Bất động sản thương mại suy giảm gây áp lực cho hệ thống ngân hàng châu Âu

Nhiều công ty bất động sản thương mại ở các quốc gia tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) đang chứng kiến tình trạng suy yếu kéo dài trong nhiều năm. Điều này có thể tạo áp lực đè nặng lên hệ thống ngân hàng cũng như tiềm ẩn những nguy cơ đối với nền kinh tế.

Trong báo cáo đánh giá ổn định tài chính, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết trong năm qua, giá bất động sản thương mại ở eurozone đã giảm mạnh do nền kinh tế yếu kém, lãi suất cao trong khi nhà đầu tư vẫn loay hoay không biết làm cách nào để có lợi nhuận từ các dự án. 

 

Theo ECB, mặc dù lĩnh vực này không đủ lớn để tạo ra những rủi ro mang tính hệ thống đối với các ngân hàng khu vực, việc các điều kiện tài chính thắt chặt kéo dài trong những năm tới có thể gây ra cú sốc dẫn đến căng thẳng gia tăng trong thị trường bất động sản thương mại, đồng thời gây tổn thất lớn cho hệ thống tài chính khu vực và những bên được xem là ngân hàng “ngầm”, bao gồm các quỹ đầu tư và công ty bảo hiểm.

“Danh mục đầu tư bất động sản thương mại của các ngân hàng chỉ ở quy mô tương đối hạn chế, ít có khả năng tạo ra một cuộc khủng hoảng hệ thống, nhưng có khả năng khuếch đại đáng kể một kịch bản bất lợi trên thị trường rộng lớn”, báo cáo của ECB nhận định.

Những rạn nứt đáng chú ý đang xuất hiện trên thị trường bất động sản Đức, nền kinh tế lớn nhất eurozone. Việc lãi suất tăng cao trong thời gian ngắn khiến một số nhà phát triển bất động sản ở Đức rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán trong khi các thương vụ đầu tư và hoạt động xây dựng bị đình trệ.

Hồi đầu tháng 11, dự án xây dựng tòa nhà chọc trời Elbtower cao 64 tầng ở thành phố Hamburg phải dừng lại sau khi chủ đầu tư Signa Group không thể thanh toán cho công ty xây dựng Lupp. Được biết, Signa Group, tập đoàn bất động sản khổng lồ tại Áo, đã vay các ngân hàng Áo tổng cộng 2,2 tỉ Euro tính đến giữa năm 2023.

Theo báo cáo của ECB, các khoản vay thế chấp nhà ở chiếm khoảng 30% tổng dư nợ của ngành ngân hàng eurozone. Trong khi đó, lĩnh vực bất động sản thương mại hiện chiếm khoảng 10% tổng số khoản vay.

Trong nửa đầu năm 2023, số giao dịch bất động sản thương mại tại eurozone đã giảm 47% so với cùng kỳ năm 2022. Dù vẫn chưa rõ giá bất động sản trong khu vực đã chạm đáy hay chưa, nhưng việc một số chủ sở hữu phải giao dịch với mức chiết khấu hơn 30%, mức cao nhất kể từ năm 2008, cho thấy thị trường đang ở trong xu hướng giảm mạnh. 

ECB cho biết sự gia tăng chi phí đi vay khiến tỉ lệ các khoản vay mà các ngân hàng khu vực cung cấp cho các công ty bất động sản tăng lên gấp đôi, với mức 26%. Con số này có thể tiếp tục tăng trong tương lai nếu doanh thu của lĩnh vực nhà đất giảm thêm 20% và các điều kiện tài chính duy trì đà thắt chặt trong 2 năm tới.

Nguồn: Nhipcaudautu