Bàn tròn Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam & Astana, Kazakhstan “Hợp tác phát triển Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh”
Vào chiều ngày 15/7/2025, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc của Đoàn Thống đốc Trung tâm Tài chính Astana, Kazakhstan tại TP.HCM từ ngày 12 đến ngày 16/7/2025, UBND TP.HCM phối hợp cùng Trung tâm Tài chính quốc tế Astana tổ chức Bàn tròn Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam & Astana, Kazakhstan, với chủ đề “Hợp tác phát triển Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh”. Tham dự sự kiện có sự tham dự của ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch UBNDTP.HCM; ông Renat Bekturov, Thống đốc Trung tâm Tài chính Quốc tế Astana, Kazakhstan (AIFC); ông Kanat Tumysh, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Kazakhstan tại Việt Nam; cùng các chuyên gia, nhà khoa học và cộng đồng doanh nghiệp của hai nước.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Lộc Hà nhấn mạnh, sự kiện là minh chứng rõ nét cho mối quan hệ hữu nghị và hợp tác không ngừng được mở rộng giữa Thành phố Hồ Chí Minh với AIFC nói riêng và Kazakhstan nói chung, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính. Qua đó, các bên cùng trao đổi, kết nối tầm nhìn, hướng tới đưa hợp tác đi vào chiều sâu và đạt được những kết quả thiết thực.
Nền tảng cho hoạt động hợp tác này được xây dựng vững chắc từ sau chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Kazakhstan vào tháng 5 vừa qua. Chuyến thăm không chỉ góp phần tăng cường sự tin cậy chính trị giữa hai quốc gia mà còn thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam trong việc đưa quan hệ với Kazakhstan bước sang một giai đoạn phát triển mới. Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên đã nâng cấp quan hệ Việt Nam – Kazakhstan lên Đối tác Chiến lược. Trên cơ sở đó, TP.HCM được giao nhiệm vụ thúc đẩy hợp tác với Kazakhstan, trong đó có Trung tâm Tài chính Quốc tế Astana (AIFC), về xây dựng và phát triển tài chính quốc tế.
TP.HCM nằm ở trung tâm khu vực Đông Nam Á, kết nối thuận lợi với các trung tâm tài chính lớn trong khu vực và tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương, trao đổi vốn quốc tế. Hệ thống giao thông của Thành phố, với cảng biển và sân bay quốc tế, đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo dòng chảy hàng hóa và dịch vụ tài chính xuyên biên giới. Về mặt kinh tế, TP.HCM chiếm tỉ trọng khoảng 23% trong GDP cả nước; đóng vai trò là trung tâm của nhiều ngành kinh tế trọng điểm như tài chính, công nghệ và dịch vụ. Đồng thời, TP.HCM cũng là nơi tập trung nhiều ngân hàng, công ty chứng khoán, tổ chức tài chính, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của một trung tâm tài chính quốc tế. Tốc độ chuyển đổi số trong lĩnh vực công nghệ tài chính của Thành phố thuộc vào loại cao nhất trong khu vực và thế giới, songchi phí giao dịch trong hệ thống tài chính lại thấp hơn so với các trung tâm tài chính của thế giới.
Nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là một điểm mạnh của TP.HCM. Với dân số trẻ, được đào tạo bài bản từ các trường đại học hàng đầu và các chương trình hợp tác quốc tế, Thành phố có khả năng cung cấp lực lượng lao động phù hợp cho ngành tài chính và công nghệ. Sự hiện diện của các startup trong lĩnh vực Fintech cũng là động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ trong tài chính, giúp TP.HCM nhanh chóng thích nghi với các xu hướng toàn cầu.
Thành phố hiện đang bước vào giai đoạn tăng tốc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế theo Nghị quyết số 222/2025/QH15 của Quốc hội chính thức có hiệu lực vào ngày 01/9/2025. Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam đặt tại TP.HCM có định hướng phát triển sản phẩm riêng biệt, phát huy thế mạnh của Thành phố và hướng tới mục tiêu trở thành một trong những trung tâm tài chính quốc tế, nâng tầm vị thế của Việt Nam trong mạng lưới tài chính toàn cầu. Thông qua sự kiện này, Thành phố mong muốn được lắng nghe, trao đổi và học hỏi những kinh nghiệm quý báu từ AIFC và Kazakhstan để hiện thực hóa tầm nhìn về Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP.HCM trong thời gian tới.
Về phía Kazakhstan, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Kazakhstan tại Việt Nam, ông Kanat Tumysh, khẳng định sự kiện Bàn tròn là một ngày quan trọng trong lịch sử quan hệ song phương. Vị Đại sứ nhấn mạnh sự kiện hôm nay là bằng chứng trực tiếp cho thấy các chuyến thăm cấp cao đã tạo thêm động lực cho sự phát triển quan hệ song phương và đa phương giữa hai nước. Ông cũng bày tỏ sự phấn khởi trước những thành công của Việt Nam, nơi chứng kiến ngành công nghiệp công nghệ cao đang phát triển nhanh chóng, nền kinh tế có sự chuyển đổi sâu sắc và đời sống người dân ngày càng được nâng cao.
Trên lĩnh vực kinh tế, ông Kanat Tumysh cho biết kim ngạch thương mại hai chiều đã đạt gần 1 tỷ USD vào năm 2024 và trong 5 tháng đầu năm 2025 đạt 357 triệu USD. Ông tin tưởng rằng tiềm năng hợp tác vẫn còn rất lớn và thương mại hai chiều hoàn toàn có thể vượt qua cột mốc do Lãnh đạo cấp cao hai Nhà nước đặt ra vào năm tới. Nhằm tăng cường các cơ chế hợp tác kinh tế, ông giới thiệu về Trung tâm Tài chính Quốc tế Astana (AIFC) tọa lạc tại thủ đô Kazakhstan. Đây là một trung tâm tài chính hàng đầu ở Đông Âu và Trung Á, thu hút hơn 16,9 tỷ USD vốn đầu tư, tạo ra gần 10.000 việc làm và là nơi đặt trụ sở của hơn 4.000 công ty đến từ 80 quốc gia.
Ông Kanat Tumysh nhấn mạnh rằng Chính phủ hai nước đang hướng tới nhiệm vụ triển khai các thỏa thuận do các lãnh đạo đề ra, với một trong số đó là mở rộng hợp tác với AIFC. Để hiện thực hóa các thỏa thuận này, hai bên tiến hành các công việc ký kết các văn kiện quan trọng, bao gồm Bản ghi nhớ Hợp tác giữa AIFC và UBND TP.HCM. Ông Kanat Tumysh cũng cho biết Đại sứ quán Kazakhstan sẽ hỗ trợ toàn diện cho các sáng kiến chung giữa AIFC và các đối tác Việt Nam, đồng thời tin tưởng rằng những nỗ lực chung sẽ mang lại kết quả hợp tác mỹ mãn cho đôi bên.
Trình bày về các cơ chế, chính sách đột phá qua Nghị quyết 222/2025/QH15 do Quốc hội thông qua, ông Nguyễn Hồng Văn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC), đã nêu bật tầm nhìn và cấu trúc của Trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT) Việt Nam. Ông cho biết, TTTCQT tại TP.HCM được định hướng trở thành trung tâm của thị trường vốn và ngân hàng quốc tế, fintech, tài chính xanh, các dịch vụ hỗ trợ chuỗi cung ứng khu vực và gắn với khu thương mại tự do Vũng Tàu. Về cơ cấu tổ chức, để thực thi cơ chế, chính sách đặc thù một cách đồng bộ và hiệu quả, TTTCQT sẽ bao gồm: 1.Cơ quan điều hành chịu trách nhiệm quản lý, điều hành hoạt động Trung tâm; 2.Cơ quan giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm; 3.Cơ quan giải quyết tranh chấp gồm Tòa án chuyên biệt (theo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân) và Trung tâm trọng tài quốc tế (theo Luật Trọng tài thương mại). Việc sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính thức cũng là một yếu tố cốt lõi tại TTTCQT.
Một trong những điểm quan trọng được ông Nguyễn Hồng Văn nhấn mạnh là quy chế thành viên được thiết kế theo hướng thông thoáng và thuận lợi. Theo đó, các thành viên của TTTCQT sẽ được hưởng những đặc quyền, như được phép thành lập công ty quản lý vốn để huy động vốn từ nước ngoài, được huy động vốn từ các tổ chức và cá nhân bên ngoài lãnh thổ Việt Nam mà không cần thông qua thủ tục cấp phép. Các khoản vay nợ nước ngoài của thành viên sẽ không bị tính vào nợ công quốc gia; ngoài ra các thành viên được tự do lựa chọn áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế. Mặt khác, thành viên có nghĩa vụ tuân thủ pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế, quy định phòng chống rửa tiền, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế, báo cáo tài chính, tuân thủ quy định của Sở Giao dịch Hàng hóa, đảm bảo điều kiện thành viên và tuân thủ tiêu chuẩn bảo mật dữ liệu; đặc biệt, khi đầu tư từ TTTCQT vào Việt Nam, phải tuân thủ quy định pháp luật về đầu tư và các quy định liên quan khác.
Để kiến tạo một môi trường đầu tư cạnh tranh vượt trội, Nghị quyết 222/2025/QH15 đưa ra hàng loạt chính sách ưu đãi đặc thù. Về chính sách ngoại hối và ngân hàng, các thành viên được tự do sử dụng ngoại tệ trong thanh toán, niêm yết và các hoạt động vay - cho vay, kể cả với nước ngoài. Đối với lĩnh vực công nghệ tài chính, một cơ chế sandbox sẽ được thiết lập, cho phép các doanh nghiệp thử nghiệm có kiểm soát những công nghệ, sản phẩm và dịch vụ mới chưa có quy định pháp luật, đồng thời được miễn trừ một số thủ tục và trách nhiệm hành chính. Các chính sách ưu đãi khác cũng được nêu, như kéo dài thời hạn sử dụng đất lên đến 70 năm, cho phép chuyên gia nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở, cùng cơ chế “một cửa” hỗ trợ thủ tục xuất nhập cảnh và cấp phép lao động linh hoạt.
Cũng theo ông Nguyễn Hồng Văn, Thành phố đã và đang tích cực phối hợp các cơ quan Trung ương nỗ lực triển khai đầy đủ, đồng bộ và hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội; phối hợp Bộ Tài chính tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các chính sách cụ thể tại các Nghị định của Chính phủ về triển khai Nghị quyết của Quốc hội; đồng thời chủ động triển khai các công tác chuẩn bị, rà soát cơ sở hạ tầng, xác định không gian quy hoạch phát triển TTTCQT tại TP.HCM; rà soát các nguồn lực và cơ chế chính sách thu hút đầu tư vào TTTCQT, đẩy mạnh tiến độ các dự án hạ tầng – kỹ thuật trọng điểm trong TTTCQT,v.v.
Ông Đinh Khắc Huy, Phó Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM, cho biết mô hình thành công của Trung tâm Tài chính Quốc tế Astana (AIFC) chính là bài học quý báu cho Thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt là về: cơ chế tài chính – pháp lý linh hoạt; mô hình quản trị độc lập, minh bạch; hạ tầng số, sàn giao dịch chứng khoán quốc tế, hệ sinh thái khởi nghiệp fintech; kết nối vùng và hợp tác xuyên biên giới. Hiện nay, TP.HCM tiến hành triển khai xây dựng mô hình Trung tâm Tài chính quốc tế đặt tại phường Bến Thành, phường Sài Gòn và Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Trên tinh thần hợp tác, ông Đinh Khắc Huy đã đưa ra những đề xuất cụ thể. Trước hết, Sở Tài chính mong muốn thúc đẩy sự hợp tác giữa các doanh nghiệp tài chính – công nghệ của AIFC và TP.HCM trong các lĩnh vực có thế mạnh chung như fintech, quản lý tài sản, AI và dữ liệu tài chính. Thứ hai, ông mời gọi các doanh nghiệp Kazakhstan đến đầu tư vào dự án Trung tâm Tài chính tại Thủ Thiêm, đặc biệt trong việc phát triển hạ tầng số, trung tâm dịch vụ tài chính và khởi nghiệp sáng tạo. Cuối cùng, ông đề nghị thiết lập một kênh trao đổi thường xuyên giữa Sở Tài chính TP.HCM và AIFC để làm nền tảng cho sự phối hợp sâu rộng và hiệu quả hơn.
Thông qua Bàn tròn Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam & Astana, Kazakhstan, Thành phố kỳ vọng sự kiện này sẽ đặt nền móng vững chắc cho mối quan hệ hợp tác lâu dài, không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho TP.HCM và AIFC mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của cả hai quốc gia và khu vực trong tương lai.