Ban hành quy chế hoạt động Ban Chỉ đạo rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến dự án
Ban Chỉ đạo hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ
Quy chế quy định về nguyên tắc làm việc, nhiệm vụ và quyền hạn, chế độ làm việc và quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến dự án.
Theo đó, Ban Chỉ đạo hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao trách nhiệm người đứng đầu và phát huy trí tuệ tập thể của các thành viên; bảo đảm yêu cầu phối hợp chặt chẽ, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành và trao đổi thông tin giải quyết công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thành viên được pháp luật quy định.
Các thành viên Ban Chỉ đạo đề cao trách nhiệm cá nhân trong hoạt động của Ban Chỉ đạo và trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân công; giải quyết công việc theo đúng thẩm quyền và trách nhiệm được giao, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật và quy định của Quy chế này.
Các thành viên Ban Chỉ đạo có trách nhiệm tham gia đầy đủ các hoạt động của Ban Chỉ đạo; thực hiện và chịu trách nhiệm trước Trưởng Ban Chỉ đạo về những nhiệm vụ được phân công.
Ban Chỉ đạo làm việc theo các hình thức như tổ chức phiên họp định kỳ, cuộc họp đột xuất, hội nghị (trực tiếp hoặc trực tuyến), tổ chức các đoàn làm việc tại bộ, ngành, địa phương và cho ý kiến bằng văn bản.
Quy chế nêu rõ trách nhiệm, quyền hạn của các thành viên Ban Chỉ đạo
Cụ thể, Trưởng Ban Chỉ đạo lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành mọi hoạt động của Ban Chỉ đạo; phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ đạo. Chỉ đạo tổ chức các đoàn làm việc, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án.
Trưởng Ban Chỉ đạo triệu tập, chủ trì, kết luận các cuộc họp, làm việc của Ban Chỉ đạo để quyết định những vấn đề theo nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo; đối với những vấn đề vượt thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ thì chỉ đạo các bộ, cơ quan nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Phó trưởng Ban Chỉ đạo giúp Trưởng Ban Chỉ đạo điều phối các hoạt động của Ban Chỉ đạo; xem xét, giải quyết các công việc thường xuyên của Ban Chỉ đạo; thay mặt Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì và điều phối hoạt động chung của Ban Chỉ đạo khi được Trưởng Ban Chỉ đạo ủy quyền. Tham mưu, giúp Trưởng ban tổ chức các đoàn làm việc với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để khảo sát, nghiên cứu, tổng hợp, phân loại các dự án đang gặp vướng mắc theo từng nhóm vấn đề; tham mưu Trưởng ban phân công thành viên Ban Chỉ đạo hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ phân công các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, xác định nguyên nhân vướng mắc, đề xuất giải pháp xử lý theo từng nhóm vấn đề.
Các thành viên Ban Chỉ đạo tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm trước Trưởng Ban Chỉ đạo về kế hoạch, chương trình, nhiệm vụ công tác và kết quả các nhiệm vụ được phân công. Tham gia công tác chỉ đạo, phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong việc rà soát, thực hiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án; chỉ đạo nghiên cứu tháo gỡ, hướng dẫn cho các bộ, ngành, địa phương đối với các nhóm vấn đề thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ quản lý của bộ, cơ quan mình. Đề xuất, kiến nghị với Ban Chỉ đạo các chủ trương, chính sách, giải pháp để triển khai nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ tham mưu xây dựng kế hoạch làm việc của Ban Chỉ đạo với các bộ, ngành, địa phương và đối tượng có liên quan để khảo sát, rà soát, tổng hợp các dự án vướng mắc; phân loại các nhóm vấn đề và dự kiến thành viên Ban Chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất phương án, tham mưu Trưởng ban báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, đề xuất đối với các nhóm vấn đề không thuộc phạm vi bộ, cơ quan do thành viên Ban Chỉ đạo quản lý.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1250/QĐ-TTg ngày 23/10/2024 thành lập Ban chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án.
Ban chỉ đạo là tổ chức phối hợp liên ngành giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án.
Ban chỉ đạo có nhiệm vụ, quyền hạn nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, bao gồm các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công, nguồn vốn đầu tư tư nhân trong nước, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và các nguồn vốn khác (nếu có).
Đồng thời, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, kiểm tra, điều hòa phối hợp và đôn đốc các bộ, ngành, địa phương liên quan thực hiện:
- Rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án thuộc phạm vi quản lý nhà nước được giao, xác định nguyên nhân của khó khăn, vướng mắc và đề xuất phương án xử lý; chỉ đạo các bộ, cơ quan hướng dẫn tháo gỡ theo thẩm quyền.
- Tổng hợp khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án theo các nhóm vấn đề cụ thể, xác định thẩm quyền xử lý của các cấp có liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép trình Chính phủ ban hành Nghị quyết để hướng dẫn các bộ, cơ quan và địa phương giải quyết theo từng nhóm vấn đề cụ thể thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; tham mưu Thủ tướng Chính phủ để báo cáo cấp có thẩm quyền đối với các nhóm vấn đề vượt thẩm quyền.
- Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp việc giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án thuộc thẩm quyền của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề mới phát sinh (nếu có).
- Xem xét, chỉ đạo sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật liên quan thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, báo cáo cấp có thẩm quyền đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.
Nguồn: Báo Đầu tư