Chiến lược tín chỉ carbon trị giá 11 tỷ đô của Brazil

“Một số cuộc khảo sát cho rằng Brazil có thể chiếm 15% thị trường tín chỉ carbon toàn cầu và Brazil có thể đảm nhận một vai trò quan trọng trong thị trường này”, Luiza Aguiar, một nhà nghiên cứu ESG tại tập đoàn tài chính XP Investimentos, cho biết. 

RỪNG AMAZONE – NGUỒN TÍN CHỈ CARBON KHỔNG LỒ

Quy mô và tầm quan trọng toàn cầu với môi trường của rừng mưa nhiệt đới Amazon đã ngày càng thu hút những người kinh doanh tín chỉ carbon, hay còn được gọi là "những người buôn carbon” (carbon cowboys).

“Họ đã khởi động các dự án bảo tồn trên khắp khu vực, tạo ra các tín chỉ carbon trị giá hàng trăm triệu đô la, được một số tập đoàn lớn nhất thế giới mua lại. Các dự án đã biến rừng Amazon của Brazil thành tâm điểm của một ngành công nghiệp toàn cầu trị giá gần 11 tỷ USD mà hầu như không cần chịu trách nhiệm về doanh số.”, theo The Washington Post.

Được mệnh danh là "lá phổi của Trái đất", rừng mưa nhiệt đới Amazon đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa khí hậu toàn cầu. Với diện tích khoảng 5,5 triệu km2, rừng Amazon hấp thụ một lượng lớn carbon dioxide (CO2) từ khí quyển và trở thành một trong những bồn chứa carbon lớn nhất và quan trọng nhất trên hành tinh.

Tuy nhiên, rừng Amazon đã phải đối mặt với các mối đe dọa ngày càng tăng từ nạn phá rừng do mở rộng canh tác nông nghiệp, khai thác gỗ và phát triển cơ sở hạ tầng. Những hoạt động này không chỉ dẫn đến mất đa dạng sinh học mà còn giải phóng carbon đã lưu trữ, góp phần vào lượng khí thải nhà kính (GHG) toàn cầu.

Để ứng phó với những thách thức này, Brazil đã áp dụng khái niệm tín chỉ carbon như một phương tiện kiếm nguồn thu tài chính từ những nỗ lực bảo vệ rừng Amazon, đồng thời giảm lượng phát thải carbon.

Chiến lược tín chỉ carbon trị giá 11 tỷ đô của Brazil - Ảnh 1

 Quy trình 4 bước hoạt động của thị trường tín chỉ carbon. Ảnh: The Washington Post.

XÂY DỰNG KHUNG PHÁP LÝ CHO THỊ TRƯỜNG TÍN CHỈ CARBON

Brazil đã ban hành một số luật và quy định liên quan đến bảo tồn môi trường, quản lý rừng và cơ chế tín chỉ carbon. Quốc gia Nam Mỹ này là một bên tham gia tích cực vào chương trình REDD+ (Giảm phát thải từ nạn phá rừng và suy thoái rừng, thúc đẩy bảo tồn, quản lý rừng bền vững và tăng cường trữ lượng carbon rừng).

REDD+ là sáng kiến ​​toàn cầu theo Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) nhằm mục đích giảm thiểu biến đổi khí hậu bằng cách khuyến khích bảo tồn rừng và thực hành sử dụng đất bền vững ở các nước đang phát triển.

Sự tham gia chính thức của Brazil vào REDD+ đã được củng cố hơn nữa với việc xây dựng Chiến lược REDD+ quốc gia (ENREDD+), được đưa ra vào năm 2015. Chiến lược này là một cột mốc quan trọng trong việc Brazil chính thức thông qua các nguyên tắc và cơ chế REDD+.

Năm 2009, chính sách quốc gia về biến đổi khí hậu (PNMC) - Đạo luật số 12.187/2009 được ban hành, đóng vai trò nền tảng trong việc thiết lập chiến lược chung về biến đổi khí hậu và cam kết giảm phát thải khí nhà kính của Brazil. Luật này cung cấp cơ sở pháp lý cho sự tham gia của quốc gia Nam Mỹ vào các thỏa thuận khí hậu quốc tế như Nghị định thư Kyoto và Thỏa thuận Paris, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các cơ chế thị trường, bao gồm cả tín chỉ carbon.

Gần đây, Brazil đang trong quá trình thông qua Dự luật 2.148/15 (PL) nhằm đạt được các cam kết của Thỏa thuận chung Paris bằng cách thiết lập một khuôn khổ toàn diện để điều chỉnh lượng khí thải nhà kính. Dự luật được Hạ viện thông qua vào tháng 12/2023 và hiện đang chờ Thượng viện phê duyệt.

Dự luật đề xuất một hệ thống giao dịch khí thải không phân biệt ngành, được gọi là Hệ thống giao dịch khí thải nhà kính Brazil (SBCE). Hệ thống này sẽ cho phép các nhà khai thác Brazil giao dịch các hạn mức khí thải với các nghĩa vụ tuân thủ cụ thể dựa trên mức phát thải của họ.

SBCE được thiết kế để hỗ trợ các mục tiêu về khí hậu của Brazil, bao gồm giảm đáng kể lượng khí thải nhà kính xuống dưới mức năm 2005 vào năm 2025 và 2030. Hệ thống này sẽ dần được triển khai với việc phân bổ miễn phí các hạn mức khí thải ban đầu và sẽ điều chỉnh cả thị trường carbon tuân thủ và tự nguyện.

Dự luật cũng đưa ra các hình phạt tài chính đối với hành vi không tuân thủ. Ngoài ra, dự luật cũng đặt ra các yêu cầu nghiêm ngặt đối với các dự án carbon liên quan đến đất đai của người bản địa và phải có sự đồng thuận và chia sẻ lợi ích với các cộng đồng bản địa.

DOANH THU HÀNG TỶ USD TỪ TÀI TRỢ VÀ MUA BÁN TÍN CHỈ CARBON

Cây castanheira là một trong những loại cây lớn nhất ở rừng Amazon. Ảnh: Ana Mendes/ The Washington Post.

Cây castanheira là một trong những loại cây lớn nhất ở rừng Amazon. Ảnh: Ana Mendes/ The Washington Post.

Ngày 1/8/2008, chính phủ của Tổng thống Lula da Silva chính thức thông báo sáng kiến Quỹ Amazon với mục đích thu hút các khoản quyên góp cho các khoản đầu tư không hoàn lại vào các hoạt động phòng ngừa, giám sát và chống phá rừng, cũng như thúc đẩy bảo tồn và sử dụng bền vững rừng mưa Amazone. 

Na Uy và Đức là nước đóng góp lớn nhất cho Quỹ Amazon của Brazil. Theo thông tin trên website, Na Uy đã cam kết 8,79 tỷ Krone Na Uy, với khoảng 1,26 tỷ USD đã được giải ngân. Trong khi đó, Đức đã cam kết 89,92 triệu EUR với khoảng 105,81 triệu USD đã được giải ngân.

Theo đánh giá của Sáng kiến ​​Khí hậu và Rừng Quốc tế của Na Uy (NICFI), trong 15 năm hoạt động, Quỹ Amazon đã tạo ra những tác động đáng kể, bao gồm quản lý trực tiếp 75 triệu ha rừng và tăng cường quản lý môi trường trên 74 triệu ha khu bảo tồn. Quỹ đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký 1,1 triệu bất động sản nông thôn vào sổ đăng ký môi trường nông thôn và tiến hành 1.800 nhiệm vụ thanh tra môi trường.

Quỹ Amazon đã hỗ trợ 653 tổ chức, trực tiếp và thông qua quan hệ đối tác, mang lại lợi ích cho 241.000 người thông qua các hoạt động sản xuất bền vững. Ngoài ra, quỹ đã hỗ trợ 196 khu bảo tồn và 101 vùng đất bản địa ở Amazon, mang lại lợi ích trực tiếp cho 61.000 người bản địa.

Tổng số tiền Brazil nhận được tương đương 1.368 triệu USD. Các khoản thanh toán này phụ thuộc vào thành công của Brazil trong việc giảm tỷ lệ phá rừng và bảo tồn rừng, với các khoản tiền được giải ngân sau khi mức giảm đã được xác minh.

Năm 2023, trong sự kiện kỷ niệm 15 năm Quỹ Amazon tại Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2023 (COP28), Na Uy tiếp tục công bố đóng góp 50 triệu USD cho nỗ lực của Brazil nhằm giảm nạn phá rừng.

“Giảm 50% nạn phá rừng ở Amazon vào năm 2023 là một kết quả khả quan, minh chứng cho khả năng hành động có mục tiêu của Tổng thống Lula. Điều này quan trọng đối với Brazil và đối với thế giới. Quỹ Amazon quan trọng hơn bao giờ hết trong việc ngăn chặn nạn phá rừng và đóng góp vào sự phát triển bền vững ở Amazon. Do đó, Na Uy sẽ đóng góp 50 triệu USD cho công việc này”, Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Støre tuyên bố.

Đức cũng đã cung cấp hỗ trợ tài chính cho Quỹ Amazon, đóng góp khoảng 68 triệu USD vào năm 2018. Mặc dù quy mô nhỏ hơn so với các đóng góp của Na Uy, nhưng sự hỗ trợ của quốc gia châu Âu đã đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì các nỗ lực bảo tồn của Brazil.

Ngoài các đóng góp từ các nhà tài trợ quốc tế, Brazil còn tạo ra doanh thu bằng cách bán tín chỉ carbon trên thị trường toàn cầu. Năm 2023, "gã khổng lồ dầu mỏ" quốc doanh Petrobras của Brazil đã tạo nên lịch sử trên thị trường carbon tự nguyện bằng cách mua tín chỉ carbon để bù đắp lượng khí thải của mình.

Theo đó, Petrobras đã thực hiện giao dịch mua tín chỉ carbon đầu tiên tương đương với 175.000 tấn khí thải carbon, được định giá dưới 1 triệu USD. Giao dịch mua này tương đương với 570 ha rừng nhiệt đới được bảo tồn.

Trong mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Công ty năng lượng đa quốc gia của Brazil nhắm tới mục tiêu giảm 30% lượng khí thải nhà kính vào 2030. Trước đó, từ 2015 đến 2022, Petrobras đã giảm 39% lượng khí thải hoạt động và 67% lượng khí thải mê-tan, theo trang Carbon Credit.

Nguồn: TBKTVN