Quay lại

Dự án ách tắc, TP.HCM có nguy cơ thiếu điện

Dự án chờ 6 năm, điều chỉnh quy hoạch chưa xong

Tình hình nắng nóng gay gắt tại TP.HCM trong 2 tháng qua khiến sản lượng điện tiêu thụ tăng vọt. Trong khi đó, các dự án đầu tư truyền tải điện do vướng mắc quy hoạch đang chậm tiến độ 3 - 6 năm.

Đầu tháng 4/2024, Tổng công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh (EVN HCMC) có văn bản gửi UBND TP.HCM nêu hàng loạt vướng mắc và đề nghị Thành phố tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án phục vụ truyền tải điện.

Vướng mắc đầu tiên là vấn đề lập, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000, quy hoạch chi tiết 1/500 các khu vực có liên quan đến các dự án lưới điện hiện chưa đồng bộ giữa Quy hoạch Phát triển lưới điện quốc gia, Quy hoạch Phát triển điện lực của TP.HCM với các đồ án quy hoạch của địa phương.

Do đó, khi các dự án đầu tư phát triển lưới điện được triển khai theo quy hoạch phát triển điện lực, EVN HCMC phải thực hiện điều chỉnh đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000, quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đối với các khu vực liên quan theo quy định. Nhưng, công tác cập nhật, điều chỉnh quy hoạch phức tạp, kéo dài nhiều năm.

Điển hình, Trạm biến áp 220 kV Tân Sơn Nhất, việc điều chỉnh quy hoạch đã kéo dài hơn 6 năm, đến nay TP.HCM vẫn chưa có hướng xử lý dứt điểm.

Một dự án khác là Trạm biến áp 110 kV Linh Đông, từ khi UBND TP.HCM phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 (năm 2021) sau hơn 3 năm, TP. Thủ Đức vẫn chưa xác định được đơn vị nào chịu trách nhiệm trình phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500.

Vướng mắc tương tự xảy ra ở hàng loạt dự án trạm biến áp tại Thủ Thiêm, Vĩnh Lộc, An Phú Đông, Hóc Môn… và đường dây 220 - 110 kV Bình Tân - Cầu Bông đoạn qua địa bàn huyện Bình Chánh.

Dự án Nhà máy Điện khí LNG Hiệp Phước (giai đoạn I), thuộc danh sách dự án trọng điểm ngành năng lượng sẽ đưa vào vận hành thương mại trong năm 2025 cũng đang gặp vướng mắc liên quan đến quy hoạch. Giữa tháng 4/2024, Công ty TNHH Điện lực Hiệp Phước (HPPC) - chủ đầu tư Dự án gửi văn bản “kêu cứu” đến Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương.

Trong văn bản, HPPC phản ánh, khu đất thực hiện Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ cho thuê đất tại các quyết định ban hành năm 1997 và 1999. Dự án Nhà máy Điện khí LNG Hiệp Phước được cải tạo, nâng cấp từ nhà máy điện hiện hữu và tiếp tục sử dụng khu đất này, không mở rộng phạm vi sử dụng đất.

Về quy hoạch, trong Công văn 9003/BCT-ĐL ngày 18/12/2023 của Bộ Công thương có nêu: “Vị trí do HPPC đề xuất là Nhà máy Điện Hiệp Phước hiện hữu. Do đó, việc dự kiến xây dựng nhà máy điện tua-bin khí chu trình hỗ hợp là phù hợp quy hoạch được duyệt”.

Tuy vậy, phía doanh nghiệp cho biết, khi làm việc với Sở Quy hoạch Kiến trúc và UBND TP.HCM để xin lập đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 và quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cho Dự án, thì được trả lời: phải chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án diều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.

Nguy cơ thiếu điện ở vùng trung tâm

Do tắc khâu quy hoạch, nên các khâu khác như đấu giá quyền sử dụng đất bố trí cho các công trình xây dựng lưới điện cũng tắc theo, vì muốn đấu giá được, thì phải phê duyệt quy hoạch trước.

EVN HCMC tính toán, nếu các thủ tục thuận lợi, thời gian từ khi khởi công đến khi hoàn thành 1 trạm biến áp khoảng 12 - 18 tháng đối với trạm 110 kV và 18 - 24 tháng đối với trạm 220 kV. Như vậy, nhiều trạm biến áp như Tân Sơn Nhất, Đầm Sen, Thủ Thiêm… chỉ có thể đưa vào vận hành vào cuối năm 2026.

Theo khuyến cáo của đơn vị tư vấn thực hiện Hợp phần 25 (thuộc đồ án Quy hoạch TP.HCM giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050), do các dự án ngành điện chậm tiến độ, nên mức dự phòng công suất trạm 220 kV của Thành phố đến năm 2025 sẽ rất thấp và đặc biệt ở vùng 3 (trung tâm Thành phố) và vùng 4 (khu vực Nhà Bè, Cần Giờ) không còn dự phòng.

“Với tiến độ hiện nay, việc đảm bảo cung cấp điện cho Thành phố giai đoạn 2025 - 2030 sẽ rất khó khăn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh về năng lượng (đặc biệt là khu vực trung tâm Thành phố và khu vực sân bay Tân Sơn Nhất)”, EVN HCMC nhận định

Không chỉ dự án mới, việc cải tạo các trạm biến áp đã vận hành lâu năm, thiết bị, công nghệ lạc hậu có nguy cơ gián đoạn cung cấp điện cũng chưa thực hiện được do vướng mắc về quy hoạch, đất đai.

EVN HCMC “khẩn thiết” kiến nghị UBND TP.HCM nghiên cứu phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án lưới điện theo Điều 32, Luật Đầu tư hoặc các cơ chế đặc thù để được Thành phố giao đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, sớm tháo gỡ vướng mắc để cung ứng đủ điện đảm bảo cho sản xuất và sinh hoạt trong thời gian tới.

Nguồn: Báo Đầu tư