Chăn nuôi lợn theo quy mô trang trại chiếm ưu thế nhưng vẫn phát triển thiếu bền vững

Tại Hội nghị thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn bền vững do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 14/8/2024, ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết tại Việt Nam, giá trị tăng trưởng của ngành chăn nuôi năm 2023 ước đạt 5,72%, đạt doanh thu trên 33 tỷ USD toàn ngành, đóng góp 26% vào GDP nông nghiệp và trên 5% GDP của nước ta. Dự kiến, tổng giá trị doanh thu của toàn ngành chăn nuôi trong năm 2024 sẽ đạt 35 tỷ USD.

CHĂN NUÔI LỢN VẪN KHÓ KIỂM SOÁT DỊCH BỆNH

Trong đó, chăn nuôi lợn vẫn là lĩnh vực chăn nuôi chủ lực chiếm trên 62% tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng của các loại vật nuôi được sản xuất trong nước. Tổng số lợn của cả nước ở thời điểm tháng 7/2024 ước đạt hơn 25 triệu con (tăng 2,9% so với cùng thời điểm năm 2023). Tổng đàn lợn nái hiện nay ổn định khoảng 3 triệu con.

Chăn nuôi lợn đã chuyển dịch theo hướng giảm chăn nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình, tăng mạnh các hộ chăn nuôi chuyên nghiệp và trang trại quy mô lớn. Trong 5 năm vừa qua, tỷ lệ chăn nuôi nông hộ giảm từ 5-7%/năm (riêng giai đoạn 2019-2022, cơ sở chăn nuôi nhỏ quy mô nông hộ giảm 15-20%). Hiện nay, sản lượng lợn sản xuất trong nông hộ nhỏ lẻ giảm còn 35- 40%, sản lượng lợn sản xuất trong hộ chuyên nghiệp và trang trại chiếm 60-65%.

Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Ông Đăng cho biết trong 6 tháng năm 2024, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 2,5 triệu tấn, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, chăn nuôi lợn hiện nay vẫn đối diện với nhiều khó khăn như: chăn nuôi an toàn sinh học và kiểm soát dịch bệnh chưa thực sự được triển khai đồng bộ. Tính chuyên nghiệp trong chăn nuôi của khu vực nông hộ, trang trại quy mô vừa và nhỏ chưa được cải thiện, giá thành sản xuất còn cao.

Thông tin về tình hình dịch bệnh, ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho hay từ 1/1-12/8/2024, cả nước xuất hiện 863 ổ dịch tả lợn Châu Phi tại 46 tỉnh, thành phố, tổng số lợn mắc bệnh, chết và tiêu hủy hơn 57.000 con.

Về xây dựng cơ sở vùng an toàn dịch bệnh, hiện nay cả nước ghi nhận 970 cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh trên lợn tại 55 tỉnh, thành phố được chứng nhận an toàn đối với các dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi, dịch tả lợn cổ điển, lở mồm long móng, tai xanh và xoắn khuẩn.

Tuy nhiên, theo ông Minh, việc kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y vẫn đối diện với nhiều khó khăn. Hiện rất khó thu hút được các nhà đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung hoặc đã có nhưng vẫn để tồn tại song song nhiều cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, trong khi kinh phí đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn chậm, đầu tư mang tính rủi ro cao, nhiều địa phương có nhu cầu tiêu dùng ít.

Bên cạnh đó, hệ thống cơ quan quản lý chăn nuôi, thú y tại các địa phương đang có nhiều xáo trộn, gây khó khăn, bất cập trong hoạt động. Vẫn còn tình trạng giết mổ không phép sau khi xây dựng và đưa vào hoạt động cơ sở giết mổ tập trung. Số lượng động vật được giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung chỉ đạt khoảng 40-50% so với công suất thiết kế...

NHIỀU VẤN ĐỀ CẦN PHẢI GIẢI QUYẾT

Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, cho biết hiện nay xung đột giữa xây dựng trang trại chăn nuôi và khu dân cư chưa có cách giải quyết. Nhiều trang trại khi xây dựng đã tuân thủ quy định về đảm bảo khoảng cách với khu dân cư (500m).

Tuy nhiên, chưa có quy định nào về việc người dân xung quanh trang trại không được phát triển nhà ở vào phạm vi 500m. Từ đó, dẫn tới tình trạng nhà dân ngày một tiến sát khu vực nuôi, rồi khiếu nại vì bị mùi hôi từ khu vực nuôi ảnh hưởng. Bên cạnh đó, chúng ta đang nỗ lực xây dựng, mở rộng vùng an toàn dịch bệnh, nhưng khi đã được công nhận lại chưa có quy định mạnh mẽ để bảo vệ, nhất là liên quan tới công tác vận chuyển gia súc gia, cầm qua địa bàn thuộc vùng.

Ông Đặng Văn Minh, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An, nêu vấn đề đơn vị quản lý nhà nước cấp tỉnh (Chi cục Chăn nuôi và Thú y) thực hiện xử lý vi phạm hành chính theo Luật Thanh tra, dẫn tới tình trạng nhiều vụ việc liên quan tới chăn nuôi, thú y Chi cục không có thẩm quyền xử lý, phải chuyển hồ sơ cho đơn vị khác. Do đó, cần nghiên cứu điều chỉnh chức năng xử phạm vi phạm hành chính với chức danh Chi cục trưởng sẽ kịp thời, hiệu quả hơn trong quản lý.

Để thúc đẩy phát triển bền vững về ngành chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi, cho rằng cần phải định hướng phát triển rõ ràng: Có ban hành chế tài xử lý, kiểm soát tốt được dịch bệnh, điều tiết thị trường, xem lại cán cân xuất nhập khẩu…. Về giết mổ, cần công nghiệp hóa, tiến tới đưa dây chuyền hiện đại vào sản xuất tránh manh mún. Việc đánh giá tác động môi trường cần giao về địa phương để tiện kiểm tra giám sát, điều phối tránh ngồi trên các quy định pháp luật để phê duyệt.

"Cần phải tập trung thực hiện hiệu quả 5 đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về công nghiệp giống, thức ăn, chế biến, môi trường, thiết bị chăn nuôi, nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học trong chăn nuôi".

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Chủ trì hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, chăn nuôi lợn của Việt Nam được xác định là ngành chủ lực, quan trọng đã và đang chuyển dịch dần từ chăn nuôi quy mô nhỏ sang chăn nuôi tập trung, hàng hóa, quy mô lớn.

“Ngày càng nhiều mô hình chăn nuôi trang trại, tập trung và hình thành các chuỗi giá trị chăn nuôi. Hiện giá thịt lợn đang ở mức khá cao đã đem lại lợi nhuận cho người chăn nuôi và doanh nghiệp sau một thời gian bị thua lỗ. Trong rổ thực phẩm, thịt lợn chiếm 65% chỉ số giá tiêu dùng”, Thứ trưởng Tiến nói, đồng thời nhận định thời gian từ nay tới Tết Nguyên đán không còn nhiều, đây là thời điểm quan trọng để ngành chăn nuôi nói chung, nuôi lợn nói riêng, tập trung tháo gỡ những khó khăn, chuẩn bị điều kiện cần thiết để đảm bảo đủ nguồn cung an toàn, chất lượng.

Trước mắt, phải đảm bảo cung cấp đủ lượng giống có năng suất, chất lượng cao. "Hàng năm, chúng ta phải bỏ ra 7 tỷ USD nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Do đó, các địa phương, đơn vị phải xây dựng ngay kế hoạch chủ động nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước để hạn chế phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu”, Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh.

Đặc biệt, Thứ trưởng Tiến cho rằng phải quản lý chặt chẽ công tác giết mổ, chế biến gắn với đảm bảo an toàn thực phẩm. Một thực tế đáng báo động là Nghị quyết số 43/2017/QH14 của Quốc hội thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm đã được ban hành nhưng các địa phương vẫn rất lơ là, hời hợt.

Các cơ sở giết mổ tập trung không được phát huy, cơ sở giết mổ nhỏ lẻ tăng lên. Trong khi đó, chúng ta đang tiến tới xây dựng một nền nông nghiệp thân thiện, xanh thì việc giảm phát thải trong chăn nuôi lợn phải được lưu tâm khống chế.

Thứ trưởng Tiến lưu ý, về lâu dài, cần tập trung đẩy mạnh công tác phòng, chống buôn lậu qua biên giới gia cầm ở các tỉnh phía Bắc, buôn lậu phía Nam. Tiếp tục rà soát nhập khẩu đảm bảo đúng quy định pháp luật và phát huy lợi thế của hàng rào kỹ thuật. Các đơn vị chức năng tập trung chỉ đạo, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. 

Nguồn: TBKTVN