Xuất khẩu tôm còn đối mặt với nhiều ẩn số trong những tháng cuối năm
Bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tháng 8/2024, xuất khẩu thủy sản tiếp tục đà hồi phục với mức tăng trưởng 20% đạt gần 953 triệu USD.
Trừ mặt hàng mực, bạch tuộc kim ngạch xuất khẩu giảm 15% trong tháng 8, còn lại tất cả các sản phẩm thủy sản chủ lực đều có mức tăng trưởng 2-3 con số. Trong đó, tôm tăng 30%, cá tra tăng 18%, cá ngừ tăng 13% và các loại cá biển khác tăng 12%.
Luỹ kế 8 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu tôm đạt gần 2,4 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái
Ngoài những thách thức là thuế chống trợ cấp và thuế chống bán phá giá, xuất khẩu tôm đang có chiều hướng tích cực, mức tăng trưởng trong những tháng gần đây đều ổn định.
Dự đoán sản lượng từ Trung Quốc, Ecuador và Ấn Độ đều sẽ giảm trong năm nay, khiến sản lượng toàn cầu giảm khoảng 260.000 tấn (tương đương giảm 5%) xuống còn 4,89 triệu tấn.
Mức tiêu thụ tôm bắt đầu tăng ở châu Âu, thị trường Mỹ cũng hồi phục nhẹ. Mặc dù giá tôm nhập khẩu vào Trung Quốc vẫn thấp, nhưng đó cũng là những dấu hiệu khả quan cho thị trường tôm.
Ở góc nhìn là doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu tôm, ông Trần Văn Phẩm, Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex) cho biết, xung đột Nga - Ucraine, tình hình Trung Đông và cuộc bầu cử ở Mỹ vào tháng 11 tới … sẽ tác động không nhỏ lên tình hình xuất khẩu tôm.
Có nhiều nhận định cho rằng kinh tế Mỹ đang tốt lên và Mỹ cũng là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ hai của Việt Nam. Giá tôm Việt Nam bán vào Mỹ hiện khá cao so với tôm Ấn Độ và Indonesia.
Ngành tôm kỳ vọng đạt mục tiêu xuất khẩu 4 tỷ USD
Hiện nay, 4 quốc gia cung cấp tôm nuôi lớn nhất vào thị trường Mỹ, gồm: Indonesia, Ấn Độ, Ecuador và Việt Nam.
Indonesia đang phải đối mặt với thuế chống bán phá giá của Mỹ, và hiện nay mức thuế chống bán giá áp cho nước này vẫn chưa rõ ràng.
Trong khi đó, Ấn Độ, Ecuador và Việt Nam sẽ phải trả thuế chống trợ cấp sơ bộ từ 1,69% đến tối đa 196%. Phán quyết cuối cùng về mức thuế này dự kiến sẽ được tuyên vào mùa đông năm 2024.
Mặt khác, Ấn Độ còn bị Tổ chức phi lợi nhuận Corporate Accountability Lab (CAL) của Mỹ cáo buộc lạm dụng lao động, gây hại môi trường ở mức độ nguy hiểm và phổ biến trong ngành tôm ở Ấn Độ.
“Trong 1 hay 2 tháng nữa Mỹ có thể sẽ đề xuất mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp. Trường hợp Mỹ áp mức thuế bằng 0 diễn biến thị trường sẽ tốt. Nếu mức thuế cao hơn 5% đến 7% thậm chí 10%, thị trường sẽ biến động rất khác. 2024 là một năm rất khó đoán định về tình hình xuất khẩu tôm. Khả năng cao là có một số doanh nghiệp tôm không có lời thậm chí lỗ”, Chủ tịch HĐQT Stapimex nói.
Ông Phẩm cho biết thêm, xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ đang có giá tốt hơn so với đầu năm. Các doanh nghiệp đều kỳ vọng đến cuối năm giá bán tôm vẫn giữ như mức hiện nay. Giá tôm xuất khẩu tăng nhưng lợi nhuận người nông dân hưởng, do doanh nghiệp đã ký bán trước khi giá tôm còn thấp. Thậm chí ký bán với mức giá như bây giờ cũng chưa chắc đã có lời. Vì thế, những doanh nghiệp ký bán trước chắc chắn lỗ do giá nguyên liệu tăng.
Trong 6 tháng đầu năm 2024 nông dân nuôi tôm không lời, nhưng với giá tôm nguyên liệu như hiện nay bà con đã có lợi nhuận tốt. Lời nhiều nhưng với tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, tôm dễ bị dịch bệnh cho nên nông dân có thả nuôi lại hay không cũng là một vấn đề.
Hiện các doanh nghiệp đều có hợp đồng phục vụ thị trường cuối năm và đang tổ chức sản xuất để kịp giao hàng cho bên mua. Tuy nhiên, xuất khẩu thủy sản vẫn còn đó những thách thức lớn làm hạn chế sự tăng trưởng, như: thẻ vàng IUU, thuế chống trợ cấp, thuế chống bán phá giá …
“Thuế chống trợ cấp, thuế chống bán phá giá ở thị trường Mỹ vẫn còn đó, và là những thách thức lớn làm hạn chế sự tăng trưởng trong quý IV/2024. Thế nhưng, ngành tôm vẫn kỳ vọng sẽ đạt mục tiêu xuất khẩu 4 tỷ USD”, ông Phẩm nói.
Lũy kế 8 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản đạt gần 6,3 tỷ USD, tăng gần 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt gần 2,4 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguồn: DNSG