54,6% doanh nghiệp sản xuất trang phục lao đao vì nhu cầu quốc tế giảm

Theo đó, các doanh nghiệp ở các ngành nghề cũng chỉ ra những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải. 

Cụ thể, đối với nhóm ngành dệt, may, da giày, hai khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp trong quý III/2024 là đơn hàng xuất khẩu và lao động có tay nghề. Có tới 54,6% doanh nghiệp sản xuất trang phục; 54,7% doanh nghiệp sản xuất da và các sản phẩm có liên quan và 45,6% doanh nghiệp dệt gặp khó khăn do nhu cầu thị trường quốc tế thấp. Bên cạnh đó, có 52,7% doanh nghiệp sản xuất trang phục, 37,0% doanh nghiệp sản xuất da và các sản phẩm có liên quan và 24,8% doanh nghiệp dệt gặp khó khăn do không tuyển dụng được lao động theo yêu cầu.

 

Ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại (đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất xi măng và các sản phẩm từ xi măng): Khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp là nhu cầu thị trường trong nước thấp trong khi việc cạnh tranh với các doanh nghiệp cùng ngành ngày càng cao. Bên cạnh đó, khó khăn về vốn cũng là một trong những rào cản lớn của các doanh nghiệp. Có tới 69,0% doanh nghiệp gặp khó khăn do nhu cầu thị trường trong nước thấp; 71,3% doanh nghiệp gặp khó khăn do phải cạnh tranh với các doanh nghiệp cùng ngành và 34,4% doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính.

Nhóm ngành sản xuất, chế biến thực phẩm, đồ uống: Bên cạnh khó khăn chung của các doanh nghiệp về vốn, về thị trường đầu ra và việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cùng ngành ngày càng gay gắt, các doanh nghiệp còn gặp phải vấn đề liên quan tới nguồn nguyên vật liệu và chính sách pháp luật của Nhà nước. Có tới 39,1% doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến thực phẩm gặp khó khăn do thiếu nguồn nguyên vật liệu đầu vào, 29,3% doanh nghiệp sản xuất đồ uống gặp khó khăn do chính sách pháp luật của Nhà nước.

Nhóm ngành điện, điện tử: Mặc dù nhóm ngành này có sự phục hồi rất tích cực trong quý III/2024, tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp vẫn đến từ nhu cầu thị trường quốc tế thấp, thiếu hụt lao động có kỹ năng, khó khăn về vốn và tính cạnh tranh của hàng nhập khẩu cao. Có tới 55,1% doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học và 44,7% doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện gặp khó khăn do nhu cầu thị trường quốc tế thấp. Về lao động có kỹ năng, có 30,4% doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học và 19,3% doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện gặp khó khăn do không tuyển dụng được lao động theo yêu cầu của doanh nghiệp.

 

Nhóm ngành sản xuất ô tô, xe máy: Bên cạnh khó khăn về vốn, thị trường đầu ra, lao động, các doanh nghiệp còn gặp khó khăn do thiết bị công nghệ lạc lậu. Về thị trường trong nước, có tới 57,8% doanh nghiệp sản xuất phương tiện vận tải khác (xe máy) và 50,0% doanh nghiệp sản xuất xe có động cơ (ô tô) gặp khó khăn do nhu cầu thị trường trong nước thấp; 48,6% doanh nghiệp sản xuất xe máy gặp khó khăn do tính cạnh tranh của hàng trong nước cao. 

Về thị trường nước ngoài, 40,0% doanh nghiệp sản xuất ô tô gặp khó khăn do thị trường quốc tế thấp. Ngoài ra, 25,7% doanh nghiệp sản xuất xe máy gặp khó khăn do thiết bị công nghệ lạc hậu. Về lao động, 26,0% doanh nghiệp sản xuất ô tô và 24,5% doanh nghiệp sản xuất xe máy khó khăn trong tuyển lao động theo yêu cầu.

Nguồn: Nhipcaudautu