“Làn sóng mới” về đầu tư giá trị cao

Sự chuyển mình mạnh mẽ

Sau khi Samsung công bố kế hoạch đầu tư thêm 1,8 tỷ USD vào Nhà máy Samsung Display ở Bắc Ninh, với kế hoạch không chỉ sản xuất màn hình OLED cho điện thoại di động, mà còn sản xuất cả các sản phẩm OLED dành cho thiết bị IT, ô tô, thì đến lượt “người đồng hương” LG cũng tăng tốc đầu tư vào mảng sản xuất này.

Lễ trao chứng nhận đăng ký đầu tư cho LG Display Việt Nam, cũng như các nhà đầu tư khác, vừa được UBND TP. Hải Phòng tổ chức vào tuần trước, dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư Tô Lâm. Theo đó, LG Display sẽ tăng vốn đầu tư thêm 1 tỷ USD, nâng tổng vốn đầu tư của dự án từ 4,65 tỷ USD hiện nay lên 5,65 tỷ USD để sản xuất màn hình OLED công nghệ cao, với quy mô 14 triệu sản phẩm/tháng. Đây là một trong những dự án lớn nhất của Tập đoàn LG tại Việt Nam, bên cạnh những dự án chuyên sản xuất các thiết bị điện tử gia dụng, module camera như LG Electronics, LG Innotek…

Việc LG Display tăng vốn thêm 1 tỷ USD không chỉ góp phần quan trọng để Việt Nam đạt mục tiêu thu hút 39-40 tỷ USD trong năm nay, mà còn khẳng định cho xu hướng chuyển biến mạnh mẽ của dòng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Trong một báo cáo mới đây, Savills Việt Nam nhận định, ngành công nghiệp Việt Nam đang trải qua quá trình chuyển biến mạnh mẽ, thu hút làn sóng mới về đầu tư giá trị cao. Theo ông John Campbell, Giám đốc, Trưởng bộ phận Bất động sản công nghiệp (Savills Việt Nam), điều này đã “đánh dấu sự phát triển của đất nước thành một trung tâm sản xuất, logistics và kỹ thuật số ở Đông Nam Á”.

Kinh tế kỹ thuật số, trung tâm dữ liệu là hai trong số những lĩnh vực được Savills Việt Nam cho rằng, sẽ có nhiều sự dịch chuyển đầu tư tích cực trong thời gian tới.

“Sự chuyển đổi của đất nước sang hướng sản xuất giá trị gia tăng cao, cùng với khả năng logistics và trung tâm dữ liệu mở rộng, đang thúc đẩy vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Với chi phí cạnh tranh, vị trí chiến lược và nhiều hiệp định thương mại, Việt Nam đang ở vị thế tốt để nắm bắt làn sóng đầu tư mới này”, ông John Campbell nói.

Cùng thời điểm LG Display nhận chứng nhận đầu tư điều chỉnh, thì Heesung (Hàn Quốc), một đối tác thân cận của LG, cũng tăng vốn đầu tư từ 154 triệu USD lên 279 triệu USD. Heesung chuyên sản xuất, lắp ráp linh kiện module tinh thể lỏng định vị tự động với quy mô 10,5 triệu sản phẩm/năm.

Trong khi đó, Công ty TNHH Công nghệ Shunsin Việt Nam, một thành viên của Tập đoàn Foxconn, thông báo có kế hoạch đầu tư 80 triệu USD cho dự án sản xuất vi mạch tích hợp tại Bắc Giang.

Còn Universal Microwave Technology, một nhà cung cấp linh kiện cho SpaceX - công ty của tỷ phú Elon Musk, cũng đang lên kế hoạch tăng vốn đầu tư tại Việt Nam. Thậm chí, không chỉ công ty này, mà nhiều công ty cung ứng thiết bị Internet vệ tinh Starlink thuộc SpaceX, như Wistron NeWeb Corporation, Shenmao Technology…, cũng có kế hoạch xây dựng cơ sở sản xuất mới tại Việt Nam.

Hồi tháng 9/2024, khi gặp Tổng Bí thư Tô Lâm tại New York (Mỹ), ông Tim Hughes, Phó chủ tịch cấp cao SpaceX cho biết, SpaceX có kế hoạch đầu tư 1,5 tỷ USD tại Việt Nam trong thời gian tới.

Cứ điểm sản xuất quan trọng

Đúng như Savills Việt Nam nhận định, Việt Nam đang đón “làn sóng mới” về đầu tư giá trị cao. Những thông tin gần đây về việc Việt Nam đang chuyển mình trở thành mắt xích quan trọng của chuỗi cung ứng ngành bán dẫn, AI…, đã cho thấy cơ hội lớn đang mở ra.

Thực tế, sự chuyển mình đó bắt đầu từ nhiều năm trước. Làn sóng mới về đầu tư giá trị cao cũng bắt đầu khi hàng loạt tên tuổi lớn như Samsung, Intel và gần đây là HanaMicron, Amkor… lần lượt đầu tư các dự án quy mô lớn vào Việt Nam.

Savills Việt Nam nhận định, ngành công nghiệp Việt Nam đang trải qua quá trình chuyển biến mạnh mẽ, thu hút làn sóng mới về đầu tư giá trị cao.

Ngân hàng HSBC cũng nhắc đến việc các công ty như Luxshare, Geortek, Foxconn, Pegatron, Compal… tiếp tục đầu tư mạnh vào hệ sinh thái ngành công nghiệp điện tử để khẳng định về một sự thay đổi đáng kể của dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Hiện Việt Nam đang trở thành cứ điểm sản xuất quan trọng và chiến lược cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Thậm chí, với Samsung, Việt Nam không chỉ là cứ điểm sản xuất, mà giờ đây còn là cứ điểm chiến lược về R&D…

“Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi của sự chuyển hướng thương mại toàn cầu và những thay đổi trong chuỗi cung ứng”, chuyên gia HSBC nhận định.

Không riêng ngành công nghiệp điện tử, Việt Nam còn có cơ hội rất lớn để trở thành cứ điểm của ngành bán dẫn. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhiều lần khẳng định, với quyết tâm cao của Chính phủ, cùng chiến lược rõ ràng, chính sách cạnh tranh hấp dẫn và lợi thế về nguồn nhân lực, Việt Nam sẽ vươn lên đóng vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu ngành bán dẫn.

Theo báo cáo được Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ và Boston Consulting Group công bố hồi tháng 5/2024, Việt Nam có thể chiếm 8-9% công suất lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói chip (ATP) toàn cầu vào năm 2032, trong khi tỷ lệ này vào năm 2022 chỉ là 1%.

Năm 2030 cũng được dự báo quy mô thị trường bán dẫn toàn cầu sẽ đạt 1.000 tỷ USD. Chỉ cần nắm giữ được một phần nhỏ trong miếng bánh khổng lồ đó, nền kinh tế Việt Nam có cơ hội để bước lên nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị. Nhưng làm sao để đón được các dự án quy mô lớn trong các lĩnh vực bán dẫn, AI cũng là vấn đề không nhỏ.

Chất lượng nguồn nhân lực là một trong những vấn đề cần được quan tâm. Bên cạnh đó là thể chế, chính sách. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhiều nhà đầu tư đang có các kế hoạch đầu tư lớn vào Việt Nam, song họ vẫn đang chờ đợi phản ứng chính sách của Việt Nam. Đó là lý do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần sớm thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư, cũng như có các thủ tục đầu tư đặc biệt dành cho các dự án đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ cao, bán dẫn, AI…

Nguồn: Báo Đầu tư