Quay lại

Điểm nghẽn lớn nhất trong kế hoạch cấm TikTok tại Hoa Kỳ: Ai sẵn sàng mua lại ứng dụng?

Về mặt lý thuyết, Đạo luật được Hạ viện thông qua với tỷ lệ áp đảo vào tuần trước là động thái nhằm buộc công ty mẹ của TikTok, ByteDance, bán ứng dụng cho tổ chức ngoài Trung Quốc. Nếu không hoàn tất quá trình trong vòng sáu tháng kể từ khi luật có hiệu lực, toàn bộ cửa hàng ứng dụng trên lãnh thổ Hoa Kỳ sẽ bị cấm cung cấp TikTok tới người dùng, theo CNN Business. 

Tuy nhiên, dự luật phải đối mặt với con đường chông gai phía trước tại Thượng viện, nơi nhiều nhà lập pháp tuyên bố họ không thoải mái với việc can thiệp vào hoạt động kinh doanh riêng biệt và đặt ra giới hạn đối với quyền tự do ngôn luận. Ngay cả khi luật được đặt trên bàn làm việc của Tổng thống Joe Biden, Chính phủ Bắc Kinh vẫn tuyên bố dứt khoát sẽ phản đối hành động ép bán.

Lệnh cấm là nỗ lực lâu dài của các nhà lập pháp luôn nhấn mạnh lo ngại (được cho là quá mức) về vấn đề bảo mật dữ liệu của người dân Hoa Kỳ khỏi các cơ quan gián điệp Trung Quốc. Nhưng triển vọng về doanh thu tiềm năng của TikTok đã làm dấy lên suy đoán về việc ai sẽ sẵn sàng bỏ tiền mua ứng dụng.

RÀO CẢN PHÁP LÝ VỀ CHỐNG ĐỘC QUYỀN

Không khó để hiểu tại sao phần lớn ông lớn tại Thung lũng Silicon lại thèm khát thương vụ này: TikTok có thể trở thành ứng dụng giá trị nhất hành tinh. Theo nhà phân tích Dan Ives đến từ Wedbush, chỉ riêng phân khúc tại Hoa Kỳ với 170 triệu người dùng, TikTok được định giá khoảng 100 tỷ USD.

Ông Ives nhận xét nếu ByteDance thật sự có ý định bán lại ứng dụng, “nền tảng tiêu dùng và giá trị chiến lược của TikTok sẽ thu hút một số gã khổng lồ sở hữu nguồn lực tài chính và công nghệ tốt quan tâm”.

Với mức giá 100 tỷ USD, rất ít công ty có đủ khả năng mua lại hoàn toàn TikTok. Hơn nữa, những công ty được cho là có thể – Meta, Alphabet, Microsoft – gần như chắc chắn sẽ gặp phải rào cản pháp lý sau thương vụ.

“Ai sẽ mua ứng dụng? Đây là câu hỏi thực sự hóc búa”, ông Gene Kimmelman, cựu quan chức chống độc quyền thuộc Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, bảy tỏ. “Nếu đó là Amazon, Microsoft, Google hay Meta, tôi nghĩ mối lo ngại chống độc quyền sẽ gia tăng đáng kể”.

Meta sở hữu nhiều kênh truyền thông xã hội nổi tiếng như Facebook và Instagram. Alphabet sở hữu YouTube, đối thủ cạnh tranh trực tiếp với TikTok. Microsoft không có nền tảng xã hội của riêng hãng, nhưng mối quan hệ của công ty với OpenAI đang được cơ quan quản lý Hoa Kỳ giám sát chặt chẽ.

Đầu tuần này, The Wall Street Journal đưa tin ông Bobby Kotick, cựu CEO Activision Blizzard (được Microsoft mua lại vào năm ngoái), đã bày tỏ mối quan tâm đến việc tìm kiếm đối tác cùng mua lại TikTok. Trích dẫn một số nguồn tin thân cận, tạp chí viết rằng cựu CEO Kotick “đã đưa ra ý tưởng hợp tác mua lại TikTok cho một nhóm lãnh đạo trong đó có Giám đốc Điều hành OpenAI Sam Altman”.

Đại diện của cả hai vị Giám đốc Kotick và Altman đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.

CÁI TÊN GÂY BẤT NGỜ

Apple, một trong những doanh nghiệp có giá trị nhất thế giới, sở hữu dòng tiền dồi dào và chưa có mạng xã hội riêng. Nhưng Apple đang phải tập trung giải quyết một loạt vấn đề đau đầu về quy định, bao gồm hạn chế mới tại thị trường Châu Âu và hành động kiểm soát chặt chẽ hệ sinh thái của hãng từ Bộ Tư pháp.

Thêm vào đó, văn hóa Apple dường như không phù hợp với TikTok. Phương tiện truyền thông xã hội là ngành kinh doanh khó nắm bắt, đòi hỏi sự giám sát liên tục nhằm ngăn chặn phát ngôn thù địch và hình ảnh phản cảm. Apple chưa từng đầu tư trang bị cơ sở hạ tầng cho loại hoạt động tương tự. Mạng xã hội đầu tiên và duy nhất của Apple, Ping, đầy lỗi và chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, trở thành một trong những thất bại to lớn của nhà sản xuất iPhone.

Điểm nghẽn lớn nhất trong kế hoạch cấm TikTok tại Hoa Kỳ: Ai sẵn sàng mua lại ứng dụng? - Ảnh 1

Bất kỳ lãnh đạo công nghệ hoặc nhà đầu tư tư nhân nào có ý định mua lại TikTok cần chuẩn bị sẵn sàng tinh thần bước vào “vũng lầy” truyền thông xã hội. Bối cảnh hỗn loạn nổ ra từ phiên điều trần trước Quốc hội hồi đầu năm nay, trong đó CEO Mark Zuckerberg phải xin lỗi những gia đình đã cho rằng những nền tảng từ Meta góp phần gây ra ảnh hưởng tiêu cực cho con cái họ. Ngay sau đó, Giám đốc Điều hành hiện tại của TikTok, ông Shou Chew người Singapore, cũng đối diện với cáo buộc từ các nhà lập pháp rằng ông đang phục vụ nhiều yêu cầu từ phía Trung Quốc. 

BÀI HỌC TỪ NỖ LỰC MUA LẠI TIKTOK NĂM 2020

Lần cuối cùng Hoa Kỳ cố gắng ép bán TikTok, dưới thời Tổng thống Donald Trump, Chính phủ đã xếp “cặp đôi kỳ lạ” gồm Oracle và Walmart dẫn đầu thương vụ. Kế hoạch cuối cùng đã bị gác lại sau khi chính quyền Bắc Kinh đưa ra hàng loạt thách thức pháp lý.

Điểm nghẽn lớn nhất trong kế hoạch cấm TikTok tại Hoa Kỳ: Ai sẵn sàng mua lại ứng dụng? - Ảnh 2

Không có thông tin nào về việc liệu một trong hai công ty có mong muốn tái đấu thầu hay không, mặc dù giá trị của ứng dụng gần như chắc chắn đã tăng vài tỷ USD kể từ khi nỗ lực mua lại năm 2020 thất bại.

Mặc khác, Trung Quốc khó có thể bật đèn xanh cho bất kỳ động thái nào dẫn đến tương lai nước này mất quyền kiểm soát đối với một số công nghệ tiên tiến, bao gồm cả thuật toán mạnh mẽ của TikTok. Đầu tháng này, Chính phủ Trung Quốc đã nhấn mạnh tại cuộc họp thường niên rằng đổi mới công nghệ cao sẽ là trọng tâm trong chiến lược tăng trưởng kinh tế quốc gia.

Một câu hỏi quan trọng khác trong quá trình đánh giá giá trị của thương vụ TikTok là liệu Trung Quốc có cho phép ByteDance xuất khẩu thuật toán của hãng hay không. Đây chính là bí quyết tuyệt mật khiến người dùng TikTok đắm chìm trong ứng dụng nhiều giờ hàng ngày. Bắc Kinh coi một số công nghệ tiên tiến, bao gồm cả thuật toán đề xuất nội dung, rất quan trọng đối với lợi ích quốc gia. Có thể đất nước tỷ dân sẽ mong muốn TikTok rời khỏi thị trường Hoa Kỳ hơn là từ bỏ thuật toán “gia truyền”.

Nhà phân tích Ives khẳng định: “Việc tách thuật toán khỏi ByteDance sẽ là quá trình phức tạp với sự giám sát chặt chẽ từ cơ quan quản lý Hoa Kỳ. Chúng tôi cũng dự đoán nhiều thách thức pháp lý mạnh mẽ từ phía ByteDance tại thị trường Hoa Kỳ, nhằm trì hoãn quyết định thực thi đạo luật trong thời gian ngắn”.

Nguồn: TBKTVN