Đồng yên rớt giá lúc này có bất thường?
Biến động do bầu cử là điều không tránh khỏi
Trước đây, đồng yên suy yếu được lý giải là do sự chênh lệch giữa lãi suất cơ bản giữa Mỹ và Nhật Bản khi lãi suất của Mỹ thấp hơn có xu hướng gây áp lực lên các loại tiền tệ khác và ngược lại.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã áp dụng chính sách lãi suất âm trong khoảng 8 năm, khiến đồng yên yếu so với đồng đô la Mỹ. Tại cuộc họp chính sách vào tháng 3/2024, cơ quan tiền tệ Nhật Bản đã tuyên bố chính thức chấm dứt chính sách lãi suất âm; đồng thời tăng lãi suất lần đầu tiên sau 17 năm, từ mức -0,1% lên khoảng 0-0,1%.
Với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất, còn Ngân hàng Nhật Bản hai lần tăng lãi suất trong năm nay, chênh lệch lãi suất đã thu hẹp lại. Vậy tại sao đồng yên lại rớt giá vào thời điểm này?
Ông Alvin Tan, Giám đốc chiến lược ngoại hối châu Á tại Công ty dịch vụ tài chính RBC Capital Markets (Canada), cho biết đồng yên vẫn là "đồng tiền trong nhóm G10 có lợi suất thấp nhất từ trước đến nay". G10 là nhóm 10 loại tiền tệ được giao dịch nhiều nhất trên thế giới.
Do đó, việc nắm giữ vị thế mua đồng yên rất tốn kém vì nó mang lại lãi suất thấp hơn nhiều so với đồng tiền tương ứng trong một cặp tiền tệ, có thể là đồng euro hoặc đồng đô la Mỹ.
"Lãi suất tiền gửi 1 tháng theo năm đối với đồng yên là +0,03%, trong khi đối với đồng đô la Mỹ là 4,76%. Đó là lý do tại sao đồng yên không thể tăng giá liên tục mặc dù Fed (hoặc ECB - Ngân hàng Trung ương châu Âu) đã cắt giảm lãi suất. Chênh lệch lãi suất so với đồng yên vẫn còn quá lớn để nhà đầu tư cân nhắc nắm giữ trong thời gian dài", ông Tan lý phân tích.
Trong khi đó, ông Homin Lee, chiến lược gia vĩ mô cấp cao tại ngân hàng tư nhân Lombard Odier (Thụy Sĩ), lý giải sự biến động gần đây của đồng yên có thể là do thị trường định giá lại theo kỳ vọng ông Donald Trump sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 cùng với các chỉ số tăng trưởng vững chắc của kinh tế Mỹ. Ngoài ra, cuộc bầu cử sắp tới ở Nhật Bản cũng là điều mà các nhà đầu tư lo lắng.
Ông Lee cho rằng, giao dịch liên tục biến động của cặp tiền tệ USD/JPY "có thể là điều không thể tránh khỏi trong thời gian rất ngắn" do các cuộc bầu cử tại Mỹ và Nhật Bản.
Tuy nhiên, bất kỳ sự suy yếu thêm nào của đồng yên có thể kích hoạt can thiệp tiền tệ một lần nữa từ chính quyền Nhật Bản, ông Lee dự đoán, đồng thời cho biết rằng cử tri Nhật Bản vẫn không hài lòng với "mức giá cực rẻ của đồng tiền này".
Trong khi đó, ông Tan cho rằng tâm lý rủi ro toàn cầu cần phải lắng sâu xuống thì mới có thể đưa đồng yên mạnh lên. "Đồng yên được hưởng lợi khi biến động thị trường toàn cầu tăng đột biến vì đây là đồng tiền trú ẩn an toàn hàng đầu", giám đốc chiến lược ngoại hối châu Á tại RBC Capital Markets nói thêm.
Bình luận trên đài CNBC sau biến động mạnh của đồng yên, ông Hugh Chung, giám đốc tư vấn đầu tư tại nền tảng đầu tư số Endowus (Singapore), lưu ý rằng đồng yên có xu hướng suy yếu so với đồng đô la Mỹ trong thời kỳ tâm lý tránh rủi ro, khi mà lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng trong khi cổ phiếu giảm.
Mặt khác, chính sách tiền tệ siêu nới lỏng của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản và tín hiệu từ Thống đốc Kazuo Ueda rằng ông sẽ không vội tăng lãi suất từ mức gần bằng 0 hiện nay, cũng được cho là những yếu tố góp phần khiến đồng yên suy yếu.
Cảnh báo hiện tượng đầu cơ
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Katsunobu Kato hôm 23/10 đã lên tiếng cảnh báo về hiện tượng đầu cơ tiền tệ, đồng thời bày tỏ lo ngại về các động thái "một chiều, nhanh chóng" trên thị trường tiền tệ đã khiến giá trị đồng yên giảm xuống.
"Điều quan trọng là tỷ giá hối đoái phải ổn định. Chúng tôi đang theo dõi các động thái tỷ giá hối đoái với sự cảnh giác cao độ, bao gồm cả bất kỳ động thái đầu cơ nào", ông Kato nói với các phóng viên sau khi tham dự phiên họp đầu tiên của cuộc họp các nhà lãnh đạo tài chính G20.
Bộ trưởng Kato cho biết các nhà lãnh đạo tài chính G20 đã không thảo luận về các động thái tỷ giá hối đoái tại phiên họp ngày 23/10.
Theo dữ liệu được đài CNBC mới cập nhật, đồng đô la Mỹ mạnh lên đáng kể ở mức 1 USD "ăn" 152,82 JPY. Sức mạnh của đồng đô la Mỹ được củng cố sau khi dữ liệu vững chắc của kinh tế Mỹ đã làm giảm kỳ vọng của thị trường về việc Fed tiếp tục mạnh tay hạ lãi suất.
Lần gần đây nhất Nhật Bản can thiệp mua đồng yên là vào cuối tháng 7 sau khi đồng tiền này giảm xuống mức thấp nhất trong 38 năm - dưới 161 JPY đổi 1 USD.
Đồng yên suy yếu là biến động có lợi cho các nhà xuất khẩu, nhưng lại là mối lo của các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản vì nó làm tổn hại đến các hộ gia đình và nhà bán lẻ thông qua việc tăng chi phí nhập khẩu nguyên liệu thô.
Nguồn: Báo Đầu tư