Quay lại

Dư địa bán tín chỉ các bon rừng của Việt Nam còn rất lớn

Trên đây là nhận định được đưa ra tại hội thảo về carbon rừng, do Ban Quản lý các dự án lâm nghiệp (MBFP) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Văn phòng GIZ Việt Nam thuộc Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ), tổ chức ngày 4/6/2024, tại tỉnh Phú Yên.

KINH NGHIỆM TỪ THƯƠNG VỤ 51,5 TRIỆU USD TÍN CHỈ CARBON

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi, giải đáp nhiều kiến thức liên quan đến lĩnh vực carbon; giới thiệu tổng quan về carbon rừng, đề án phát triển thị trường carbon và thực tiễn tốt từ chương trình giảm phát thải ở Bắc Trung Bộ cũng như tiềm năng của carbon rừng Việt Nam trong tương lai…

Ông Vũ Tấn Phương, Giám đốc Văn phòng Chứng chỉ Quản lý Rừng Bền vững (VFCO) cho biết các biện pháp giảm phát thải trong lâm nghiệp bao gồm: Bảo vệ rừng tự nhiên hiện có ở vùng đồi núi; bảo vệ rừng ven biển; phục hồi rừng đặc dụng và rừng phòng hộ; nâng cao chất lượng và trữ lượng carbon rừng tự nhiên nghèo; nâng cao năng suất và trữ lượng carbon của rừng trồng gỗ lớn; nhân rộng các mô hình nông lâm kết hợp để nâng cao trữ lượng carbon và bảo tồn đất...

Về giá carbon lâm nghiệp năm 2023 trên thị trường tự nguyện quốc tế đối với các loại dự án chính, cao nhất là dự án quản lý rừng cải tiến (IFM) với 16,21 USD/tấn CO2 tương đương (tCO2tđ); tiếp đến là dự án trồng rừng mới/tái trồn rừng/tái sinh thực vật tự nhiên với 15,74 USD/tCO2tđ.

Theo ông Phương, giá tín chỉ carbon từ các dự án REDD+ tuy thấp nhất (7,87 USD/tCO2tđ), nhưng đem lại giá trị cao nhất với 222 triệu USD đã chi trả trong năm 2023 trên toàn cầu (năm 2022 là 584 triệu USD).

Các diễn giả tham gia tọa đàm.

Các diễn giả tham gia tọa đàm.

Tại Việt Nam, các dự án REDD+ hiện đang ở giai đoạn 3 là chi trả dựa trên kết quả, do có thể đo đếm, báo cáo và kiểm tra được. Đó cũng là nền tảng cho Thỏa thuận chi trả/mua bán giảm phát thải (ERPA) vùng Bắc Trung Bộ với giá trị chuyển nhượng 51,5 triệu USD vừa qua.

Chia sẻ những bài học kinh nghiệm từ thương vụ bán thành công tín chỉ carbon rừng thu về 51,5 triệu USD trong năm 2023, ông Nguyễn Chiến Cường, Cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển Rừng Việt Nam cho biết đó là kết quả từ thực hiện  thoả thuận ERPA  ký năm 2020.  

Toàn bộ giá trị hợp đồng mua bán tín chỉ carbon của ERPA là 51,5 triệu USD, với giá 5 USD/tCO2e​. Đến nay, toàn bộ giá trị hợp đồng đã được thanh toán 100%, với 10,3 triệu tCO2e đã thực hiện thành công. Đây là “thương vụ" mua bán tín chỉ carbon duy nhất đã nhận được “tiền tươi thóc thật" tính đến thời điểm này.

"Các dự án tín chỉ carbon rừng cần hướng đến tính toàn vẹn cao, đáp ứng các phương pháp định lượng chuẩn, giảm phát thải lâu dài và các điều kiện bảo đảm an toàn xã hội để tạo ra lợi ích".

Ông Nguyễn Chiến Cường, Cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển Rừng Việt Nam.

Đúc rút kinh nghiệm từ sự hành công này, ông Vũ Tấn Phương cho rằng bất kỳ dự án carbon rừng nào cũng yêu cầu các điều kiện về an toàn xã hội, bao gồm sự tham gia, chia sẻ thông tin minh bạch, bình đẳng giới và tính đa dạng, đặc biêt trong bối cảnh quốc tế đang thúc đẩy phát triển tín dụng carbon có tính toàn vẹn cao.

LÊN KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI NHIỀU DỰ ÁN THƯƠNG MẠI TÍN CHỈ CARBON RỪNG

Bà Nghiêm Phương Thúy, đại diện Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết Liên minh giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính lâm nghiệp (LEAF) được thành lập với mục tiêu chấm dứt nạn mất rừng nhiệt đới thông qua cung cấp tài chính cho nỗ lực bảo vệ rừng nhiệt đới quy mô lớn trên 2,5 triệu ha rừng tại Việt Nam.

“Liên minh LEAF không phải là chương trình/dự án carbon hay tổ chức cấp tiêu chuẩn carbon, mà tạo ra cơ chế thương mại tín chỉ carbon, tất cả các tín chỉ giao dịch qua LEAF đều được đăng ký và phát hành theo tiêu chuẩn TREES bởi ART", bà Thúy chia sẻ.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo.

Theo bà Thúy, Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và PTNT đang xây dựng Thỏa thuận mua bán giảm phát thải vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ gồm Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận để triển khai Ý định thư với LEAF/Emergent. Dự kiến, LEAF/Emergent sẽ mua tối thiểu 5,15 triệu tín chỉ giai đoạn 2021-2025 với giá 10usd/tín chỉ

Bên cạnh đó còn có Chương trình thí điểm chi trả kết quả thực hiện REDD+ của Quỹ Khí hậu xanh (GCF). Dự kiến, năm 2025 Việt Nam sẽ trình đề xuất chi trả kết quả thực hiện REDD+ năm 2014 với số tiền dự kiến khoảng 65 triệu usd.

Ngoài ra, với tiềm năng lớn về carbon rừng, nhiều địa phương và khu vực tư nhân cũng đang nghiên cứu, đề xuất các dự án thí điểm khác trong lĩnh vực lâm nghiệp.

"Trong cơ chế LEAF, nguồn vốn từ các chính phủ tài trợ hoạt động như một chất xúc tác để huy động nguồn vốn từ khối tư nhân.  Tổ chức tăng cường tài chính lâm nghiệp (Emergent) là tổ chức điều phối của Liên minh LEAF, sẽ mua tín chỉ carbon từ các quốc gia/địa phương được phát hành theo Tiêu chuẩn".

Bà Nghiêm Phương Thúy, Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ông Nguyễn Chiến Cường, Cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển Rừng Việt Nam, cho hay ngành Lâm nghiệp Việt Nam đang có kế hoạch triển khai nhiều dự án thương mại tín chỉ carbon rừng.

Một là, Quỹ khí hậu xanh (GCF)/JICA sẽ mua tín chỉ carbon tại 4 tỉnh Trung Bộ và 11 tỉnh Miền núi phía Bắc trong thời gian 2024-2029, với tổng số tiền dự tính 65-150 triệu USD (giá 5 USD/tCO2e) cho lượng tín chỉ tối đa là 30MtCO2e​

Hai là, Đề án carbon rừng tỉnh Quảng Nam đã trình Chính phủ nhưng chưa được phê duyệt, đang đề xuất đưa vào vùng dự án LEAF. Bên mua tín chỉ là Tập đoàn BP (South Pole Shell, Terra G First, Everland, Mirova Ecosphere) với lượng tín chỉ ước tính 1,6 MtCO2e/năm​, đơn giá 5 USD/tCO2e​, thời gian thực hiện từ năm 2024- 2030​.

Tập đoàn SK Forest Group cũng đặt vấn đề mua xây dựng Ý định thư/LOI (nhưng hiện tại chưa ký​ kết) dự kiến mua tín chỉ carbon tại 15 tỉnh phía Bắc​ Việt Nam. Tuy nhiên, hiện ý tưởng này đang tạm dừng.

Thỏa thuận LEAF/ EMERGENT đã ký Ý định thư năm 2022, với khối lượng tín chỉ carbon thương mại là 11 triệu tCO2e​, đơn giá 10 USD/tCO2e​. Vùng địa lý thực hiện mua bán tín chỉ carbon theo thỏa thuận này gồm 6 tỉnh Nam Trung Bộ và 5 tỉnh Tây Nguyên, với 3,24 triệu ha rừng tự nhiên.

Ths.Trần Hồng Nhung, Chuyên viên chính, Vụ Pháp chế của Bộ Tài Chính cho hay hàng hóa trên thị trường carbon tại Việt Nam gồm 2 loại.

Thứ nhất: Hạn ngạch phát thải khí nhà kính do Bộ Tài nguyên Môi trường phân bổ cho cơ sở thuộc danh mục phải kiểm kê khí nhà kính.

Thứ hai: Tín chỉ carbon do Bộ Tài nguyên Môi trường xác nhận được giao dịch trên sàn giao dịch tín chỉ carbon; được tạo ra từ chương trình, dự án tạo tín chỉ trong nước; được tạo ra từ chương trình, dự án tạo tín chỉ quốc tế.

Để tạo thị trường thông thoáng cho thương mại tín chỉ carbon, Chính phủ Việt Nam đang thực hiện lộ trình đến cuối 2024 sẽ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và hạ tầng kỹ thuật; đồng thời nâng cao năng lực quản lý của cơ quan nhà nước và nhận thức của doanh nghiệp.

Giai đoạn 2025-2027, sẽ thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon, đánh giá kết quả thí điểm. Từ năm 2028, Sàn giao dịch tín chỉ carbon sẽ chính thức hoạt động.

Nguồn: TBKTVN