Xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi: Cơ hội lớn từ thị trường Trung Quốc

Trong số 12,2 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang Trung Quốc năm 2023, sản phẩm chăn nuôi chiếm hơn 1%, chưa tới 150 triệu USD, mà nguyên nhân chính là do Trung Quốc chưa cho phép nhập khẩu các sản phẩm thịt từ Việt Nam.

TRUNG QUỐC TIẾP TỤC MỞ CỬA CHO NÔNG SẢN VIỆT NAM

Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Thứ trưởng Trần Thanh Nam dẫn đầu vừa kết thúc chuyến làm việc tại Trung Quốc với nhiều kết quả tích cực về thúc đẩy mở cửa thị trường cho sản phẩm nông, lâm, thủy sản.

Tại buổi báo cáo kết quả của Đoàn công tác với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, chiều 22/1/2024, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết phía bạn đồng ý mở cửa chính ngạch thêm cho nhiều loại trái cây chủ lực của Việt Nam. Nước bạn đang đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các thủ tục, đặc biệt sẽ xem xét mở cửa cho trái bơ, trái chanh leo. 

Làm việc với các chợ đầu mối ở Quảng Đông (Trung Quốc), đoàn công tác nhận thấy các sản phẩm trái cây của Việt Nam đang có lợi thế, phía bạn đánh giá rất cao. Tuy nhiên, phía bạn cảnh báo, nếu ngành sầu riêng của chúng ta không chú trọng vào chất lượng hàng hóa và mẫu mã sẽ đánh mất tiềm năng. “Sắp tới có khả năng phía bạn sẽ cho phép một số nước khác xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc”, Thứ trưởng Nam thông tin.

"Nếu tới đây, Việt Nam ký được Nghị định thư về xuất khẩu thịt gia cầm và trong tương lai có thể tiếp tục đàm phán Nghị định thư về xuất khẩu thịt lợn, thì việc đưa kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi lên hàng tỷ USD mỗi năm là điều có thể hy vọng",

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đối với vấn đề xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi vào thị trường Trung Quốc, Thứ trưởng Nam cho biết, vẫn rất ì ạch. Suốt nhiều năm qua, hầu hết các sản phẩm thịt và vật nuôi của Việt Nam (thịt lợn, thịt gà, thịt trâu, thịt bò…) đều không xuất khẩu được sang Trung Quốc vì nhiều lý do, như chưa được phép xuất khẩu chính ngạch; xuất khẩu tiểu ngạch thì vấp phải các rào cản biên giới, kiểm tra, kiểm soát theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, hiện Việt Nam và Trung Quốc mới chỉ ký Nghị định thư về tổ yến (vào ngày 9/11/2022) và về sữa (vào năm 2019) - đây là hai sản phẩm của ngành chăn nuôi nước ta đã được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Nhờ có Nghị định thư, xuất khẩu sữa sang Trung Quốc đã tăng trưởng rất nhanh trong những năm vừa qua, hiện chiếm 93% trong tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi tới thị trường Trung Quốc.

“Trong chuyến công tác vừa qua, Trung Quốc đã đồng ý xem xét hồ sơ cho Việt Nam xuất khẩu gia cầm vào thị trường này”, Thứ trưởng Nam thông tin; đồng thời, Thứ trưởng cho rằng với thị trường 1,4 tỷ dân, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm thịt lên tới khoảng 400 tỷ USD/năm, do đó dư địa để xuất khẩu thịt sang Trung Quốc cao gấp nhiều lần so với mặt hàng rau quả.

Nếu tới đây, Việt Nam ký được Nghị định thư về xuất khẩu thịt gia cầm và trong tương lai có thể tiếp tục đàm phán Nghị định thư về xuất khẩu thịt lợn, thì việc đưa kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi lên hàng tỷ USD mỗi năm là điều có thể hy vọng.

XUẤT KHẨU SẢN PHẨM CHĂN NUÔI CHỜ NGÀY "BỨT PHÁ"

Về tình hình xuất nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết năm 2023 đạt 515 triệu USD, tăng 26,2% so với năm 2022. Chiều ngược lại, nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 3,53 tỷ USD, giảm 4,4% so với năm 2022. 

Năm 2023, xuất khẩu thịt gia cầm đạt hơn 4,6 nghìn tấn, tăng 115% so với năm 2022. Phần lớn số lượng thịt gia cầm xuất khẩu này được sản xuất và đóng gói bởi hai nhà máy chế biến tại Bình Phước (một nhà máy của C.P Việt Nam và một nhà máy của Công ty cổ phần Tập đoàn Hùng Nhơn).

"Hiện giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi quá thấp so với các sản phẩm nông sản khác và chỉ bằng 1/7 giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi".

Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi.

Bắt đầu đi vào vận hành từ năm 2020 và lô thịt gà chế biến xuất khẩu đầu tiên sang Nhật Bản từ năm 2022, Tổ hợp nhà máy CPV Food Bình Phước đã nhanh chóng trở thành doanh nghiệp xuất khẩu thịt gà chế biến lớn nhất Việt Nam, cũng là doanh nghiệp xuất khẩu thịt gà sang Nhật Bản nhiều nhất.

Đối với trứng gia cầm, năm 2023 Việt Nam xuất khẩu hơn 34 triệu quả, tăng hơn 3,1 lần so với năm 2022. Tháng 5/2023, Việt Nam xuất khẩu lô trứng lỏng (loại trứng gà đã tách vỏ thanh trùng) đầu tiên sang Hàn Quốc. Ngày 31/7/2023, sau 4 năm bị cấm, trứng gia cầm và sản phẩm trứng gia cầm của Việt Nam lại được xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông và ngay lập tức, thị trường này chiếm khoảng 70% lượng trứng xuất khẩu của Việt Nam. Ngày 2/11/2023, Việt Nam đã thống nhất và chính thức đàm phán xong việc xuất khẩu thịt gia cầm, trứng gia cầm sang thị trường Mông Cổ.

Theo Cục Chăn nuôi, xuất khẩu thịt lợn trong năm 2023 ước đạt gần 63,3 triệu USD (tương ứng 12,3 nghìn tấn), tăng 28% so với năm 2022. Thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh của Việt Nam đang được xuất khẩu sang thị trường Papua New Guinea, Lào, Malaysia.

Xuất khẩu sữa tươi năm 2023 tăng cao gấp 1,7 lần so với năm 2022, đạt 204 triệu USD. Đặc biệt, xuất khẩu sữa tươi tăng vọt vào thị trường Trung Quốc từ con số 48 triệu USD năm 2022, đã đạt kim ngạch 123 triệu USD năm 2023.

Đối với tổ yến, ngày 16/11/2023, lô sản phẩm tổ yến đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, đến nay đã có ít nhất 7 doanh nghiệp với hơn 700kg tổ yến được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này...

Nguồn: TBKTVN