Xuất khẩu đang dần lấy lại đà tăng trưởng

Chiều 13/4/2023, Tổng cục Hải quan công bố số liệu xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong nửa cuối tháng 3/2023 (từ ngày 16/3 đến ngày 31/3/2023).

Theo đó, trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 3/2023 đạt 30,79 tỷ USD, tăng 13,3% (tương ứng tăng 3,62 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 3/2023. 

Kết quả đạt được trong nửa cuối tháng 3/2023 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước trong quý 1/2023 đạt 153,79 tỷ USD, giảm 13,5% (tương ứng giảm 24,1 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 107,76 tỷ USD, giảm 13,2% (tương ứng giảm 16,3 tỷ USD); trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước đạt 46,04 tỷ USD, giảm 14,4% (tương ứng giảm 7,78 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.  

Cụ thể, về xuất khẩu, trong kỳ 2 tháng 3/2023 đạt 16,38 tỷ USD, tăng 22,8% (tương ứng tăng 3,05 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 1 tháng 3/2023.

Một số nhóm hàng có trị giá xuất khẩu kỳ 2 tăng so với kỳ 1 là điện thoại các loại và linh kiện tăng 715 triệu USD (tương ứng tăng 40,8%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 442 triệu USD (tương ứng tăng 19,9%); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác tăng 432 triệu USD (tương ứng tăng 27,5%); sắt thép các loại tăng 274 triệu USD (tương ứng tăng 131,7%); giày dép các loại tăng 157 triệu USD (tương ứng tăng 22,2%)...

 Trị giá xuất khẩu của một số nhóm hàng lớn kỳ 2 tháng 3/2023so với kỳ 1 tháng 3/2023. Nguồn: Tổng cục Hải quan.

 Trị giá xuất khẩu của một số nhóm hàng lớn kỳ 2 tháng 3/2023
so với kỳ 1 tháng 3/2023. Nguồn: Tổng cục Hải quan.

Như vậy, tính trong quý 1/2023, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 79,3 tỷ USD, giảm 11,8%, tương ứng giảm 10,58 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ 2 tháng 3/2023 đạt 12,02 tỷ USD, tăng 23,3% tương ứng tăng 2,27 tỷ USD so với kỳ 1 của tháng, qua đó nâng tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa trong quý 1/2023 của nhóm các doanh nghiệp này lên 59,06 tỷ USD, giảm 10,6% (tương ứng giảm 7,03 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, chiếm 74,5% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.

Từ chiều ngược lại, trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 3/2023 đạt 14,4 tỷ USD, tăng 4,2% (tương ứng tăng 576 triệu USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 3/2023.

Một số nhóm hàng có trị giá nhập khẩu trong kỳ 2 tăng so với kỳ 1, gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 300 triệu USD (tương ứng tăng 9,3%); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng 145 triệu USD (tương ứng tăng 8,5%); hạt điều tăng 82 triệu USD (tương ứng tăng 51,7%)...

Trị giá nhập khẩu của một số nhóm hàng lớn kỳ 2 tháng 3/2023 so với kỳ 1 tháng 3/2023.Nguồn: Tổng cục Hải quan.

Trị giá nhập khẩu của một số nhóm hàng lớn kỳ 2 tháng 3/2023
so với kỳ 1 tháng 3/2023.Nguồn: Tổng cục Hải quan.

Như vậy, tính trong quý 1/2023, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 74,49 tỷ USD, giảm 15,4% (tương ứng giảm 13,52 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022.

Trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ 2 đạt 9,06 tỷ USD, tăng 4% (tương ứng tăng 346 triệu USD) so với kỳ 1. Tính trong quý 1/2023, tổng trị giá nhập khẩu của nhóm các doanh nghiệp FDI đạt 48,7 tỷ USD, giảm 16% (tương ứng giảm 9,29 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, chiếm 65,4% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.

Với kết quả trên, trong kỳ 2 tháng 3/2023, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 1,98 tỷ USD. Tính chung quý 1/2023, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 4,81 tỷ USD.

Mặc dù, hoạt động xuất khẩu đang cho thấy những tín hiệu tích cực, song trên thực tế vẫn còn không ít khó khăn. Tại hội nghị: “Giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài” do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết tình hình quốc tế thời gian tới được dự báo vẫn còn diễn biến phức tạp. Các nước phát triển ngày càng quan tâm đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu và dựng lên những tiêu chuẩn mới, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu sạch, lao động, môi trường đối với các sản phẩm nhập khẩu.

Bên cạnh đó, một số quốc gia dự định áp đặt thêm các quy định cho hàng hóa nhập khẩu như thu phí cacbon, yêu cầu về hàm lượng tái chế đối với hàng nhập khẩu…; Các chính sách kinh tế của một số quốc gia tiếp tục có tác động không nhỏ đến các quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực như điện tử, dệt may, da giày, đồ gỗ trong thời gian tới…

Với thị trường cụ thể, bà Trần Thu Quỳnh – Tham tán thương mại Việt Nam tại Canada, cho biết trong quý 1/2023 xuất khẩu của Việt Nam sang Canada vẫn tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, là nước có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao nhất trong ASEAN sang Canada. Nhóm 10 mặt hàng chủ chốt của Việt Nam sang Canada vẫn giữ tốc độ tăng trưởng cao, trừ mặt hàng thuỷ sản giảm 26%. Da giày ghi nhận tốc độ tăng trưởng tới 122% so với cùng kỳ năm 2022. Các mặt hàng nông sản cũng có tốc độ tăng trưởng tốt, ở cả nhóm rau củ quả, gia vị và gạo. Gỗ nội thất cũng có xu hướng phục hồi so với 2022.

Tuy nhiên, theo bà Trần Thu Quỳnh, triển vọng xuất khẩu của Việt Nam sang Canada có thể bị tác động bởi nhiều khó khăn cả khách quan và chủ quan. Canada tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, vì vậy, có nhiều đối thủ cạnh tranh có cùng mặt hàng và lợi thế về thuế quan nên hàng hoá Việt Nam dễ bị thay thế kể cả khi đã vào được thị trường. Phong trào “Mua tại địa phương - Buy local” để giảm dấu chân carbon trong tiêu dùng được ủng hộ mạnh ở Canada cũng đang trở thành một hình thức gia tăng bảo hộ mới.

Trước những dự báo khó khăn về thị trường, với vai trò quản lý về xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đang triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, ngành hàng mở rộng và đa dạng hoá thị trường xuất khẩu; hướng đến các thị trường còn tiềm năng như Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ La tinh, Đông Âu… Tạo thuận lợi hoá, tăng cường chuyển đổi số trong công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ C/O ưu đãi, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do.

Nguồn: TBKTVN