Doanh nghiệp xuất khẩu mật ong: Không “ngọt như mật”

Mỹ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường cùng với việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) dự kiến sẽ ban hành kết luận rà soát hành chính lệnh áp thuế chống bán phá giá lần thứ hai đối với mật ong Việt Nam, muộn nhất vào ngày 30/6/2025 khiến các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu mật ong đang mất cơ hội xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

mat-ong.jpg

Vừa điện thoại cho ông Đặng Bá Long - CEO Công ty CP Ong mật TP.HCM, ông liền than: “DN xuất khẩu mật ong đang bế tắc toàn tập và hầu như không còn cơ hội xuất khẩu vào Mỹ. Các DN xuất khẩu mật ong đều hy vọng Mỹ công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường, điều này có tác động đáng kể đến việc xác định thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam. Nhưng nay Mỹ không công nhận, các DN xuất khẩu mật ong đang gặp khó khăn, nếu không muốn nói là “hết cửa” vào thị trường Mỹ”.

Ông giải thích tiếp: “Khi Mỹ không công nhận là nền kinh tế thị trường, DOC sẽ sử dụng giá trị thay thế từ một quốc gia thứ ba để tính toán biên độ phá giá cho các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam. Trước đây, Mỹ đã áp đặt thuế chống bán phá giá đối với mật ong xuất khẩu từ Việt Nam với mức thuế rất cao, dao động từ 410,93 - 413,99%. Kể từ tháng 4/2022, mức thuế chính thức đối với mật ong Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đã giảm xuống còn 58,74 - 61,27% .

Tuy nhiên gần đây, DOC đã lựa chọn hai công ty Việt Nam là Buôn Mê Thuột Honey JSC và Đắk Lắk Honey JSC để áp dụng mức thuế cao nhất là 150% và 100% trong một đợt rà soát hành chính mới. Việc áp dụng mức thuế này dựa trên phương pháp tính giá trị thay thế, sử dụng dữ liệu giá và chi phí từ các quốc gia mà Mỹ xem là nền kinh tế thị trường, chẳng hạn như Ấn Độ để tính toán chi phí sản xuất và biên lợi nhuận cho các nhà sản xuất và xuất khẩu Việt Nam.

“Nếu hai DN là Buôn Mê Thuột Honey JSC và Đắk Lắk Honey JSC của Việt Nam bị áp mức thuế này thì các DN còn lại sẽ bị áp thuế ở mức trung bình khoảng 120% (nghĩa là cao hơn mức thuế đang áp dụng hiện hành), trong khi DN Ấn Độ chỉ bị Mỹ áp thuế 8%”, ông Long chia sẻ.

Những năm trước khi chưa bị áp thuế, Công ty ông Long xuất khẩu sang Mỹ 1.500 - 2.000 tấn mật ong/năm, ước tính xuất khẩu toàn ngành khoảng hơn 60.000 tấn/năm nhưng từ khi áp thuế thì sản lượng xuất khẩu của Công ty giảm rất lớn.

Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ - Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên cũng cho biết: “Thị trường xuất khẩu sang Mỹ của Xuân Nguyên đang giảm khoảng hơn 40% nên Công ty phải tìm thị trường mới là Trung Quốc nhưng cũng cạnh tranh không lại với DN Trung Quốc về giá cả, do Trung Quốc là nước đứng thứ hai, thứ ba về mật ong có nhiều lợi thế hơn (Việt Nam đứng thứ sáu). Còn các thị trường Thái Lan, Nhật và các nước Đông Nam Á thì sản lượng không nhiều.

Mật ong Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ phải chịu thuế 412,49%, tức là tiền nộp thuế cao gấp hơn 4 lần giá bán, chẳng khác nào “triệt hạ” mật ong của Việt Nam...

“Mất cơ hội toàn tập” ở thị trường Mỹ, một số DN tìm về thị trường nội địa nhưng cũng không dễ ăn do mật ong vẫn là thị trường ngách, sức tiêu thụ nội địa còn nhỏ, CEO Mật ong TP.HCM cho hay. Cũng do thị trường bấp bênh và giá mật ong xuống thấp nên về nguồn cung, ông Xuân Vũ cũng tiết lộ đang có nguy cơ thiếu hụt do người nông dân nuôi ong không mặn mà và nhiều hộ bỏ nghề. Đơn cử, trước đây giá mật ong khoảng 2,3 USD/kg là mức giá người nuôi ong còn sống được với nghề nhưng nay thì xuống thấp hơn rất nhiều.

Ông Vũ cho biết thêm, cơ cấu thị trường của Xuân Nguyên những năm trước đây là 50% trong nước, 50% xuất khẩu nhưng trong năm qua và năm nay sản lượng tiêu thụ trong nước giảm phân nửa và xuất khẩu chỉ còn hơn 10% nên Xuân Nguyên vẫn đang tìm thị trường xuất khẩu mới.

Kinh doanh tại thị trường trong nước, bà Nguyễn Phương Lan - Giám đốc Công ty TNHH Zemlya cũng cho rằng, không “ngọt ngào” do nhu cầu thị trường trong nước đang xuống, các công ty lớn đầu tư bài bản và đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn của ngành, phải đóng thuế và nhiều chi phí khác thì không cạnh tranh lại về giá cả so với các loại mật ong trôi nổi đang bán trên các sàn thương mại điện tử và các nền tảng mạng xã hội.

Nguồn: Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn