bộ phận dịch vụ và đầu tư doanh nghiệp tại Yutaka Trusty Securities, cho biết: “Do ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt, trong vụ mùa năm nay, Thái Lan không thể tăng đủ sản lượng trong mùa sản xuất cao điểm”. Cơ quan khí tượng Thái Lan hôm 19/2 cảnh báo thời tiết khắc nghiệt từ ngày 23-25/2/2024 ở vùng đông bắc, miền đông và miền trung Thái Lan có thể gây thiệt hại hơn nữa tới mùa vụ cao su.

Đối với xuất khẩu cao su của Việt Nam, Trung Quốc vẫn là yếu tố chủ chốt tác động đến xuất khẩu cao su. Trong khi nhiều ngành hàng xuất khẩu lo lắng về căng thẳng Biển Đỏ và giá cước vận chuyển tăng, thì ngành cao su sẽ ít chịu tác động từ vấn đề này, do thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc. Toàn ngành cao su đặt mục tiêu năm 2024 xuất khẩu cao su đem về kim ngạch 3,3 -3,5 tỷ USD.

Nguồn: TBKTVN