Quay lại

Khủng hoảng nhân khẩu học: Thế giới có ít trẻ em chưa từng thấy

Thế giới đang đứng trước một cột mốc đặc biệt về nhân khẩu học. Dự báo tỷ lệ sinh (fertility rate) – số con bình quân được sinh ra và sống của một người phụ nữ trong suốt đời – toàn cầu sẽ sớm giảm xuống dưới mức cần thiết để duy trì dân số ở mức hiện tại. Thậm chí, điều này có thể đã xảy ra.

MÙA ĐÔNG NHÂN KHẨU HỌC ĐANG TỚI

Theo tờ báo Wall Street Journal, tại hầu như tất cả các quốc gia trên thế giới, tỷ lệ sinh đang có xu hướng giảm ở nữ giới thuộc tất cả các nhóm thu nhập, trình độ học vấn và mức độ tham gia lực lượng lao động. Điều này đang tác động lớn tới cách sinh hoạt của mọi người, sự phát triển của các nền kinh tế và thậm chí cả vị thế của nhiều nước siêu cường.

Các yếu tố nhân khẩu học thường diễn ra chậm chạp, tuy nhiên, sự suy giảm tỷ lệ sinh đột ngột (baby bust) lại diễn ra đặc biệt nhanh và trên diện rộng khiến nhiều người bất ngờ.

Theo quan điểm của nhiều nhà nhân khẩu học hiện nay, mức sinh thay thế (replacement rate) – mức cần thiết để duy trì quy mô dân số ổn định – toàn cầu là khoảng 2,2. Tức là, số lượng trẻ em mà mỗi phụ nữ cần có để duy trì dân số toàn cầu là 2,2 con/phụ nữ. Tuy nhiên, Mỹ từ lâu đã giảm xuống dưới mức này và ghi nhận con số thấp nhất 1,62 con/phụ nữ trong năm 2023. Trong khi đó, Hàn Quốc hiện là nước có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, chỉ 0,62 con/phụ nữ.

Tại một số nước thu nhập cao, tỷ lệ sinh giảm xuống dưới mức sinh thay thế vào những năm 1970. Tình trạng này cũng đang diễn ra ở các nước đang phát triển. Năm ngoái, dù vượt Trung Quốc trở thành nước đông dân nhất thế giới, Ấn Độ cũng ghi nhận tỷ lệ sinh thấp hơn mức sinh thay thế, ở mức 2 con/phụ nữ.

“Mùa đông nhân khẩu học đang tới rồi”, nhà kinh tế chuyên về nhân khẩu học Jesús Fernández-Villaverde của Đại học Pennsylvania (Mỹ), nhận định.

Tại nhiều quốc gia, chính phủ xem đây là một vấn đề cấp bách quốc gia. Họ lo sợ lực lượng lao động suy giảm, tăng trưởng kinh tế sụt tốc và các quỹ hưu trí rơi vào khủng hoảng tài chính. Cùng với đó là nỗi lo về một xã hội ít trẻ em chưa từng thấy trong lịch sử.

Sự suy giảm dân số cùng sự phân ly trên toàn cầu đang khiến nhiều người đặt câu hỏi rằng liệu những siêu cường như Mỹ, Trung Quốc… có thể duy trì vị thế của mình. Một số nhà nhân khẩu học dự báo dân số thế giới có thể sẽ bắt đầu giảm trong vòng 40 năm tới.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump – người nhiều khả năng là ứng viên tranh cử tổng thống năm nay của đảng Cộng hòa, từng nói rằng sự suy giảm mức sinh là mối đe đọa lớn đối với nền văn minh phương Tây, thậm chí lớn hơn so với chiến tranh Nga-Ukraine.

Một năm trước, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida phát biểu rằng mức sinh (birthrate) – tỷ lệ trẻ em được sinh ra và sống tính trên 1000 dân trong vòng một năm– sụt mạnh đang khiến nước Nhật “đứng trước câu hỏi rằng liệu chúng tôi có thể tiếp tục duy trì chức năng như một xã hội hay không”. Trong khi đó, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni đang ưu tiên gia tăng “GDP về nhân khẩu học” của đất nước.

NHỮNG NỖ LỰC THOÁT KHỦNG HOẢNG NHÂN KHẨU HỌC

Tại nhiều quốc gia, các chính phủ đang nỗ lực vực dậy tỷ lệ sinh với các chính sách hỗ trợ sinh đẻ. Có lẽ không quốc gia nào trên thế giới nỗ lực làm điều này lâu hơn Nhật Bản. Sau khi tỷ lệ sinh giảm xuống chỉ còn 1,5 vào đầu những năm 1990, Chính phủ Nhật đã đưa ra một loạt chính sách, bao gồm chế độ nghỉ sinh cho nữ giới và hỗ trợ chăm sóc trẻ em. Tuy nhiên, tỷ lệ sinh ở Nhật vẫn tiếp tục giảm.

Khủng hoảng nhân khẩu học: Thế giới có ít trẻ em chưa từng thấy - Ảnh 1

Năm 2005, bà Kuniko Inoguchi được bổ nhiệm làm bộ trưởng đầu tiên phụ trách vấn đề sinh sản và bình đẳng giới ở Nhật. Khi đó, bà cho biết rào cản duy nhất là tiền bạc: Người dân không đủ khả năng tài chính để kết hôn hay sinh con. Sau đó, Nhật Bản bắt đầu miễn phí chăm sóc sau sinh và hỗ trợ tiền cho các gia đình theo số con. Nhờ vậy, tỷ lệ sinh tại Nhật tăng từ 1,26 vào năm 2005 lên 1,45 vào năm 2015. Tuy nhiên, sau đó tỷ lệ này lại bắt đầu giảm và tới năm 2022 trở về mức 1,26.

Năm nay, Chính quyền của ông Kishida tung rra một chương tình mới, trong đó bao gồm chính sách tăng trợ cấp hàng tháng cho tất cả hộ gia đình có con dưới 18 tuổi, bất kể thu nhập; miễn học phí đại học cho các gia đình có 3 con trở lên và chế độ nghỉ thai sản được trả lương đầy đủ.

Bà Inoguchi, hiện là nghị sĩ thuộc Thượng viện Nhật Bản, cho biết rào cản của các cặp đôi giờ đây không còn là tiền bạc mà là thời gian, do đó bà kêu gọi Chính phủ và các doanh nghiệp áp dụng chế độ tuần làm việc 4 ngày.

Tại Hungary, Thủ tướng Viktor Orban đã và đang thúc đẩy một trong những chương trình nghị sự hỗ trợ sinh để tham vọng nahát châu Âu. Năm ngoái, ông tăng quyền lợi thuế cho các bà mẹ để nữ giới dưới 30 sinh con được miễn trả thuế thu nhập cá nhân trọn đời. Bên cạnh đó là trợ cấp về nhà ở và chăm trẻ em, cùng với chế độ nghỉ sinh hào phóng.

Nhờ đó, tỷ lệ sinh ở Hungary, dù vẫn thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế, đã tăng lên từ năm 2010. Tuy nhiên, Viện Nhân khẩu học Vienna cho rằng sự gia tăng này chủ yếu bắt nguồn từ những phụ nữ trì hoãn sinh con chủ yếu do cuộc khủng hoảng vào khoảng những năm 2010. Nếu trừ đi những người này, tỷ lệ sinh của Hungary chỉ tăng nhẹ.

Còn ở Mỹ, các nhà lập pháp liên bang cũng đã mở rộng chương trình trợ chấp chăm sóc trẻ em và nghỉ sinh.

Dù nhiều chính phủ khác trên thế giới cũng có các chương trình tương tự nhằm ngăn chặn sự suy giảm tỷ lệ sinh nhưng hiệu quả không đáng kể. Thế giới vẫn đang đứng trước một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học nghiêm trọng đòi hỏi có những biện pháp căn cơ và quyết liệt hơn nữa.

Năm 2017, tỷ lệ sinh toàn cầu là 2,5. Khi đó, Liên hợp quốc (UN) dự báo con số này sẽ giảm xuống 2,4 vào cuối những năm 2020. Tuy nhiên, vào năm 2021, theo kết luận của Liên hiệp quốc, tỷ lệ sinh toàn cầu đã tụt xuống 2,3 – sát với mức sinh thay thế toàn cầu là khoảng 2,2. Tại nhiều nước phát triển, mức sinh thay thế hiện là 2,1. Còn ở các nước đang phát triển, tỷ lệ sinh cao hơn nhẹ so với mức sinh thay thế.

Hiện Liên hiệp quốc chưa công bố tỷ lệ sinh toàn cầu của năm 2022 và 2023, nhưng dựa trên các phân tích so sánh số liệu thực tế và dự báo những năm qua, ông Fernández-Villaverde phát hiện rằng mức sinh tại nhiều quốc gia thường thấp hơn khoảng 10-20% so với mức dự báo của Liên hiệp quốc.

Năm 2023, Trung Quốc ghi nhận 9 triệu trẻ em được sinh ra, thấp hơn 16% so với dự báo theo kịch bản trung bình của Liên hiệp quốc Trong khi đó, năm ngoái Mỹ có 3,59 triệu trẻ em ra đời, thấp hơn 4% so với dự báo của Liên hiệp quốc. Ở các quốc gia khác, sự chênh lệch lớn hơn, như Ai Cập và Kenya có số liệu thực tế thấp hơn lần lượt 17% và 18% so với dự báo.

“Dù khó để biết chính xác thời điểm tỷ lệ sinh giảm xuống thấp hơn mức sinh thay thế, chúng tôi có đủ bằng chứng để tự tin nhận định rằng thời điểm đó không còn cách xa”, nhà kinh tế về dân số Dean Spears thuộc Đại học Texas (Mỹ) phát biểu.

Trong khi đó, ông Fernández-Villaverde ước tính tỷ lệ sinh toàn cầu năm ngoái đã giảm xuống còn khoảng 2,1-2,2 lần đầu tiên trong lịch sử thấp hơn mức sinh thay thế toàn cầu.

Năm 2017, UN dự báo dân số thế giới – khi đó là 7,6 tỷ người – sẽ tiếp tục tăng lên 11,2 tỷ người vào năm 2100. Nhưng tới năm 2022, tổ chức này điều chỉnh dự báo và cho rằng dân số thế giới sẽ đạt mức đỉnh 10,4 tỷ người vào những năm 2080, sau đó sụt giảm. Tuy nhiên, thời điểm này được cho là sẽ đến sớm hơn khi Viện đánh giá và nghiên cứu y tế (IHME) tại Đại học Washington dự báo dân số thế giới sẽ đạt mức đỉnh khoảng 9,5 tỷ người vào năm 2061, trước khi bắt đầu giảm.

Nguồn: TBKTVN