Quay lại

Các ngân hàng trung ương Đông Nam Á trước áp lực hạ lãi suất

Một báo cáo mới đây từ Công ty phân tích tài chính S&P Global nhận định các nền kinh tế mới nổi trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) như Indonesia, Thái Lan và Philippines sẽ chứng kiến niềm tin của người tiêu dùng giảm đi trong năm nay, sau mấy năm tăng mạnh kể từ khi các biện pháp chống Covid-19 được gỡ bỏ.

Một nguyên nhân chính dẫn tới sự suy giảm niềm tin tiêu dùng này là tăng trưởng tiền lương chậm lại. “Sau khi trừ đi lạm phát, thu nhập của các hộ gia đình đã giảm nhẹ trong năm 2023, cho dù tỷ lệ thất nghiệp được kiểm soát. Đây là một xu hướng sẽ gây áp lực lên chi tiêu của các hộ gia đình trong năm nay”, báo cáo nhận định.

BÀI TOÁN TĂNG TRƯỞNG TIỀN LƯƠNG VÀ LẠM PHÁT

Ông Vishrut Rana, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của S&P Global và là đồng tác giả của bản báo cáo, nói rằng “biến số” chính ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng là việc các ngân hàng trung ương có giảm lãi suất hay không. “Lãi suất cao đang tiếp tục gây sức ép lên biên lợi nhuận trong khu vực. Lãi suất thực đã điều chỉnh theo lạm phát vẫn còn tương đối cao, tác động bất lợi đến nhu cầu trong nước và niềm tin của người tiêu dùng”, ông Rana nhận xét.

Giảm lãi suất để kích thích tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế là một việc làm rủi ro trong môi trường lạm phát còn cao. Tuy nhiên, ông Rana đã chỉ ra hai yếu tố có thể kéo lạm phát tại các nền kinh tế mới nổi ở Đông Nam Á giảm xuống trong thời gian tới: (i) giá dầu thô gần đây giằng co trong một phạm vi hẹp, hạn chế bớt ảnh hưởng lạm phát đối với rổ hàng hoá nói chung; (ii) lạm phát giá thực phẩm - nhóm chiếm một tỷ trọng lớn trong rổ hàng hóa tính lạm phát ở Đông Nam Á - giữ ở mức thấp.

Tăng trưởng thu nhập ở Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam đã giảm trong năm 2023, thậm chí thu nhập thực tế ở Singapore còn không tăng vì lạm phát cao. Ở Malaysia, tăng trưởng tiền lương trong ngành sản xuất năm 2023 so với năm trước chỉ còn 1,1% sau khi trừ đi lạm phát.

Sự trì trệ của thu nhập xảy ra ngay cả khi tỷ lệ thất nghiệp tại các nền kinh tế này ổn định và thậm chí giảm ở Philippines nếu so với mức bình quân của giai đoạn 2015-2019. Một khi lạm phát giảm xuống sẽ giúp ổn định tăng trưởng tiền lương và tạo ra sự cân bằng giữa lạm phát giá tiêu dùng và lạm phát tiền lương, từ đó cải thiện niềm tin của người tiêu dùng. Lạm phát giảm cũng mở đường cho các ngân hàng trung ương giảm lãi suất, giúp tiêu dùng cải thiện thêm.

Theo báo cáo của S&P Global, lượng hàng hoá bán lẻ ở Đông Nam Á hiện đang ở mức thấp hơn so với bình quân trước đại dịch, trong đó sự suy giảm rõ rệt nhất được ghi nhận ở các thị trường Malaysia, Việt Nam và Philippines. Tuy nhiên, báo cáo của S&P lưu ý rằng xu hướng tiêu dùng đã thay đổi sau đại dịch và rổ hàng hoá dùng để xác định mức doanh thu bán lẻ chưa có sự thay đổi phù hợp để nắm bắt những thói quen tiêu dùng mới này, dẫn tới hoạt động bán lẻ có thể không được đánh giá đầy đủ.

Một báo cáo khác của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra cái nhìn rộng hơn về châu Á, nhấn mạnh rằng sự phục hồi kinh tế hậu Covid-19 của Trung Quốc đã mất đà nhanh hơn so với dự kiến, dẫn tới ảnh hưởng rộng khắp đến các nền kinh tế khác trong khu vực. Báo cáo công bố hồi cuối năm 2023 cũng lưu ý rằng quá trình giảm lạm phát đang được đẩy nhanh hơn ở châu Á so với ở các khu vực khác.

Định chế có trụ sở ở Washington ước tính lạm phát bình quân ở châu Á giảm từ mức 3,8% vào năm 2022 xuống còn 2,6% vào năm 2023, với tốc độ giảm nhanh nhất được ghi nhận tại các nền kinh tế mới nổi trong khu vực. Trong dự báo đưa ra vào tháng 12/2023 về lạm phát ở châu Á, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) lại cho rằng lạm phát tại khu vực này sẽ tăng nhẹ lên 3,6% trong năm 2024 từ 3,5% của năm 2023.

RỦI RO KHI GIẢM LẠM PHÁT ĐỂ KÍCH THÍCH TIÊU DÙNG

Đối với các ngân hàng trung ương ở châu Á, rủi ro lớn nhất khi hạ lãi suất trong năm nay là lãi suất ở các nền kinh tế lớn vẫn còn cao, có thể dẫn tới mất ổn định tài chính trong khu vực vì sự dịch chuyển của các dòng vốn do chênh lệch lãi suất. Trên thực tế, trong nửa sau của năm 2023, đã có những lúc lãi suất quỹ liên bang của Fed vượt lãi suất bình quân tại các nền kinh tế mới nổi, dẫn tới áp lực mất giá đối với các đồng tiền ở châu Á.

Gần đây, các ngân hàng trung ương lớn như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (ECB) đều phát tín hiệu sẽ bắt đầu giảm lãi suất trong năm nay, nhưng các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của các nền kinh tế này đều giữ quan điểm thận trọng về thời điểm cụ thể để khởi động việc nới lỏng, cũng như tốc độ nới lỏng.

Lãi suất cơ bản của Indonesia hiện ở mức 6%, sau khi ngân hàng trung ương nước này Bank Indonesia tăng lãi suất lần gần đây nhất vào tháng 10/2023 với mức tăng 0,25 điểm phần trăm. Lạm phát ở Indonesia hiện nằm trong khoảng mục tiêu 1,5-3,5% của ngân hàng trung ương. S&P Global dự báo người tiêu dùng Indonesia sẽ tiếp tục đối mặt với tình trạng tăng trưởng thu nhập thực tế ở mức thấp và chính sách tiền tệ thắt chặt. Tuy nhiên, áp lực đó có thể sẽ được giải tỏa trong năm nay, khi Bank Indonesia có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất vào quý 3 - theo một cuộc khảo sát chuyên gia kinh tế của hãng tin Reuters..

Nguồn: TBKTVN