“Bế tắc” trong hành trình chuyển đổi xanh các khu công nghiệp

Chia sẻ tại buổi trao đổi về thực trạng câu chuyện chuyển đổi xanh của các Khu công nghiệp tại TP.HCM do Hiệp hội các Khu công nghiệp TP.HCM (HBA) và Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban 4) Hội đồng tư vấn cải cách Thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ tổ chức cuối tháng 11 vừa qua, ông Giang Ngọc Phương, Phó Tổng giám đốc Khu công nghiệp Hiệp Phước, cho biết các khó khăn, tồn tại của các khu công nghiệp và doanh nghiệp công nghiệp hiện nay chủ yếu xoay quanh một số vấn đề như: sự chồng chéo trong chính sách cũng như quản lý nhà nước; tiêu chí lộ trình chuyển đổi chưa có, sự không rõ ràng giữa quyền và trách nhiệm.

QUY TRÌNH LẮT LÉO, CHÍNH SÁCH KHÔNG RÕ RÀNG

Cụ thể, theo ông Phương, luật có quy định ưu tiên sử dụng công nghệ nhóm nước G7 kèm theo yêu cầu phải chứng minh nguồn gốc xuất xứ của công nghệ nhập khẩu. Vấn đề này doanh nghiệp cố gắng thực thi, sẵn sàng đầu tư. Tuy nhiên, doanh nghiệp sẽ phải gửi máy móc nguyên khối ra tận Hà Nội, lên Thái Nguyên cho 1 doanh nghiệp nội địa kiểm tra.

"Từ lúc gửi đi đến khi được xác nhận cũng mất tối thiểu 6 tháng. Trong khi đó, các khu công nghiệp và doanh nghiệp nước ngoài chỉ cần giấy xác nhận từ công ty mẹ, không cần chứng minh nguồn gốc công nghệ", ông Phương nêu thực tế.

“Hiện nay đa số doanh nghiệp trong các khu công nghiệp của chúng tôi đã sử dụng công nghệ hiện đại, có thông qua đấu thầu, công khai minh bạch, hồ sơ đầy đủ phục vụ công tác thanh kiểm tra. Vậy, quy trình gửi máy móc thiết bị nguyên khối ra Hà Nội có cần thiết không?”, ông Phương nêu vấn đề.

HBA cũng mong muốn khi Chính phủ có chủ trương, chương trình lớn mang quy mô cả nước, có tác động sâu rộng đến các thành phần kinh tế thì cần có sự chuẩn bị sẵn sàng về nguồn lực thực hiện.

HBA cũng mong muốn khi Chính phủ có chủ trương, chương trình lớn mang quy mô cả nước, có tác động sâu rộng đến các thành phần kinh tế thì cần có sự chuẩn bị sẵn sàng về nguồn lực thực hiện.

Cũng gặp tình trạng tương tự, ông Vũ Anh Tuấn, giám đốc Công ty Máy dược phẩm Tiến Tuấn (Khu công nghiệp Tân Bình), cho biết hiện nay 100% mô tơ điện sản xuất và lưu thông trên thị trường trong nước không có IE (Động cơ có hiệu suất cao hơn tiêu thụ ít điện năng hơn, giúp giảm chi phí vận hành).

Điều này ông Tuấn cho rằng rất nguy hiểm. Hiện nay Việt Nam ngoài hơn 20 nhà máy từ thời Liên Xô để lại, nay cấp phép mới cho nhiều nhà máy Trung Quốc, Đài Loan sản xuất nhưng lại gỡ bỏ các tiêu chuẩn IE trong điều kiện cấp phép. Tuy nhiên, trên trang web của những doanh nghiệp này vẫn đề là đáp ứng tiêu chuẩn IE2.

Theo ông Tuấn, như vậy, mỗi năm vài triệu mô tơ không tiết kiệm năng lượng vào thị trường, không hiểu làm cách nào để chuyển đổi xanh. Có vẻ như chính cơ quan quản lý nhà nước chưa thực sự quan tâm tới yếu tố môi trường, nên đã cấp phép quá nhiều công nghệ rác. Bởi vậy, nếu dây chuyền sản xuất không có hạn sử dụng thì mãi mãi không thể tiết kiệm năng lượng, không có cách nào khác ngoài thay thế.  

“Khi nhập máy móc từ EU về, buộc phải mang ra Hà Nội để dán tem xanh của Công ty cơ khí Sông công – một doanh nghiệp không hề biết IE là gì. Trung bình chúng tôi nhập 1 motor Siemens mất nửa năm, sau đó mất thêm nửa năm gửi 100% mô tơ đó ra Hà Nội chờ dán tem xanh. Chi phí chứng nhận tốn kém là tất nhiên, nhưng cái đáng nói ở đây là chi phí cơ hội do mất một năm máy móc chưa thể đưa vào vận hành sản xuất. Doanh nghiệp muốn làm tốt, làm đúng cũng gian nan?”, ông Tuấn phản ánh.

Ông Giang Ngọc Phương nêu một vụ việc khác hiện đang bế tắc tại Khu công nghiệp Hiệp Phước. Cụ thể, cùng là quản lý bất động sản công nghiệp, đất trong khu công nghiệp, tuy nhiên, năm 2017 Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM trong 1 dự án nạo vét đã yêu cầu doanh nghiệp nạo vét kênh mương trong Khu công nghiệp Hiệp Phước không được đổ bùn khỏi địa bàn thành phố vì hiện đang thiếu đất để san lấp mặt bằng.

Sau khi cấp phép thủ tục xong, Sở này ra khuyến cáo đổ trong phạm vi của Khu công nghiệp Hiệp phước. Tuy nhiên, doanh nghiệp của ông Phương tiến hành đổ bùn đất lên bờ lại bị Sở Giao thông Vận tải xử phạt hành vi vi phạm san lấp kênh rạch. Trong khi đó, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM cũng không có ý kiến gì về quyết định xử phạt đó cho đến tận bây giờ.

“Năm 2021 Thành phố ra quyết định về phân cấp quản lý các hoạt động trên địa bàn, nhưng hiện tại vẫn chưa rõ đầu mối quản lý san lấp, kênh rạch. Chúng tôi có làm công văn hỏi nhưng không ai trả lời được, đến nay vẫn chưa nhận được văn bản trả lời chính thức từ chính quyền. Chuyện nhỏ nhưng bế tắc”, ông Phương nói.

DOANH NGHIỆP CẦN LỘ TRÌNH CHUYỂN ĐỔI XANH CỤ THỂ

Cũng rơi vào tình trạng sau nhiều lần chủ động chuyển đổi và mang quy trình nước ngoài về Việt Nam nhưng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn về tài chính nhân lực, ông Nguyễn Tấn Phong Phó Tổng giám đốc thường trực Khu chế xuất Tân Thuận nêu ý kiến: “Chúng tôi cho rằng kế hoạch thực hiện chuyển đổi xanh cần có phần bắt buộc và tự nguyện. Trong đó, nhà nước cần làm rõ phần nào là phần trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp”.

Bởi theo ông Phong, sự không rõ ràng hiện nay về trách nhiệm và quyền lợi đang ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Phản ánh việc chuyển đổi xanh đầy khó khăn, ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH nước giải khát Tân Quang Minh (Khu công nghiệp Vĩnh Lộc), cho rằng muốn chuyển đổi xanh thành công thì các bộ, ngành cần phải có giải pháp và lộ trình cụ thể cho từng ngành.

Theo ông Hiến, đây là điều là cốt yếu, bởi nếu chỉ đưa ra chủ trương, rồi yêu cầu doanh nghiệp thực hiện, trong khi đó, những điều kiện, nguồn lực cần thiết cho chuyển đổi như tài chính, cơ chế chính sách khuyến khích hỗ trợ chuyển đổi, công nghệ, quy trình thủ tục... chưa hoàn thiện thì không chuyển đổi được.

Theo đánh giá của Savills, chi phí để đầu tư một khu công nghiệp thế hệ mới cao hơn 30% so với các khu công nghiệp thế hệ cũ. Những khu công nghiệp đã hình thành và tồn tại ngoài khó khăn về nguồn vốn tái đầu tư công nghệ chuyển đổi xanh, còn vướng về cơ chế và giải pháp. Do vậy, cần quyết tâm rất cao doanh nghiệp mới dám chuyển đổi xanh.

Ông Lê Hoàng Châu Trưởng ban Chuyển đổi số của HBA chia sẻ, đặc thù của Hiệp hội các thành viên là lãnh đạo, chủ đầu tư các khu công nghiệp, doanh nghiệp lớn tham gia trong ban chấp hành. Do đó, HBA có lợi thế khác biệt trong thực hiện sứ mệnh hướng dẫn hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện quy định pháp luật để sản xuất kinh doanh bền vững, góp ý phản biện, đề xuất chính sách trực tiếp nhanh chóng và chính xác, có giá trị thực tiễn hơn cả.

Tuy nhiên, chuyển đổi xanh phức tạp hơn chuyển đổi số rất nhiều lần do tích hợp cả công nghệ, dịch vụ, hạ tầng, quản trị, trách nhiệm xã hội... Hơn nữa, chuyển đổi xanh hiện quá mới ở Việt Nam, do đó doanh nghiệp rất cần sự chia sẻ về kinh nghiệm thực hiện, lựa chọn, thiết kế mô hình phù hợp, nếu không, cũng không biết phải triển khai như thế nào.

Thay mặt cho các hội viên HBA, ông Đào Xuân Đức Chủ tịch Hiệp hội cho biết rất hoan nghênh cách tiếp cận của Chính phủ về chuyển đổi xanh trong lĩnh vực công nghiệp. Với Nghị định 135 Chính Phủ cũng đã có những xử lý nghiêm túc, tinh thần đó sẽ giúp ích cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, HBA cũng mong muốn khi Chính phủ có chủ trương, chương trình lớn mang quy mô cả nước, có tác động sâu rộng đến các thành phần kinh tế thì cần có sự chuẩn bị sẵn sàng về nguồn lực thực hiện.

Khu Công nghiệp Hiệp Phước là 1 trong 5 Khu công nghiệp đang trên lộ trình chuyển đổi xanh của TP.HCM.

Khu Công nghiệp Hiệp Phước là 1 trong 5 Khu công nghiệp đang trên lộ trình chuyển đổi xanh của TP.HCM.

Đối với cam kết của Chính phủ với mục tiêu net zero 2050, đó là câu chuyện của cả doanh nghiệp và chính phủ, địa phương, là mục tiêu phải thực hiện. Các doanh nghiệp rất quan tâm việc thực hiện mục tiêu này như thế nào, cần biết cách đi ra sao để thực hiện. Xây dựng ban hành chính sách ra sao để có thể thúc đẩy việc thực hiện mục tiêu này".

“Sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp là rất chính đáng và mong muốn có lộ trình bước đi để cùng tham gia với Chính phủ”, ông Đức khẳng định.

CHÍNH SÁCH RÕ RÀNG DOANH NGHIỆP DỄ TUÂN THỦ

Cũng theo ông Phương, Nghị định 135/NĐ có tiến bộ là bổ sung loại hình khu công nghiệp sinh thái, nhưng điều 37, 38, 39, 40 gần như đánh đố. Ví dụ: Nghị định quy định doanh nghiệp muốn được công nhận là khu công nghiệp sinh thái thì không được vi phạm pháp luật nhưng không nói rõ là vi phạm luật hành chính hay luật hình sự. Nếu theo luật hành chính, doanh nghiệp chỉ sai về văn bản pháp luật là bị hủy tư cách khu công nghiệp sinh thái.

Chúng tôi phấn đấu cho “đã” rồi bị hủy tư cách Khu công nghiệp sinh thái vì sai sót rất nhỏ. Có danh hiệu rồi bị tước danh hiệu, rất mệt”

Ông Giang Ngọc Phương, Phó Tổng giám đốc Khu công nghiệp Hiệp Phước

Thực tế cho thấy, về khu công nghiệp sinh thái, hiện nay, Việt Nam có 700 khu công nghiệp, khu kinh tế, trong đó có nhiều khu xuất hiện từ những năm 90 cuối thế kỷ 20 ở giai đoạn đầu, khi đó chưa có quy định pháp luật về khu công nghiệp, khu kinh tế... các quy chuẩn, diện tích đất dành cho cây xanh và nhà máy còn mơ hồ.

Thông tư mới nhất yêu cầu khu công nghiệp sinh thái phải dành ít nhất 25% diện tích chung cho không gian xanh. Trong đó, mỗi doanh nghiệp vẫn phải đáp ứng quy định riêng về không gian của nhà máy. Khu công nghiệp Hiệp Phước giai đoạn 1, ngay từ xuất phát điểm thành lập từ năm 1996, đã dành 40% diện tích đất cho cây xanh, hiện nay đang mở rộng giai đoạn 2 và dù tối ưu hóa cũng vẫn dành đủ 25% diện tích đất cho cây xanh theo quy định.

Nhưng nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp cũ khác có diện tích nhỏ hơn, hiện diện tích cây xanh thấp không đảm bảo phù hợp yêu cầu của luật. Đây là vấn đề tồn tại do lịch sử, trước khi có Nghị định. Thực tế là những khu công nghiệp này vẫn có những có quy định dành không gian xanh để cộng đồng doanh nghiệp cùng tham gia mở rộng, sắp xếp và không bị bí bách.

Ông Phương cũng nhấn mạnh thêm, để phát triển và chuyển đổi xanh, bền vững, doanh nghiệp rất cần cơ chế chính sách quy định rõ ràng minh bạch và có tính nhất quán và ổn định để doanh nghiệp dễ hiểu, dễ áp dụng.

Chúng tôi cho rằng các chính sách pháp luật khi ban hành cần linh hoạt và có thực tiễn để hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và xã hội. Đừng để những doanh nghiệp ra đời trước luật đứng ngoài. Chính sách luôn đi sau thực tế để chấn chỉnh nhưng chính sách cần bắt nguồn từ thực tiễn chứ không nên xa vời”, ông Giang Ngọc Hiến đề xuất ý kiến.

Hiệp hội khu công nghiệp TP.HCM (HBA) là Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp duy nhất trên cả nước. HBA đã thành lập được hơn 20 năm, hội viên gồm cả doanh nghiệp trong và ngoài Khu công nghiệp. Hiện nay TP.HCM có 18 Khu công nghiệp, trong đó có một Khu công nghệ cao và 3 Khu chế xuất, còn lại là các Khu công nghiệp, số lượng dự án đầu tư là 1800 dự án, trên 500 dự án là từ nguồn vốn FDI.

Nguồn: TBKTVN