Ba lý do Trung Quốc không muốn Nhân dân tệ thay thế Đôla Mỹ làm đồng tiền dự trữ toàn cầu

Hơn một năm qua nổi lên nhiều tranh cãi xoay quanh việc phi Đôla hóa (giảm sử dụng đồng Đôla Mỹ) khi nhiều người lo rằng Washington “vũ khí hóa” đồng USD trong hệ thống tài chính toàn cầu nhằm chống lại Nga liên quan tới cuộc chiến ở Ukraine.

Kết quả là nhiều quốc gia đang bắt đầu tìm kiếm các tiền tệ ngoài đồng USD và các tài sản thay thế để sử dụng trong giao dịch và dự trữ. Đó là khi đồng Nhân dân tệ nổi lên.

Đồng nội tệ của Trung Quốc đang nổi lên như một ngôi sao với vai trò một đồng tiền có khả năng thách thức đồng USD trong hệ thống thanh toán toàn cầu. Trong bối cảnh Bắc Kinh muốn đẩy mạnh quốc tế hóa Nhân dân tệ, nước này đã ký thỏa thuận với nhiều quốc gia, trong đó có Nga. Dù không phải “đối thủ” duy nhất của đồng bạc xanh, Nhân dân tệ là “đối thủ” nổi tiếng nhất trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung leo thang và liên minh Nga-Trung ngày càng khăng khít.

Tuy nhiên, không dễ để bất kỳ tài sản hay tiền tệ nào có thể “lật đổ” đồng USD. Hiện tại, đồng tiền xếp thứ hai trong hệ thống tài chính toàn cầu là Euro cũng đang kém xa đồng bạc xanh về vị thế cũng như tỷ trọng sử dụng.

Và quan trọng hơn, kể cả Chính phủ Trung Quốc cũng không muốn Nhân dân tệ trở thành một tiền tệ dự trữ lớn của thế giới - theo nhận định của một số chuyên gia.

Dưới đây là 3 lý do kể cả Trung Quốc cũng không muốn phi Đôla hóa nền kinh tế thế giới.

TRUNG QUỐC KHÔNG MUỐN TIỀN RA VÀO NỀN KINH TẾ MỘT CÁCH TỰ DO
Theo ông Rory Green, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại công ty tư vấn TS Lombard, có trụ sở tại London (Anh), dù Bắc Kinh có vẻ muốn phá vỡ sự thống trị toàn cầu của Đôla Mỹ, nhưng họ chỉ muốn làm vậy theo các điều kiện của mình.

“Trong hơn một thập kỷ qua, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã hành động hết sức thận trọng để thúc đẩy sử dụng Nhân dân tệ nhiều hơn trên toàn cầu mà không gây gián đoạn an ninh tài chính. Hiện tại, ít khả năng Bắc Kinh sẽ thay đổi điều này”, ông Green viết trong một báo cáo ngày 28/4. “Sự ổn định này được duy trì thông qua các biện pháp kiểm soát vốn - tức kiểm soát lượng tiền ra vào nền kinh tế Trung Quốc, từ đó kiểm soát tỷ giá hối đoái”.

Theo ông Green, chính sách của Bắc Kinh có xu hướng thiên theo hướng thực hiện các biện pháp kiểm soát như vậy. Trung Quốc xem đây là điều kiện tiên quyết để có chính sách tiền tệ độc lập và có chủ quyền.

“Chính vì các biện pháp kiểm soát như vậy, Bắc Kinh có thể sẽ không bao giờ muốn tự do hóa hoàn toàn tài khoản vãng lai của mình, nhưng vẫn sẽ theo đuổi việc quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ”, ông Green nói thêm.

Thay vì thúc đẩy Nhân dân tệ trở thành một tiền tệ dự trữ toàn cầu chủ đạo, Bắc Kinh có thể sẽ theo đuổi việc tăng sức ảnh hưởng về tiền tệ với những quốc gia mà họ đang giao dịch thương mại tích cực. Nước này nhiều khả năng sẽ tập trung vào việc phá vỡ vị thế thống trị của Đôla Mỹ ở một số nước trên thế giới - vị chuyên gia nhận định.

Tuy nhiên, lập trường của Bắc Kinh về vấn đề này cũng có thể thay đổi.

“Ở Trung Quốc, luôn có một lựa chọn là thay đổi các biện pháp kiểm soát vốn. Với nước này, câu hỏi đặt ra là liệu môi trường toàn cầu có thuận lợi cho điều đó hay không? Liệu có đủ các quốc gia sẵn sàng sử dụng Nhân dân tệ hay không?”, ông Abishur Prakash, CEO công ty tư vấn The Geopolitical Business có trụ sở tại Toronto (Canada), nói. “Hiện tại, câu trả lời là có, bởi nhiều quốc gia đã ký thỏa thuận về việc sử dụng Nhân dân tệ, một tín hiệu để Bắc Kinh thay đổi lập trường của mình”.

KHÔNG MUỐN VÀ KHÔNG ĐỦ KHẢ NĂNG CHỊU THÂM HỤT DAI DẲNG NHƯ MỸ
Vị thế và sức ảnh hưởng của đồng Đôla Mỹ với tư cách một đồng tiền dự trữ toàn cầu đi kèm với một cái giá phải trả. Đó là Mỹ phải chịu thâm hụt tài khoản vãng lai.

"Về mặt chính trị, Trung Quốc không muốn làm vậy, còn về mặt kinh tế, họ không thể - nếu không có những cải cách đáng kể về mặt cấu trúc. Họ không muốn và không thể chịu thâm hụt tài khoản vãng lai một cách bền vững và cung cấp đủ Nhân dân tệ cho toàn cầu".

Rory Green, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại TS Lombard

Đó là bởi nhu cầu đối với đồng USD cho hoạt động xuất nhập khẩu trên thế giới lớn hơn so với nhu cầu của Mỹ. Do đó, Mỹ đối mặt với tình trạng thâm hụt lớn để duy trì vị thế là đồng tiền dự trữ của USD. Nghịch lý này lần đầu tiên được nhà kinh tế Robert Triffin của Đại học Yale đưa ra trước Quốc hội Mỹ vào năm 1960.

Việc có thâm hụt tài khoản vãng lai khiến một quốc gia dễ bị tổn thương trước những thay đổi bất ngờ trong dòng vốn toàn cầu. Theo giải thích của nhà phân tích thị trường John Kemp vào năm 2009, Mỹ có thâm hụt ngân sách và thâm hụt vãng lai lớn nhất thế giới đơn giản vì nước này là nơi phát hành đồng tiền dự trữ chính của thế giới.

Theo ông Green, dù Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nước này không đủ khả năng tài chính để chịu thâm hụt tài khoản vãng lai kéo dài như Mỹ.

“Về mặt chính trị, Trung Quốc không muốn làm vậy, còn về mặt kinh tế, họ không thể - nếu không có những cải cách đáng kể về mặt cấu trúc. Họ không muốn và không thể chịu thâm hụt tài khoản vãng lai một cách bền vững và cung cấp đủ Nhân dân tệ cho toàn cầu”, ông Green chỉ ra.

CẦN TÀI SẢN THAY THẾ GIỮA RỦI RO ĐỊA CHÍNH TRỊ
Một thách thức hàng đầu đối với bất kỳ đồng tiền nào muốn thay thế vị trí của USD làm đồng tiền dự trữ chủ đạo của thế giới là sự thống trị của đồng bạc xanh. Hiện tại, vai trò của Nhân dân tệ thậm chí còn kém xa bằng Euro - đồng tiền xếp sau USD.

Tính tới tháng 4/2023, 43% giao dịch thanh toán trên toàn cầu thông qua hệ thống SWIFT được thực hiện bằng đồng USD. Tỷ lệ này của đồng Euro là 32%, còn Nhân dân tệ chỉ là 2,3%.

Trong khi đó, theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tính tới quý 4/2022, USD chiếm tới 54% dự trữ ngoại hối trên toàn cầu. Tỷ lệ này của Euro là 20%, còn Nhân dân tệ là 2,5%.

Tính tới cuối năm 2022, Nhân dân tệ chỉ chiếm USD chiếm tới 2,5% dự trữ ngoại hối trên toàn cầu - Ảnh: Getty Images

Tính tới cuối năm 2022, Nhân dân tệ chỉ chiếm USD chiếm tới 2,5% dự trữ ngoại hối trên toàn cầu - Ảnh: Getty Images

Theo nhà kinh tế Green của TS Lombard, điều này đồng nghĩa không có nhiều lựa chọn khi các quốc gia dự trữ tài sản. Đây là một vấn đề đối với PBOC bởi ngân hàng này sẽ phải nắm giữ một lượng lớn trái phiếu bằng đồng Nhân dân tệ của mình - tương tự như Cục Dự trữ Liên bang (Mỹ) hiện nắm giữ một lượng lớn tài sản dưới dạng trái phiếu kho bạc.

“Với những vấn đề này, đồng Nhân dân tệ khó có thể vượt qua đồng bạc xanh. Các vấn đề địa chính trị và sức mạnh kinh tế của Trung Quốc đang và sẽ tiếp tục thúc đẩy việc sử dụng Nhân dân tệ trong thương mại và dự trữ trên thế giới. Việc Nhân dân tệ được sử dụng trên toàn cầu nhiều hơn sẽ tạo ra các kênh để lách trừng phạt, nhưng đồng USD sẽ không bị đe dọa”, vị chuyên gia nói.

Nguồn: TBKTVN