15 năm thực hiện Cuộc vận động: Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam

Vun đắp nguồn nội lực

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai từ năm 2009 theo thông báo Kết luận số 264-TB/TW của Bộ Chính trị trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới tác động mạnh đến nền kinh tế nước ta. Thời điểm đó, một bộ phận người tiêu dùng Việt Nam có tâm lý sính hàng ngoại; các ngành sản xuất gặp rất nhiều khó khăn. Mục tiêu của Cuộc vận động là “phát huy lòng yêu nước, tính tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc để xây dựng văn hóa người tiêu dùng, đồng thời đẩy mạnh sản xuất kinh tế và đưa hàng hóa nước ta xuất khẩu ra nước ngoài.

Bám sát chỉ đạo Đảng, Nhà nước,  Bộ Công Thương đã phối hợp với các ban, bộ, ngành và các địa phương  thực hiện đồng bộ Cuộc vận động. Trong đó  tập trung vào 5 nội dung trọng tâm, (i) Tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, Chính phủ thực hiện Cuộc vận động. (ii) Rà soát các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. (ii) Tôn vinh doanh nghiệp tiêu biểu, bình chọn sản phẩm chất lượng. (iv) Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường. (v) Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. 

Bộ Công Thương đã chủ động tham mưu, đưa ra những quyết sách đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động. Những đề án, chương trình, chiến lược như: Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước”; Đề án “Thúc đẩy Doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài”; Chương trình; Xúc tiến thương mại quốc gia; Khuyến công quốc gia v.v… Đặc biệt, Bộ Công Thương xây dựng nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp nền tảng như  năng lượng ,chế biến, chế tạo,  hoá chất, vật liệu mới nhằm  xây dựng nền công nghiệp tự chủ, hiện đại. Hỗ trợ những tập đoàn kinh tế đủ mạnh  đóng vai trò  dẫn dắt các ngành công nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ để hình thành một hệ sinh thái công nghiệp hoàn chỉnh trong tương lai.

Trong môi trường kinh doanh thuận lợi đó, nhiều doanh nghiệp đã chủ động đầu tư phát triển sản phẩm thay thế nhập khẩu, hình thành nét văn hóa cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm. Các địa phương tổ chức nhiều hoạt động kết nối tiêu thụ hàng Việt, gắn cuộc vận động với hoạt động bình ổn thị trường. Hệ thống phân phối hiện đại ưu tiên phân phối hàng Việt Nam. Đặc biệt trong những năm gần đây việc hỗ trợ tiêu thụ hàng Việt trên các sàn giao dịch thương mại điện tử được triển khai bài bản quy mô.Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cũng như thông tin tuyên truyền  ngày càng hiệu quả.  

Thành tựu của ý Đảng lòng Dân

Từ hoàn cảnh hết sức khó khăn, Cuộc vận động đã góp phần hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kinh tế theo hướng kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ từ 2009 đến nay liên tục đạt mức tăng trưởng trên dưới 10% so với năm trước; Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ mức lạm phát phi mã 19,8% năm 2008 đã giảm xuống dưới 5% từ năm 2014 đến nay. Tỷ lệ nhập siêu giảm , tiến tới xuất siêu liên tục từ năm 2016; hàng Việt tại các các kênh phân phối chiếm tỷ lệ khá cao, trên 80% tại các siêu thị; từ 60% trở lên tại kênh bán lẻ truyền thống. Từng bước hình thành những tập đoàn kinh tế đủ mạnh, dẫn dắt các phân ngành công nghiệp.

Nhiều chuỗi cung ứng trong nước được hình thành: Chuỗi cung ứng điện năng, khí LNG, điện tử, thép, dệt may - thời trang, da giày, đồ gỗ… Việt Nam cũng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua các doanh nghiệp FDI. Theo điều tra của VCCI, năm 2023 có 63,3% doanh nghiệp FDI sử dụng hàng hóa và dịch vụ đầu vào của các doanh nghiệp Việt Nam, cao hơn rất nhiều so với 12,4% của năm 2010.  Tỷ trọng trong GDP của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng nhanh và bền vững qua các năm. Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia có nền công nghiệp có năng lực cạnh tranh toàn cầu ở mức khá cao. Đứng vị trí thứ 44 trên thế giới năm 2018 và đứng thứ 30 vào năm 2021. 

Với ngành Công Thương, Cuộc vận động không chỉ góp phần giáo dục ý thức tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc của người Việt Nam trong sản xuất và tiêu dùng; không chỉ nâng đỡ nhiều mô hình, điển hình tốt trong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến, đổi mới quản lý, khẳng định vị trí của hàng hóa Việt Nam  trên thị trường trong và ngoài nước, mà quan trọng hơn, còn từng bước hình thành bộ máy, cách thức tổ chức, huy động nguồn lực, đưa thị trường trong nước trở thành một trong những động lực trọng yếu tăng trưởng, trở thành tuyến phòng ngự vững chắc của nền kinh tế, góp phần bảo đảm an sinh xã hội khi  thị trường thế giới có biến động, nguồn cung bị gián đoạn.

Nguồn: Phòng Thông tin tổng hợp