Doanh nghiệp phải làm gì khi người tiêu dùng "thắt lưng buộc bụng"?

Ngày 17/4, PwC Việt Nam công bố kết quả khảo sát về thói quen tiêu dùng tại Việt Nam năm 2023. Báo cáo nêu rõ những sự thay đổi trong thói quen chi tiêu của người tiêu dùng Việt giữa cuộc khủng hoảng giá cả toàn cầu và lạm phát vẫn đang tiếp tục lan rộng nhiều quốc gia trên thế giới.

Trong báo cáo này, PwC đặc biệt nhấn mạnh sự thay đổi trong danh mục mua sắm, sự kết hợp giữa mua sắm trực tiếp và trực tuyến, cũng như sự tin tưởng của người tiêu dùng vào các sản phẩm mang tính bền vững.

NGƯỜI VIỆT CẮT GIẢM CHI TIÊU ÍT HƠN TRONG KHU VỰC VÀ THẾ GIỚI
Một số thông tin đáng chú ý từ báo cáo về người tiêu dùng tại Việt Nam do PwC Việt Nam có thể kể đến như 62% người tiêu dùng sẽ cắt giảm những khoản chi tiêu không thiết yếu, thấp hơn con số 69% của toàn cầu.

Theo PwC, Việt Nam có tỷ lệ người tiêu dùng thực hiện cắt giảm chi tiêu không thiết yếu thấp hơn so với khu vực Đông Nam Á và bình diện toàn cầu. Bên cạnh đó, tỷ lệ người tiêu dùng Việt Nam “ít lo lắng về tình hình tài chính cá nhân” là 25%. Con số này cao hơn so với trong bình diện toàn cầu và Đông Nam Á lần lượt là 14% và 13%.

Tuy nhiên, nhìn chung là vẫn đang có sự "thắt chặt chi tiêu” của người tiêu dùng, đặc biệt là đối với các mặt hàng không thiết yếu.

62% người tiêu dùng sẽ cắt giảm những khoản chi tiêu không thiết yếu.

62% người tiêu dùng sẽ cắt giảm những khoản chi tiêu không thiết yếu.

Cũng theo khảo sát của PwC Việt Nam, 54% người tiêu dùng dự kiến sẽ tiêu ít hơn vào các mặt hàng xa xỉ, kế đến là du lịch (42%) và mua sắm hàng điện tử (38%) do quan ngại về giá cả gia tăng.

Kết quả cũng cho thấy có sự cắt giảm trong nhu cầu tiêu dùng đối với một số danh mục sản phẩm nói chung và có thể cũng sẽ có sự thay đổi về nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng trong cùng một danh mục như: ưu tiên sản phẩm có khối lượng, ưu đãi lớn hơn để có lợi hơn.

Mặt hàng xa xỉ, du lịch và mua sắm hàng điện tử sẽ là các mặt hàng người tiêu dùng lựa chọn cắt giảm đầu tiên.

Mặt hàng xa xỉ, du lịch và mua sắm hàng điện tử sẽ là các mặt hàng người tiêu dùng lựa chọn cắt giảm đầu tiên.

Cũng trong báo cáo này, 96% sẵn lòng chi trả ở mức giá cao hơn để mua sản phẩm từ các công ty có đạo đức kinh doanh và các sản phẩm mang tính bền vững.

"Điều này đòi hỏi doanh nghiệp cần có sự tái cơ cấu danh mục sản phẩm bằng cách tự phát triển hoặc thông qua các hoạt động sáp nhập và mua lại. Đây là yếu tố quan trọng để tăng giá thành nhằm bù đắp cho sự gia tăng chi phí và giảm biên lợi nhuận", PwC nhìn nhận.

Cũng theo PwC, 64% người tiêu dùng sẽ mua sắm trực tuyến nhiều hơn nhưng vẫn ưu tiên mua sắm trực tiếp để đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, việc mua sắm trực tiếp vẫn được đánh giá cao nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm.

DOANH NGHIỆP THÍCH ỨNG RA SAO KHI NGƯỜI TIÊU DÙNG THAY ĐỔI?
Dựa vào các số liệu trên, chuyên gia của Công ty Tư vấn PwC Đông Nam Á, ông Rakesh Mani, Lãnh đạo Thị trường Tiêu dùng Đông Nam Á, cho rằng các doanh nghiệp cần có tầm nhìn sáng suốt để nhận biết sự khác biệt trên thị trường, đồng thời hiểu rõ nhu cầu mua hàng, các kênh mua sắm và các thông số khác như thực tế chuỗi cung ứng.

Để thích ứng với xu hướng mới, PwC Việt Nam cũng đưa ra 6 khuyến nghị với doanh nghiệp Việt.

Cụ thể, thứ nhất, chiến lược tạo khác biệt.

PwC khuyến nghị doanh nghiệp tập trung phát triển danh mục sản phẩm và các tính năng phù hợp nhằm đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Đồng thời, chuyển dịch từ trạng thái "ứng phó" trong thời kỳ Covid sang trạng thái "dẫn đầu" đề tạo tiền đề cho sự khác biệt lớn hơn.

Thứ hai, chú trọng các yếu tố ESG về môi trường, xã hội và quản trị.

Theo đó, doanh nghiệp cần tận dụng công nghệ trong việc thu thập, báo cáo và truyền thông về tính bền vững cũng như đề cao tính chân thật và minh bạch trong kinh doanh để mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.

Thứ ba, tiếp cận khách hàng dựa trên dữ liệu.

"Chuyển hướng tập trung từ "khách hàng” sang "người tiêu dùng”; thiết lập các đặc quyền truy cập thông tin cho người tiêu dùng. Cùng với đó, có cái nhìn sâu sắc hơn về hành vi tiêu dùng tại mỗi thời điểm khác nhau đề mang đến các thông điệp và ưu đãi có hiệu quả thông qua chiến lược tiếp thị dựa trên dữ liệu", PwC gợi ý.

Thứ tư, chuỗi cung ứng tương lai.

PwC cũng cho rằng doanh nghiệp nên đầu tư vào việc dự báo các kết quả và khả năng tác động trong bối cảnh biến động đa kênh. Qua đó, có thể đưa ra các quyết định kịp thời nhằm đạt được lợi thế. Cụ thể như đưa ra các quyết định rõ ràng trong việc đổi mới, phân loại và thiết lập lộ trình tiếp cận thị trường dựa trên chiến lược tạo khác biệt.

Thứ năm, khuyến khích sự đổi mới.

Doanh nghiệp cần xác định những kỹ năng cần thiết để mang lại trải nghiệm tốt cho khách hàng. Qua đó, tổ chức các khóa đào tạo nâng cao kỹ năng cho các phòng ban; khuyến khích sự đổi mới trong cách thức làm việc nhằm phá vỡ các rào cản trong việc ra quyết định và hệ thống hóa sự thay đổi một cách cấp tốc.

Thứ sáu, chuyển đổi số để giảm chi phí.

"Đầu tư năng lực số để thấu hiểu nhu cầu khách hàng, vận dụng trong quản lý hàng tồn kho nhằm mang lại hiệu quả cao hơn và khả năng phục hồi trước sự biến động", PwC gợi ý.

Cùng với đó, doanh nghiệp có thể đón đầu các xu hướng và dự trù chi phí từ các mô hình kinh doanh mới như: cá nhân hóa tiêu dùng bằng việc quản trị hệ thống dữ liệu hiệu quả…

Nguồn: TBKTVN