Quay lại

Phát triển khoa học công nghệ trong nông nghiệp cần gắn với nhu cầu thị trường

Ngày 20/5/2024, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị “Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

KHOA HỌC CÔNG NGHỆ GIÚP CHUYỂN ĐỔI MÔ HÌNH NÔNG NGHIỆP

Chủ trì hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh đến vai trò to lớn của khoa học công nghệ đối với sự phát triển của ngành Nông nghiệp. Theo thống kê, tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp bình quân 3 năm giai đoạn 2021-2023 đã đạt 3,35%/năm (giai đoạn 2016-2020 đạt 2,62%/năm), là nhờ sự đóng góp không thể thiếu của khoa học công nghệ. Nhờ vậy, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2021-2023 đạt 154,8 tỷ USD, bình quân đạt trên 51,61 USD/năm, cao hơn so với mức 36,63/năm giai đoạn 2016-2020.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: "Khoa học công nghệ đóng góp tích cực vào tăng trưởng nông nghiệp".

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: "Khoa học công nghệ đóng góp tích cực vào tăng trưởng nông nghiệp".

"Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng có vai trò quan trọng và đóng góp tích cực vào tăng trưởng nông nghiệp. Các nghiên cứu và kết quả tính toán theo các cách khác nhau đều cho thấy đóng góp của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo cho ngành nông, lâm, thủy sản là rất lớn, đạt mục tiêu trên 50%. Điều này phản ánh nông nghiệp Việt Nam đang chuyển đổi từ mô hình theo chiều rộng sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu dựa vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định.

"Khoa học công nghệ đã thúc đẩy cơ giới hóa trong nông nghiệp, năng suất lao động nông, lâm, thủy sản bình quân tăng 6,8%/năm".

Cụ thể, khoa học công nghệ đã giúp cải thiện cơ cấu giống và tăng năng suất cây trồng vật nuôi. Giai đoạn 10 năm qua, cộng đồng các nhà khoa học đã công nhận 529 giống mới (393 giống cây trồng, 12 giống thủy sản; 82 giống cây lâm nghiệp và 42 giống vật nuôi). Các giống lúa Việt Nam chọn tạo đã được chuyển giao và ứng dụng trên phạm vi cả nước với diện tích khoảng 6,2 triệu ha, chiếm gần 80% diện tích lúa cả nước.

Riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các giống lúa do các nhà khoa học Việt Nam chọn tạo chiếm trên 80% diện tích cả vùng, trong đó riêng giống lúa OM5451 đã được gieo trồng với diện tích gần 1 triệu ha ở Đồng bằng sông Cửu Long. Hay cà phê cho năng suất 27 tạ/ha, cao gấp 1,5 lần so với Brazil, 3 lần so với Colombia và Indonesia.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết nhiều nhóm sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, cấp tỉnh có hàm lượng ứng dụng khoa học công nghệ rất cao được áp dụng từ khâu sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến như: Tôm, cá tra… Nhiều doanh nghiệp lớn ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến ngang tầm khu vực và thế giới như: TH (sữa), Dabaco (chăn nuôi), Nafoods (trồng, chế biến trái cây), Masan (giết mổ, chế biến), Nam miền Trung (tôm)...".

Bên cạnh kết quả đã đạt được,Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng lĩnh vực khoa học công nghệ cũng còn có những hạn chế, bất cập: Việc thương mại hóa - chuyển giao kết quả nghiên cứu sản phẩm, công trình khoa học công nghệ vẫn còn chậm; một số công trình, đề tài nghiên cứu hàm lượng sáng tạo, tính mới chưa cao, vẫn còn thiếu đội ngũ nhà khoa học đầu ngành, nhân lực làm nghiên cứu đông nhưng chưa mạnh; việc sử dụng trang thiết bị cơ sở vật chất có lúc, có nơi còn chưa hiệu quả...

ĐIỀU CHỈNH ĐÀO TẠO VÀ NGHIÊN CỨU THEO NHU CẦU THỊ TRƯỜNG

Tại hội nghị, các đại biểu đại diện các Viện Nghiên cứu, học viện, Trường Quản lý Cán bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Chuyển đổi số và thống kê nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông quốc gia… đã trao đổi, đề xuất những giải pháp về tư duy đổi mới, các chính sách, định hướng phát triển khoa học công nghệ.

GS.TS Phạm Văn Cường, Phó Giám đốc Học viên Nông nghiệp Việt Nam, cho biết việc áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường (như VietGAP, Global GAP...) ngày càng được phổ biến nhân rộng và hiệu quả mang lại là sản xuất ra được các sản phẩm an toàn, chất lượng cao phục vụ nhu cầu của thị trường.

Ngoài nghiên cứu các giống cây trồng, những nghiên cứu khoa học đã quan tâm một số sản phẩm công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm để đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Tuy nhiên, theo ông Cường, sản phẩm khoa học công nghệ nhiều nhưng tính ứng dụng chưa cao, chưa gắn kết với đào tạo. Cơ sở vật chất, học liệu chưa đáp ứng được với sự thay đổi nhanh chóng của thực tế sản xuất, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và nông nghiệp thông minh.

“Tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp đã qua đào tạo qua các năm giảm. Cụ thể, năm 2020 đạt 4,62%, năm 2021 đạt 4,13%; năm 2022 là 4,08%”, ông Cường nêu thực tế, đồng thời kiến nghị các hệ thống đào tạo của ngành nông nghiệp cần cập nhật và điều chỉnh chương trình đào tạo theo nhu cầu thị trường; cập nhật chương trình đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập và thực tiễn gắn kết giữa đào tạo và nghiên cứu, giữa nhà trường với doanh nghiệp. 

Bên cạnh đó, huy động sự tham gia và hỗ trợ của các doanh nghiệp bằng nhiều hình thức như: đặt hàng trực tiếp đối với cơ sở đào tạo; chia sẻ kinh phí đào tạo với người học; quỹ học bổng đào tạo kỹ sư tiềm năng…

PGS.TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, chia sẻ những kinh nghiệm từ việc vận hành Câu lạc bộ Đổi mới sáng tạo rau, hoa, quả.

Theo đó, câu lạc bộ đã giúp hỗ trợ, kết nối người sản xuất và người tiêu thụ, giữa nhà khoa học và nông dân; hỗ trợ các đơn vị kết nối sản xuất – tiêu thụ theo chuỗi, thương mại hóa các công nghệ về nhân giống và chế biến sản phẩm.

Điển hình như thương mại hóa công nghệ giống và sản phẩm sen tại Đồng Tháp; công nghệ làm mát coolbot cho rau củ quả, công nghệ sơ chế rau củ; mô hình sản xuất VietGAP và công nghệ blockchain.

Nghiên cứu chuyển đổi chức năng, nhiệm vụ của một số đơn vị gắn liền với hoạt động đổi mới sáng tạo cho ngành trồng trọt, ông Đào Thế Anh cho rằng cần gắn liền hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao kỹ thuật với vùng sản xuất, đối tượng nông dân cụ thể của đơn vị.

“Cần hình thành, duy trì mạng lưới các khách hàng, nông dân, doanh nghiệp đối tác, các nhà khoa học của đơn vị và duy trì tương tác. Bên cạnh việc phân bổ nguồn lực và tìm kiếm phương án tài chính phù hợp, đặc biệt cần đề xuất thí điểm xây dựng mô hình mẫu tại các đơn vị có chức năng chuyển giao, hoạt động dịch vụ của Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam”, ông Đào Thế Anh khuyến nghị.

Nguồn: TBKTVN