Quay lại

Dầu Brent trở lại mốc 80 USD/thùng sau tin lạm phát Mỹ hạ nhiệt

Giá dầu còn dư địa điều chỉnh

Theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ, mức tăng CPI cơ bản (không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng) trong tháng 6 đã giảm xuống 4,8%, từ mức 5,3% trong tháng 5. Trong 12 tháng qua (tính đến tháng 6), chỉ số CPI của Mỹ đã tăng 3,0%. Đây là mức tăng nhỏ nhất kể từ tháng 3/2021 và theo sau mức tăng 4,0% trong tháng 5/2023.

Sau thông tin lạm phát tháng 6, dầu WTI của Mỹ giao dịch ở gần mức 76 USD/thùng sau khi đóng cửa tăng hơn 1,2% vào ngày 12/7.

Lạm phát tháng 6 hạ nhiệt đã làm lu mờ động thái mua tích trữ chiến lược 6 triệu thùng của chính quyền Mỹ. Việc mua vào dự kiến sẽ được thực hiện trong tháng 10 và 11 do trữ lượng dầu của Mỹ đang ở mức thấp nhất trong 40 năm sau mức giảm lịch sử 180 triệu thùng kể từ sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào cuối tháng 2/2023.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) dự kiến công bố các báo cáo thị trường vào cuối ngày 13/7. Theo đó, hai tổ chức này sẽ có đánh giá nhanh về thị trường dầu mỏ và nhiều khả năng giá dầu sẽ đi lên khi thị trường bị thắt chặt trong nửa cuối năm nay.

Dầu Brent toàn cầu đã đóng cửa ở mức trên 80 USD/thùng vào ngày 12/7, lần đầu tiên kể từ tháng 4/2023. Giá dầu hiện vẫn thấp hơn một chút so với năm ngoái, một phần do sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc vẫn mờ nhạt, nhưng Saudi Arabia và Nga, hai thành viên có sức nặng trong liên minh OPEC+, đã cam kết cắt giảm nguồn cung để hỗ trợ thị trường.

Đáng chú ý, dầu thô Urals của Nga đã phá vỡ mức giá trần do các nước G7 đặt ra và đây có thể xem là một chiến thắng kinh tế của Moscow.

Ông Vivek Dhar, Giám đốc nghiên cứu hàng hóa khoáng sản và năng lượng tại ngân hàng Commonwealth Bank of Australia, cho rằng giá dầu thô vẫn còn "một số dư địa để điều chỉnh với số dư cung dầu ngày càng eo hẹp trong khoảng thời gian còn lại của năm 2023". Ngân hàng này dự đoán giá dầu Brent trung bình sẽ đạt 85 USD/thùng vào quý IV/2023.

Thị trường toàn cầu thắt chặt

Mỹ dự đoán thị trường dầu mỏ toàn cầu sẽ thắt chặt trong năm nay và sự đảo ngược dự báo này là phù hợp với các ước tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế và OPEC.

Trong báo cáo tháng 7 của mình, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ lưu ý rằng tăng trưởng sản lượng của OPEC+ cũng như các liên minh bên ngoài bị giảm nhẹ sẽ khiến nguồn cung toàn cầu giảm còn 101,1 triệu thùng mỗi ngày và không đáp ứng được nhu cầu.

Mặt khác, kế hoạch kích thích kinh tế của Trung Quốc nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi sẽ thúc đẩy tiêu thụ dầu mỏ nhiều hơn một chút so với ước tính trước đây.

Cũng theo báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, tình trạng thiếu hụt nguồn cung sẽ dẫn đến việc tồn kho dầu toàn cầu đảo chiều từ mức tăng trong nửa đầu năm 2023 thành mức giảm trong năm 2024, từ đó gây áp lực lên giá dầu.

Mỹ dự kiến sẽ sản xuất ít dầu mỏ hơn so với dự tính, trong khi nhu cầu của nước này được cho là ổn định với việc sử dụng nhiều xăng và nhiên liệu máy bay hơn để bù cho sự sụt giảm tiêu thụ dầu diesel.

Nguồn: Báo Đầu tư