Quay lại

Các doanh nghiệp Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào Việt Nam và Mexico

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng giữa các chính phủ phương Tây và Bắc Kinh, các doanh nghiệp Trung Quốc đang dần dịch chuyển sang Việt Nam và Mexico để đầu tư. Theo dữ liệu mới nhất từ FDI Markets, trong năm kết thúc vào tháng 3, đã có ít nhất 41 dự án sản xuất và hậu cần của Trung Quốc được công bố tại Mexico, trong khi ít nhất 39 dự án đã được lên kế hoạch cho Việt Nam. Đây là số lượng dự án được công bố cao nhất tại mỗi quốc gia kể từ khi FDI Intelligence bắt đầu theo dõi tin tức về đầu tư nước ngoài và các thông báo của công ty vào năm 2003. Hiện tại, cả Mexico và Việt Nam đã vượt qua Mỹ để trở thành điểm đến hàng đầu cho các dự án sản xuất và hậu cần của Trung Quốc. Ngoài ra, Thái Lan, Malaysia, Hungary và Ai Cập cũng thu hút mức độ đầu tư kỷ lục từ Trung Quốc trong năm kết thúc vào tháng 3.

 

Những động thái này diễn ra giữa lúc các tập đoàn đa quốc gia và các chính trị gia phương Tây đang cố gắng giảm sự phụ thuộc hàng thập kỷ vào các nhà máy ở Trung Quốc và hạn chế vai trò của nước này trong việc cung cấp các nguồn cung quan trọng.

Trong số các dự án đầu tư lớn của Trung Quốc, có một nhà máy trị giá lên đến 2 tỉ USD ở Mexico thuộc Tập đoàn Công nghiệp Ô tô Thượng Hải (SAIC). Điều này cho thấy Trung Quốc đang tìm kiếm cơ hội mở rộng hoạt động sản xuất và hậu cần ra nước ngoài.

Với việc Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố áp thuế mới 18 tỉ USD lên hàng hóa Trung Quốc đã khiến các nhà sản xuất Trung Quốc, kể cả các doanh nghiệp nhỏ, phải tìm cách sử dụng nguồn vốn hạn chế để mở rộng hoạt động ra nước ngoài. Đồng thời, Mỹ đang tăng nhập khẩu từ các quốc gia khác ngoài Trung Quốc, và điều này đã thúc đẩy các doanh nghiệp Trung Quốc tăng cường xuất khẩu sang các quốc gia này.

Theo dữ liệu hải quan của Trung Quốc, giá trị tổng xuất khẩu sang Mexico và Thái Lan từ Trung Quốc đã tăng gấp đôi lên 158,7 tỉ USD từ năm 2017 đến 2023. Xuất khẩu tổng thể của Trung Quốc đã tăng 49% lên 3,4 nghìn tỉ USD trong cùng kỳ.

Xuất khẩu bộ phận máy tính của Trung Quốc sang Việt Nam đã tăng hơn gấp ba lần lên 1,7 tỉ USD từ năm 2017 đến 2023, theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Tuy nhiên, công ty tư vấn Eurasia Group đã chỉ ra rằng thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ đã tăng mạnh không chỉ do sự chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc, mà còn do các công ty Trung Quốc chuyển hướng sản phẩm qua Việt Nam.

 

Công ty sản xuất dao và dụng cụ Summit Enterprise, sau 26 năm hoạt động tại Trung Quốc, hiện đang mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Tuy chi phí sản xuất cao hơn và kỹ năng lao động trong nước thấp hơn, công ty hy vọng rằng sẽ có lợi thế về mức thuế thấp.

Mặc dù vẫn còn nhiều lợi thế khi hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc, ông Jack Ye, đại diện bán hàng tại nhà sản xuất ba lô Xiamen Obaili Manufacturing, cho biết sản xuất ở Trung Quốc vẫn có lợi thế về thời gian giao hàng, chi phí và chất lượng. Thế nhưng, ông cũng cho biết công ty sẽ xem xét mở rộng hoạt động sản xuất ở các quốc gia khác nếu ông Donald Trump, đã nói sẽ thắt chặt thêm biện pháp thương mại với Trung Quốc, được tái đắc cử làm tổng thống Mỹ.

Nguồn: Nhipcaudautu