Mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025 là bước sẵn sàng để bước vào Kỷ nguyên vươn mình

Còn 1 tháng nữa, giải pháp để hoàn thành cá mục tiêu là phải tăng tốc tất cả các giải pháp đã đề ra từ đầu năm đến nay. “Chúng ta sẽ phải thực hiện trong tháng cuối năm với cường độ, tốc độ cao nhất có thể để về đích ở mức tốt nhất”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.

Tại Báo cáo kinh tế - xã hội mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ tại phiên họp sáng nay, Báo cáo có nêu hầu hết dự báo của các tổ chức quốc tế về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 đều tăng dự báo so với đầu năm và giữa năm. Đây là nhận xét khách quan của các tổ chức quốc tế.

Cũng theo ông Phương, kịch bản mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Chính phủ hồi quý III/2024 đã đánh giá, nếu không có biến động lớn, tác động tiêu cực từ bên ngoài trong quý IV thì chúng ta có cơ sở đạt được mục tiêu 7% năm 2024.

Rà soát các động lực tăng trưởng từ nay đến cuối năm, có thể thấy các cơ hội gia tăng thêm.

Cụ thể, thị trường xuất khẩu hiện tương đối tốt, các đơn hàng trở lại với doanh nghiệp, sự gia tăng về xuất khẩu đang rất tốt.

Về đầu tư, các chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài đều đánh giá là trong khi các thị trường đầu tư trên thế giới có vẻ ảm đảm thì đầu tư nước ngoài của Việt Nam rất tốt. Đó là điều để chúng ta tự tin trong năm 2024, đầu tư đóng góp chung vào tăng trưởng.

Về đầu tư trong nước thông qua chỉ số đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam, những tháng gần đây đã có sự gia tăng trở lại về số lượng doanh nghiệp đăng ký mới. Qua đó có thể khẳng định, niềm tin về triển vọng kinh tế, sự điều hành kinh tế của Chính phủ của doanh nghiệp và nhà đầu tư không những được phục hồi mà còn gia tăng.

Về tiêu dùng, mặc dù có những lo ngại về sự cạnh tranh của các nền tảng bán hàng online của nước ngoài, nhưng tựu chung lại, tiêu dùng hàng hóa của thị trường trong nước có thể thấy dấu hiệu tích cực dù chưa đạt như kỳ vọng. Trong tháng cuối năm là thời điểm có các ngày nghỉ lễ quan trọng có thể gia tăng tiêu dùng trong nước, có thể thúc đẩy tiêu dùng.

Về du lịch, sự gia tăng khách du lịch đến Việt Nam tháng 11 rất tốt với hơn 1,5 triệu khách du lịch đến Việt Nam. Để đạt mục tiêu 18 triệu khách du lịch đến Việt Nam trong năm nay, dự kiện đến cuối năm sẽ có hơn 2 triệu du khách nữa.

“Với những nỗ lực cao của các cấp, các ngành, những giải pháp đúng đắn đã đề ra, nếu gia tăng mức độ, cường độ thực hiện vào tháng cuối cùng này, không những chúng ta có thể đạt mục tiêu 7%, thậm chí cao hơn”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương khẳng định.

Đối với mục tiêu năm 2025, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết trong đó đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5 - 7%, thế thì chúng ta cố gắng phấn đấu đạt 7 - 7,5%. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt hơn, yêu cầu mạnh dạn đặt mục tiêu 8% năm 2025. Chúng ta có cơ sở đặt mục tiêu này, bởi đà tăng trưởng năm 2024 khá tốt, năm 2025 là năm cuối cùng của kế hoạch 2021 - 2025, đồng thời có nhiều nhân tố mới, các thay đổi mang tính căn cơ, đặc biệt là thay đổi về thể chế.

Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội vừa qua đã thông qua một loạt các luật, với tư duy đột phá, tháo gỡ khó khăn, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Các luật này có hiệu lực ngay từ đầu năm 2025, điểm rơi của luật sẽ kích thích tăng trưởng, thông qua việc giải phóng các nguồn lực ách tắc lâu nay.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, với quyết tâm cao của Chính phủ, mục tiêu 8% là bước sẵn sàng để bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Chắc chắn, tăng trưởng kinh tế là nội dung hết sức quan trọng, còn phải tăng hơn nữa để đạt mục tiêu 2030 trở thành nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình cao, có nền công nghiệp hiện đại, hướng tới mục tiêu 2045 là nước phát triển có mức thu nhập cao. Để đạt mục tiêu dài hạn như vậy thì phải bắt đầu từ bây giờ.

Có thể có những ý kiến cho rằng quá sức hay không quá sức, chúng ta không bàn đến việc đó nữa, mà khi đã đặt ra thì quyết tâm làm, quá sức cũng phải cố. Quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là giải pháp đặt ra để chỉ đạo điều hành là trên tâm thế hướng tới mục tiêu 8% chứ ko phải mục tiêu đã được Quốc hội thông qua, ông Phương nói.

Nguồn: Báo Đầu tư