Nhật Bản tìm cách tăng doanh thu du lịch dịp cao điểm hè

JTB, công ty du lịch lớn nhất Nhật Bản, dự báo trong thời gian cao điểm du lịch hè từ 15/7 - 31/8 năm nay, sẽ có khoảng 72,5 triệu lượt khách du lịch nội địa tại Nhật, tăng 17% so với năm ngoái. Trong khi đó, du khách quốc tế ước đạt 1,2 triệu lượt, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Mùa du lịch nội địa của Nhật Bản dự kiến sẽ vừa bận rộn vừa đắt đỏ, với chi phí tăng khoảng 10% so với mức trước đại dịch, do lượng khách du lịch nước ngoài tăng lên thúc đẩy nhu cầu về khách sạn. Theo JTB, chi phí trung bình cho mỗi khách du lịch sẽ đạt 40.000 yên (277 USD) - mức cao nhất mọi thời đại kể từ khi dữ liệu bắt đầu được lưu giữ vào năm 1996 và tăng khoảng 10% kể từ năm 2019.

Các khách sạn Nhật Bản đang báo cáo số lượng đặt phòng tốt. Tại Seibu Prince Hotels Worldwide, lượng đặt phòng cho tất cả các cơ sở mang thương hiệu Prince Hotel trong tháng 7 và tháng 8 đã tăng khoảng 1,3 lần so với cùng kỳ năm 2018 về doanh thu phòng. Hoshino Resorts kỳ vọng lượng đặt phòng ở phần lớn các phòng nghỉ của họ sẽ ngang bằng với tỷ lệ lấp đầy từ 80% đến 90% được thấy vào năm 2019.

Với sự phục hồi của các chuyến đi nội địa và du lịch trong nước, chi phí đang tăng đột biến. Theo công ty Úc FCM Travel, giá phòng trung bình ở Tokyo là 294 USD, đắt nhất ở châu Á. Các điểm du lịch cũng đang tăng giá. Universal Studios Japan sẽ tăng giá vé một ngày dành cho người lớn có giá cao nhất từ 600 yên lên 10.400 yên vào giữa tháng 8. Công viên Hirakata của Osaka đang tăng giá vào cửa thêm 300 yên cho hầu hết du khách.

Mùa du lịch nội địa mùa hè của Nhật Bản dự kiến sẽ vừa bận rộn vừa đắt đỏ.

Mùa du lịch nội địa mùa hè của Nhật Bản dự kiến sẽ vừa bận rộn vừa đắt đỏ.

Chuẩn bị đón lượng du khách quốc tế tăng cao, Công ty đường sắt Seibu Railway đang lắp đặt các thiết bị có thể dịch lời nói lên màn hình tại các gian hàng hỗ trợ 12 ngôn ngữ. Đường sắt Đông Nhật Bản sẽ thuê thêm người phiên dịch cho nhân viên Ga Tokyo, Ga Shinjuku và Ga Sân bay Narita.

Để tăng tổng thu từ du lịch trong bối cảnh đồng Yên yếu đi từ giữa tháng 6, Chính phủ Nhật Bản vừa phê duyệt kế hoạch hành động thu hút khách nước ngoài với mục đích kinh doanh, nghiên cứu và các mục đích phi du lịch khác. Kế hoạch hành động của Nhật Bản bao gồm một loạt biện pháp nhằm tăng mức chi tiêu của khách nước ngoài, thay vì chỉ theo đuổi mục tiêu tăng số lượng du khách.

Tổng cộng có 78 biện pháp sẽ được thực hiện trong 3 lĩnh vực: kinh doanh; giáo dục, nghiên cứu; văn hóa, nghệ thuật, thể thao và thiên nhiên. Một trong số đó là đưa ra hệ thống cấp thị thực đặc biệt cho nhóm khách được gọi là "du mục kỹ thuật số", những người làm việc từ xa trong khi vẫn di chuyển khắp thế giới vào cuối năm tài chính 2023.

Động thái mới nhất là cắt giảm thủ tục hành chính cho phép du thuyền hoặc máy bay tư nhân được phép cập bến Nhật Bản để khuyến khích giới siêu giàu đến thăm nước này thường xuyên hơn. Theo Bộ Giao thông Nhật Bản, máy bay tư nhân đăng ký ở nước ngoài có thể gửi thông báo trong vòng 3 ngày trước khi hạ cánh, thay vì quy định 10 ngày trước đây. Bên cạnh đó, Chính phủ đã nới lỏng quy định kiểm soát tàu thuyền nước ngoài cập bến và các quy định hải quan, đồng thời cho phép thủy thủ đoàn lưu lại nước này trong thời gian dài hơn.

Trên khía cạnh văn hóa, trước đây, để được chứng kiến các trận đấu sumo không phải là chuyện dễ. Nhưng nay thì, khách du lịch nước ngoài hoàn toàn có thể nhìn thấy các võ sĩ sumo ở cự ly không thể gần hơn, đó là ngay trong một nhà hàng. Khách du lịch sẽ phải trả 11.000 yen (76 USD) để được thưởng thức món cốt lết tẩm bột và xem đấu vật tại các nhà hàng ở trung tâm thủ đô Tokyo. Các nhà hàng theo chủ đề là một phần của hệ sinh thái du lịch được Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida kỳ vọng sẽ góp 5.000 tỷ yên vào ngân sách quốc gia mỗi năm.

Các nhà hàng theo chủ đề là một phần của hệ sinh thái du lịch được kỳ vọng sẽ góp 5.000 tỷ yên vào ngân sách quốc gia mỗi năm.

Các nhà hàng theo chủ đề là một phần của hệ sinh thái du lịch được kỳ vọng sẽ góp 5.000 tỷ yên vào ngân sách quốc gia mỗi năm.

Ngoài ra, để “mời mọc” du khách tới Nhật, Japan Airlines (JAL) và công ty thương mại Sumitomo Corp đã triển khai dịch vụ chia sẻ quần áo “Any Wear, Anywhere”. Với sáng kiến này, “size vali” của mỗi một hành khách khi bay đến Nhật sẽ nhỏ hơn rất nhiều. Giờ đây, khách du lịch sẽ dễ dàng thuê trang phục trong chuyến đi với giá cả “phải chăng”.

Theo ước tính, chi phí thuê sẽ dao động ở mức từ 4.000 yên đến 7000 (khoảng 28 USD – 49 USD) và giá này sẽ tùy thuộc vào số lượng mặt hàng, trang phục, nhãn hiệu, v.v.. Mỗi khách hàng sẽ được thuê tối đa 8 bộ trang phục, sử dụng trong vòng 2 tuần với các size tùy chọn: lớn, nhỏ, vừa.

Theo đó, người dùng dịch vụ Any Wear, Anywhere chỉ cần gửi trước những thông tin bao gồm chi tiết chuyến bay, thời gian lưu trú, kích cỡ quần áo, kiểu dáng và màu sắc ưa thích. Khi đến Nhật Bản, du khách sẽ nhận quần áo tại nơi lưu trú do chính mình đề xuất. Trước mắt, dịch vụ cho thuê này sẽ chỉ có trên các chuyến bay của JAL cho đến tháng 8/2024. Sumitomo Corp cũng đang xem xét mở rộng dịch vụ cho các hãng hàng không khác trong liên minh Oneworld bao gồm Qatar Airways, Qantas, British Airways và Malaysia Airlines.

Hãng JAL cho rằng, việc cung cấp cho khách du lịch tùy chọn mang theo ít quần áo hơn không chỉ khuyến khích khách đến Nhật, mà còn sẽ giúp giảm trọng lượng hành lý của họ và do vậy giảm lượng khí thải nhà kính. Theo ước tính, cứ 1 kg hành lý giảm đi cho chuyến bay từ New York đến Tokyo sẽ giúp giảm 0,75kg khí thải carbon dioxide vì máy bay sẽ tiêu thụ ít nhiên liệu hơn. Trang phục được cho thuê có thể là hàng may mặc sản xuất dư thừa hoặc quần áo đã qua sử dụng. Đây là một nỗ lực giúp thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, giảm xả thải ra môi trường.

Với dịch vụ cho thuê quần áo, JAL hy vọng size vali của mỗi một hành khách khi  đến Nhật sẽ nhỏ hơn rất nhiều.

Với dịch vụ cho thuê quần áo, JAL hy vọng size vali của mỗi một hành khách khi  đến Nhật sẽ nhỏ hơn rất nhiều.

Theo trang Weforum.org, vào tháng 10/2022, Nhật Bản đã bắt đầu nới lỏng các hạn chế của đại dịch Covid-19 và mở cửa đón du khách quốc tế. Dữ liệu chính thức cho thấy số lượng du khách đến Nhật Bản đã tăng lên mức cao nhất sau đại dịch là gần 2 triệu vào tháng 4 vừa qua. Theo Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản, trong tháng 5 nước này đón 1,9 triệu lượt khách, con số này tương đương 70% so với mức cùng kỳ hồi năm 2019.

Theo Bloomberg Economics, mặc dù con số này vẫn còn cách xa mức trước đại dịch là gần 3 triệu lượt, nhưng việc du khách nước ngoài quay trở lại với sức chi tiêu lớn đã chiếm tới 1,1 điểm phần trăm trong mức tăng trưởng 1,6%/ năm của ba tháng đầu năm nay.

Du lịch đã trở thành một điểm tựa chính cho các kế hoạch tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản trong thập kỷ qua. Du khách mang lại nguồn thu cho các khu vực đang gặp khó khăn do thanh niên đang ồ ạt kéo đến các thành phố lớn. Cựu Thủ tướng Shinzo Abe đã đặt mục tiêu đến năm 2030 đạt 60 triệu lượt du khách nước ngoài, gấp ba lần so với năm 2015. Con số này đã đạt mức cao kỷ lục 32 triệu lượt vào năm 2019 nhưng vẫn thấp hơn nhiều mức 218 triệu lượt du khách đến Pháp trong cùng năm.

Nguồn: TBKTVN