Citi cảnh báo rủi ro khi Nhật Bản can thiệp bảo vệ đồng yên

Tỷ giá euro-yên được giao dịch ở mức cao tới 175,43 JPY đổi 1 EUR vào ngày 11/7. Đây là mức kỷ lục kể từ khi đồng tiền chung châu Âu được ra mắt vào năm 1999, trước khi giảm về mức 171 JPY/EUR vào sáng ngày 23/7 tại Tokyo.

Tokyo có thể đã chi khoảng 3.500 tỷ yên (tương đương 22 tỷ USD) vào ngày 11/7 để trợ lực cho đồng tiền của mình so với đồng đô la Mỹ, đánh dấu sự kiện có vẻ như là lần can thiệp thứ ba của cơ quan chức năng Nhật Bản trong năm nay. Một ngày sau đó, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã tiến hành "kiểm tra tỷ giá" (rate check) đối với cặp JPY/EUR, sau đó là một động thái can thiệp đáng ngờ khác đối với tỷ giá JPY/USD.

Kiểm tra tỷ giá là một hoạt động trong đó các quan chức Ngân hàng Trung ương Nhật Bản gọi điện cho các đại lý và hỏi giá mua hoặc bán đồng yên. Việc kiểm tra tỷ giá thường báo hiệu rằng Tokyo đã sẵn sàng can thiệp vào thị trường ngoại hối.

Tỷ giá cặp euro-yên đã tăng khoảng 30 yên mỗi euro kể từ tháng 9/2022, khi Nhật Bản có hành động can thiệp đầu tiên trong nhiều thập kỷ để củng cố đồng tiền của mình trước sự tấn công dữ dội của đồng đô la Mỹ. Ngược lại, tỷ giá cặp đô la Mỹ-yên giao dịch cao hơn khoảng 10 yên trong giai đoạn này, theo các nhà phân tích của Citi.

Các nhà đầu tư đang lo lắng trước cuộc họp chính sách diễn ra trong hai ngày 30-31/7 của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, khi những thay đổi trong việc mua trái phiếu và quyết định về việc có tăng lãi suất hay không sẽ tác động đến thị trường tiền tệ.

"Với mức tăng lớn của cặp tiền tệ này, có nhiều khả năng sẽ có sự can thiệp vào tỷ giá EUR/JPY nếu mục đích là tạo ra sự bất ngờ", ba nhà phân tích của Citi gồm Osamu Takashima, Daniel Tobon và Brian Levine nhận định.

Họ cho rằng nếu tỷ giá tăng lên mức 165 JPY/USD và 180 JPY/EUR, thì "chúng tôi sẽ không ngạc nhiên" nếu Nhật Bản can thiệp thị trường bằng cách bán ra đồng euro và mua vào đồng yên.

Citi ước tính rằng khoảng 20-30% dự trữ ngoại hối của Nhật Bản được giữ bằng đồng euro. Tập đoàn này nhận định, do các nhà chức trách Nhật Bản đã bán ra đồng đô la Mỹ để bảo vệ đồng yên trong hai năm qua, nên việc Tokyo giảm giá đồng euro cũng là điều hợp lý để tránh sự biến dạng trong phân bổ dự trữ.

Trong lịch sử, Nhật Bản hiếm khi can thiệp đối với đồng euro. Đơn cử, vào tháng 9/2000, Tokyo đã tham gia nỗ lực phối hợp của các nước G7 để củng cố đồng tiền chung. Dữ liệu từ Bộ Tài chính Nhật Bản cho thấy quốc gia này cũng đã mua vào đồng euro và bán ra đồng yên vào tháng 5/2003.

Theo Citigroup, bất kỳ sự can thiệp nào đối với tỷ giá JPY/EUR có thể sẽ ở quy mô nhỏ hơn nhiều so với đối với tỷ giá JPY/USD, do khối lượng giao dịch và tính thanh khoản của đồng euro bị hạn chế.

Bởi lẽ, họ cho rằng việc bán ra đồng đô la Mỹ đem lại tác động lớn hơn trong việc bảo vệ đồng yên và Tokyo cũng có thể can thiệp tiền tệ một lần nữa nếu tỷ giá quay lại mức 160-162 JPY đổi 1 USD, trước thêm cuộc họp chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản vào tuần tới.

Nguồn: Báo Đầu tư