Các thương vụ đầu tư vốn tư nhân tại châu Á giảm 44%
Xu hướng giảm kéo dài tới 2024
Năm 2022, thị trường đầu tư vốn tư nhân châu Á - Thái Bình Dương sụt giảm mạnh, khi khẩu vị rủi ro của giới đầu tư đi xuống, trong bối cảnh lạm phát leo thang và xung đột địa chính trị ảnh hưởng tới thị trường tài chính toàn cầu.
Báo cáo của Bain & Company cho thấy, tổng giá trị các thương vụ đầu tư vốn tư nhân tại châu Á giảm 44%, xuống còn 198 tỷ USD năm 2022. Con số này năm 2021 là 354 tỷ USD. Đáng chú ý, khảo sát đối với các giám đốc quỹ đầu tư cho thấy, 70% số người tham gia khảo sát đánh giá xu hướng sụt giảm sẽ tiếp tục cho tới năm 2024.
Các nguyên nhân chính dẫn tới sự suy giảm của thị trường là các yếu tố vĩ mô bất ổn, chi phí đầu tư gia tăng và màn biểu diễn không lấy làm khả quan của các doanh nghiệp, khiến tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng.
“Giới đầu tư cảm thấy một thời kỳ tăng trưởng chậm đã bắt đầu, lạm phát leo thang và nhiều yếu tố bất ổn. Họ cần thời gian để suy tính lại chiến lược, hiệu chuẩn lại phương pháp. Nếu bối cảnh chung không có thay đổi căn bản, xu hướng suy giảm hoạt động đầu tư kéo dài từ 2022 tới nay sẽ tiếp tục, tổng giá trị hoạt động đầu tư sẽ giảm khi các giám đốc quỹ đầu tư ở trong trạng thái quan sát và chờ đợi”, báo cáo thị trường vốn tư nhân 2023 của Bain & Co cho biết.
Xét theo khu vực, Trung Quốc dẫn đầu đà giảm khi giá trị các thương vụ đầu tư giảm 53%, nguyên nhân chính là việc quốc gia này theo đuổi chính sách zero-Covid. Trung Quốc và Ấn Độ chứng kiến giá trị các thương vụ đầu tư vốn tư nhân giảm 35 tỷ USD trong năm 2022.
Công nghệ, Internet duy trì là lĩnh vực đầu tư lớn nhất tại châu Á - Thái Bình Dương, nhưng cũng có mức giảm đáng kể trong năm 2022, khi hoạt động đầu tư ở mức thấp nhất kể từ năm 2017 tới nay.
“Trong hơn 1 thập kỷ, công nghệ và Internet là lĩnh vực thu hút lượng vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư tư nhấn lớn nhất trong khu vực. Tuy nhiên, đây cũng là lĩnh vực có quy mô giảm mạnh nhất năm 2022, từ mức 41% năm 2021 xuống 33%. Cả Trung Quốc, Ấn Độ và Đông Nam Á đều chứng kiến đà giảm mạnh”, báo cáo nêu rõ.
Ở chiều ngược lại, các thương vụ đầu tư vốn tư nhân liên quan tới yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG) theo xu hướng tăng.
“Lĩnh vực năng lượng và nguồn lực tự nhiên, đầu tư vào năng lượng tái tạo chiếm 60% giá trị các thương vụ, phản ánh xu hướng đầu tư ESG trở thành dòng chảy chính”.
Số lượng các thương vụ đầu tư vào năng lượng tái tạo tăng 47% so với năm trước đó. Các giám đốc quỹ đầu tư tư nhân tham gia khảo sát của Bain & Co cho biết, hoạt động đầu tư ESG sẽ tiếp tục gia tăng trong 3-5 năm tới.
Nguồn: Báo Đầu tư