Xuất khẩu thủy sản sẽ còn khó khăn kéo dài sang cả năm 2024

Tại Hội nghị “Thực trạng cung ứng con giống, thức ăn, vật tư nuôi biển; truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giải pháp phát triển bền vững nuôi biển Việt Nam” mới đây, bà Vương Thị Oanh, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định: "Tổng tiêu thụ thủy sản toàn cầu trong thời gian tới có thể sẽ không tăng do nhu cầu từ thị trường chưa có tăng trưởng lớn". 

XUẤT KHẨU THỦY SẢN GIẢM 20%
Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tính đến hết tháng 10 năm 2023, xuất khẩu thủy sản thu về gần 7,5 tỷ USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó: tôm chiếm 38% kim ngạch xuất khẩu thủy sản với giá trị trên 2,8 tỷ USD, giảm 24% so với cùng kỳ năm ngoái; kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt trên 1,5 tỷ USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đối với xuất khẩu các mặt hàng hải sản, tính đến hết tháng 10/2023 đạt 3 tỷ USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù vẫn suy giảm nhưng tốc độ đang chậm lại.

"Xuất khẩu tôm sang các thị trường lớn còn lại như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn ghi nhận tăng trưởng âm từ 10%-26% tuy nhiên mức giảm đã thấp hơn so với những tháng trước đó. Riêng thị trường Trung Quốc và Hồng Kông, sau khi tăng trưởng dương trong 3 tháng 6,7 và 8, xuất khẩu tôm sang thị trường này trong các tháng 9 và 10 lại quay về xu hướng giảm".

Bà Vương Thị Oanh, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương).

Nhận định cụ thể hơn về từng sản phẩm, bà Oanh cho hay xuất khẩu tôm Việt Nam hiện đã nhìn thấy tín hiệu tích cực từ các thị trường như Mỹ, Australia, Canada, Bỉ, Đài Loan với mức tăng trưởng dương từ 1%-54%. “Xuất khẩu tôm sang Mỹ và Trung Quốc ghi nhận tăng trưởng dương trong 2 tháng trở lại đây. Bên cạnh đó, một số thị trường chính trong khối CPTPP như Nhật Bản, Australia, Canada đang tăng nhập khẩu tôm từ Việt Nam”, bà Oanh nói.

Về sản phẩm tôm xuất khẩu, trong 3 quý đầu năm, giá trị xuất khẩu tôm chân trắng (chiếm tỷ trọng 74%) đạt 1,9 tỷ USD, giảm 26%; xuất khẩu tôm sú đạt 356 triệu USD (chiếm tỷ trọng 14%), giảm 23%. Còn lại là giá trị xuất khẩu tôm loại khác với 298 triệu USD, giảm 28%;  trong đó xuất khẩu tôm khác đóng hộp và tôm khác khô tăng trưởng dương lần lượt 20% và 57%.

Đối với mặt hàng cá tra, xuất khẩu sang hầu hết các thị trường và khối thị trường chính đều giảm so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và Hồng Kông giảm 26%; Mỹ giảm 54%; Braxin giảm 0,4%; CPTPP giảm 31%, Anh giảm 1% và Mexico giảm 41%.

CẠNH TRANH BẰNG NĂNG LỰC CHẾ BIẾN
Nhận định về tổng tiêu thụ thủy sản toàn cầu trong thời gian tới, bà Oanh cho rằng có thể sẽ không tăng cao, do nhu cầu từ thị trường chưa có tăng trưởng lớn. Các thị trường lớn khác như Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản được kỳ vọng sẽ gia tăng nhu cầu nhập khẩu dịp cuối năm khi tồn kho giảm và các ngày lễ lớn đến gần.

Về cơ hội của thủy sản Việt Nam, bà Oanh cho biết trong nhiều năm qua, sản phẩm thủy sản Việt Nam cạnh tranh bằng năng lực chế biến. Điều này đã giúp chúng ta tạo ra sản phẩm xuất khẩu có giá trị cao, giá thành tốt, khắc phục hạn chế về chi phí sản xuất và vận chuyển. Việt Nam đã dần khẳng định được vị thế với sản phẩm được ưa chuộng tại các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Anh… và duy trì tốt thị phần tại những thị trường cạnh tranh cao như Mỹ và các nước châu Âu.

Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu từ nhiều thị trường chủ lực có khả năng phục hồi tốt dịp cuối năm. Sản lượng sản xuất trong nước vẫn đang được duy trì ở mức tốt.

"Bức tranh của ngành thuỷ sản nửa cuối năm 2023 mặc dù khởi sắc nhưng còn nhiều khó khăn. Những khó khăn này dự kiến kéo dài từ nay đến cuối năm và sang cả năm 2024", bà Oanh dự báo.

Cần nâng cao năng lực chế biến, bảo quản để gia tăng giá trị cho thủy sản.

Cần nâng cao năng lực chế biến, bảo quản để gia tăng giá trị cho thủy sản.

Để tận dụng được những lợi thế sẵn có, đón đầu cơ hội từ thị trường xuất khẩu, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu thủy sản, bà Oanh đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước, Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp, thương nhân cần tập trung kiện toàn chuỗi sản xuất, nâng cao chất lượng nguồn cung và phát triển xuất khẩu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, uy tín và thương hiệu.

Đồng thời cần tập trung vào chọn giống các đối tượng nuôi chủ lực đáp ứng nhu cầu giống; tổ chức sản xuất hiệu quả theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh các hoạt động cải tiến, ứng dụng khoa học công nghệ để gia tăng giá trị, chất lượng, khẳng định thương Việt Nam.

Đặc biệt, các doanh nghiệp cần nghiêm túc tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam và các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. Đây là vấn đề cơ bản, đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh và thuận lợi cho mọi doanh nghiệp trong thương mại xuyên biên giới, đặc biệt đối với các sản phẩm thực phẩm.

THÊM NHIỀU CỬA THÔNG QUAN, THỦY SẢN SẼ ĐI NHANH HƠN

Gửi đến tham luận tại hội nghị, đại diện lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn cho biết trong 10 tháng đầu năm 2023, tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện xuất khẩu 58 xe hàng thủy hải sản tươi sống (tôm, cua, cá mè) và 130 xe hàng thủy sản đông lạnh (tôm, mực, cá nục); nhập khẩu khoảng 14,8 triệu con động vật thuỷ sản giống, 11,4 nghìn tấn thuỷ sản thương phẩm và trên 2,2 nghìn tấn sản phẩm thuỷ sản ướp lạnh.

Hiện nay Lạng Sơn cũng đã hoàn tất các hồ sơ đề xuất Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành Trung ương báo cáo trình Chính phủ quyết định mở chính thức các lối thông quan (đa công năng) Cốc Nam (khu vực mốc 1104-1105), Tân Thanh (khu vực mốc 1088/2-1089) thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị. 

"Trong thời gian tới, sau khi được Chính phủ phê chuẩn và được Bộ Ngoại giao hai nước xác nhận mở chính thức 2 lối thông quan mới, sẽ tạo điều kiện thuận lợi thông quan nhanh chóng cho các mặt hàng xuất nhập khẩu nói chung và mặt hàng thuỷ sản nói riêng qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn".

Theo đại diện tỉnh Lạng Sơn.

Đồng thời cũng đang thúc đẩy xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh tại tuyến đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá khu vực mốc 1119-1120 và lối thông quan hàng hoá khu vực mốc 1088/2-1089 thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan, tỉnh Lạng Sơn.

“Mô hình cửa khẩu thông minh là mô hình giao nhận hàng hoá mới, áp dụng khoa học, công nghệ, máy móc hiện đại vào quá trình giao nhận hàng hoá tự động, áp dụng phương thức vận chuyển không người lái di chuyển theo tuyến đường cố định (sử dụng đinh từ) và các thiết bị cẩu container tự động hoá, dựa trên cơ sở định vị vệ tinh và công nghệ 5G, được điều tiết qua trung tâm chỉ huy và thực hiện trao đổi thông tin qua lại về vận chuyển hàng hoá xuyên biên giới, thực hiện thông quan 24/7 không gián đoạn”, đại diện tỉnh Lạng Sơn thông tin.

Nhằm thúc đẩy hoạt động thông quan hàng hóa nói chung và thúc đẩy xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam nói riêng qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, đề nghị các doanh nghiệp, thương nhân nuôi trồng, xuất khẩu thuỷ sản thúc đẩy việc chuyển đổi phương thức xuất khẩu theo hướng chính ngạch và chuyên nghiệp hơn. Công tác nuôi trồng thuỷ sản, sản xuất sản phẩm động vật thuỷ sản cần chú trọng chuẩn hóa, đồng bộ về chất lượng, bao bì, nhãn mác, an toàn vệ sinh thực phẩm…

Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm thủy sản vào thị trường Trung Quốc cần lưu ý: Khoản 4 trong Quy định 248, doanh nghiệp phải tuân thủ các thỏa thuận do Hải quan Trung Quốc với cơ quan thẩm quyền quốc gia. Trong Quy định 249, ngoài những quy định về nhãn mác, tên hàng hóa, tên khoa học phải cung cấp thêm thông tin về phương thức sản xuất (đánh bắt hoặc nuôi trồng), khu vực sản xuất, địa chỉ cụ thể vùng nuôi thủy sản.

“Mỗi nước đều có những quy định khác nhau, không nước nào giống nước nào. Khi muốn xuất khẩu vào thị trường nào thì phải tuân thủ các quy định của thị trường đó. Chúng ta cần xóa bỏ tư tưởng chấp nhận rủi ro khi xuất khẩu nông sản, thủy sản. Vì khi hàng hóa của một doanh nghiệp vi phạm quy định của nước nhập khẩu thì không chỉ doanh nghiệp đó bị thiệt hại mà các doanh nghiệp cùng ngành hàng cũng bị ảnh hưởng vì nước nhập khẩu sẽ tăng tần suất kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, ảnh hưởng rất lớn đến thời gian thông quan, và tốn thêm chi phí cho doanh nghiệp”, Ngô Xuân Nam nhấn mạnh.

Nguồn: TBKTVN