Quay lại

Những rủi ro lớn nhất doanh nghiệp Mỹ phải đối mặt trong năm 2024

Theo CNN, trong năm 2023, nền kinh tế Mỹ đã tránh được suy thoái và thị trường việc làm vẫn phát triển mạnh, lạm phát dần hạ nhiệt đều đặn. Trong khi người Mỹ tiếp tục chi tiêu, giúp các nhà cung cấp dịch vụ, bán lẻ và nhà sản xuất duy trì hoạt động.

Khả năng phục hồi đáng chú ý của nền kinh tế năm ngoái, đã khiến các nhà kinh tế và đầu tư bối rối, có thể tiếp tục duy trì trong năm nay. Hiện có nhiều khả năng lạm phát đang đi đúng quỹ đạo hướng đến 2% của Cục Dự trữ Liên bang, trong khi tỉ lệ thất nghiệp không tăng mạnh, một kỳ tích hiếm có còn được gọi là “hạ cánh mềm”. FED cũng sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm nay.

Tuy nhiên, trong khi các doanh nghiệp có rất nhiều lý do để lạc quan thì rủi ro vẫn còn đó. Tuần trước, các cuộc khảo sát từ Liên đoàn Doanh nghiệp Độc lập Quốc gia (NFIB) và The Conference Board đã vạch ra những hạng mục còn khiến các doanh nghiệp lo lắng.

 

Theo cuộc khảo sát với hơn 1.200 Giám đốc Điều hành của Conference Board, suy thoái kinh tế vẫn là mối quan tâm hàng đầu. Điều đó cho thấy 37% Giám đốc Điều hành của Mỹ đã chuẩn bị cho một cuộc suy thoái trong năm tới.

Dự đoán về một cuộc suy thoái vẫn còn đa chiều. Các nhà kinh tế của Wells Fargo gần đây cho biết, trong dự báo kinh tế mới nhất rằng sẽ không có suy thoái trong tương lai gần: “Nói tóm lại, hiện tại chúng tôi dự đoán nền kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục mở rộng trong toàn bộ giai đoạn dự báo của chúng tôi, kéo dài đến cuối năm 2025.”

Theo khảo sát của The Conference Board, mối quan tâm lớn thứ hai của các nhà điều hành doanh nghiệp là lạm phát.

Kể từ khi bùng nổ gần ba năm trước, lạm phát đã giảm đáng kể, nhưng vẫn cao hơn mục tiêu 2% chính thức của FED và cao hơn mọi mức mà người Mỹ đã quen trước đại dịch.

Bà Dana Peterson, Nhà kinh tế tại The Conference Board, cho biết: “Mặc dù các thước đo lạm phát đã chậm lại nhưng mức giá vẫn cao hơn nhiều so với mức mà nhiều công ty đã quen và nhiều công ty vẫn đang phải chịu áp lực tăng lương do thiếu lao động ở một số ngành.” 

Cuộc khảo sát tháng 12 của NFIB đối với các doanh nghiệp nhỏ cho biết, lạm phát quay trở lại là vấn đề kinh doanh hàng đầu. Cuộc khảo sát cũng cho thấy, các công ty tiếp tục phải vật lộn với chi phí lao động cao hơn và các vấn đề trong việc tìm kiếm ứng viên đủ tiêu chuẩn.

Theo các cuộc khảo sát hàng tháng của NFIB, tâm lý của các doanh nghiệp nhỏ ở Mỹ vẫn ở mức ảm đạm, mặc dù lạm phát đã chậm lại đáng kể trong năm qua. Chỉ số lạc quan từ cuộc khảo sát chỉ đứng ở mức 91,9 trong tháng 12, đánh dấu tháng thứ 24 liên tiếp dưới mức trung bình 50 năm là 98.

Một rủi ro kinh doanh khác vào năm 2024 là lãi suất. Mặc dù FED dự kiến ​​sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm nay nhưng lãi suất sẽ không quay trở lại mức gần bằng 0.

 

Dự báo kinh tế mới nhất của các quan chức FED công bố vào tháng trước cho thấy họ kỳ vọng lãi suất về lâu dài sẽ ổn định ở mức dưới 3%. Mặc dù con số này giảm so với mức 5,25-5,5% hiện tại, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với tỉ lệ gần như bằng 0 trong những ngày đầu đại dịch.

Điều đó có thể trở thành một vấn đề khi các công ty vay vốn kinh doanh vào năm 2020 cần tái cấp vốn, đây là thực trạng nhiều công ty có thể đối mặt trong năm nay.

Bà Peterson nói: “Nếu có một loạt công ty có số nợ khổng lồ đáo hạn và cần tái cấp vốn trong bối cảnh lãi suất cao hơn đáng kể, điều đó sẽ làm tăng nguy cơ vỡ nợ”.

Các công ty Mỹ dường như cũng cảnh giác với những rủi ro do tình trạng bế tắc và phân cực đang diễn ra trong Quốc hội. Năm ngoái, bế tắc chính trị tại Quốc hội gần như khiến Mỹ vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử, điều này có thể gây ra một cơn bão kinh tế quy mô lớn. Bản chất hay tranh cãi giữa các nhà lập pháp Quốc hội là lý do chính khiến Fitch Ratings, một công ty đánh giá rủi ro, hạ xếp hạng tín dụng của Mỹ từ xếp hạng AAA cao nhất xuống AA+, với lý do “các tiêu chuẩn quản trị ngày càng suy giảm”. Moody's Investor Service, một cơ quan xếp hạng khác, đã thay đổi dự đoán nợ nước này thành tiêu cực vào tháng 11.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp sẽ bắt đầu cắt giảm chi phí trong năm mới. Trước thềm năm 2024, một số công ty lớn đã tuyên bố sa thải nhân viên, bao gồm Alphabet, công ty mẹ của Google, BlackRock, Amazon, Duolingo và Citigroup,

Theo CNN, các ngân hàng cũng đang gặp khó khăn về mặt thu nhập. Trong cuộc họp báo cáo thu nhập gần đây, JPMorgan cho biết, lợi nhuận quý IV của ngân hàng giảm 15% so với năm trước, xuống còn 9,3 tỉ USD, thấp hơn nhiều so với dự kiến ​​của các nhà phân tích được FactSet khảo sát. Thu nhập trên mỗi cổ phiếu đạt 3,04 USD, cũng thấp hơn mức 3,35 USD mà FactSet ước tính.

Những con số đó có thể ám chỉ ngân hàng đang gặp khó khăn. Nhưng điều đó chưa thực sự chính xác khi mà JPMorgan vừa ghi nhận năm có lợi nhuận cao nhất trong lịch sử. Doanh thu tăng 23% lên 158 tỉ USD vào năm 2023. Lợi nhuận cũng tăng 32% trong năm lên 49,6 tỉ USD.

Theo CNN, số liệu khác thường mà ngân hàng này ghi nhận đến từ cuộc khủng hoảng ngân hàng khu vực.

Trong năm qua, Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) đã tiêu tốn khoảng 23 tỉ USD để xử lý vụ sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon và Ngân hàng Signature. Hầu hết các ngân hàng lớn đều ủng hộ dự luật đó.

Lợi nhuận của JPMorgan bị kéo xuống thấp hơn do phải trả khoản phí 2,9 tỉ USD liên quan đến cuộc khủng hoảng. Nếu không có khoản thanh toán đó, JPMorgan cho biết thu nhập của họ sẽ đạt gần 3,97 USD/cổ phiếu, vượt xa ước tính.

Với việc JPMorgan, ngân hàng lớn nhất Mỹ tính theo tài sản thường được coi là đầu tàu cho phần còn lại của Phố Wall, gặp vấn đề, chắc chắn các ngân hàng khác cũng gặp phải vấn đề tương tự. 

Nguồn: Nhipcaudautu