Doanh nghiệp sản xuất phía Nam gặp khó vì không tuyển được lao động

Đơn hàng phục hồi, tăng tuyển dụng

Theo số liệu từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Long An, dự báo cả năm 2024, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khoảng 19.500 vị trí việc làm.

Các doanh nghiệp sản xuất phía Nam đang khó tuyển dụng người lao động. 

Qua cập nhật nhu cầu tuyển dụng lao động hàng tuần và báo cáo của Trung tâm Dịch vụ việc làm Long An, lũy kế từ đầu năm 2024 đến nay, có 49 lượt doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng với 3.850 vị trí việc làm, tập trung chủ yếu ở các khu, cụm công nghiệp và các doanh nghiệp ở TP. Tân An và các huyện Bến Lức, Đức Hòa, Cần Đước, Cần Giuộc, Thủ Thừa. 

Đáng chú ý là một số công ty đơn hàng dồi dào trở lại và tăng tuyển dụng như Công ty TNHH Din Sen Việt Nam, hiện có hơn 2.670 lao động và cần tuyển thêm 500 nhân công phục vụ cho đơn hàng các tháng còn lại của năm.

Hay theo thống kê, qua 6 tháng đầu năm, tỉnh Bình Dương có nhu cầu tuyển dụng lao động hơn 30.000 người, tăng so với cùng kỳ năm 2023. Một số doanh nghiệp lớn đang đầu tư tại Bình Dương cần số lượng lớn lao động như: Tập đoàn Lego cần 5.000 người, Công ty TNHH Timberland cần tuyển 3.000 lao động, Công ty TNHH Chí Hùng cần tuyển 3.000 lao động…

Còn theo thống kê của Sở Lao động thương binh và Xã hội Đồng Nai, đến nay, trên địa bàn có hơn 2.000 doanh nghiệp đăng ký tuyển lao động với nhu cầu trên 70.000 lao động

Theo đó, một số doanh nghiệp có lượng đơn hàng tăng mạnh đang cần nhiều lao dộng như Công ty cổ phần TKG Taekwang Vina (KCN Biên Hòa 2, TP.Biên Hòa) tuyển 1.000 công nhân; Công ty TNHH Fashion Garments 2 cần tuyển 500 công nhân; Công ty TNHH Vision International chuyên sản xuất gậy đánh golf cũng tuyển dụng 1.000 công nhân. Hay Công ty Elite Long Thành (KCN Lộc An - Bình Sơn, huyện Long Thành) đang có nhu cầu tuyển gấp 1.500 công nhân.

Không chỉ Long An, Bình Dương, Đồng Nai, mà doanh nghiệp TP.HCM cũng đang rất “khát” lao động. Theo bà Nguyễn Hoàng Hiếu, Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM (Falmi), trong 6 tháng cuối năm, các doanh nghiệp ở TP.HCM cần tuyển mới 153.500 - 161.500 lao động.

Cụ thể, các doanh nghiệp nhóm ngành thương mại - dịch vụ cần tuyển nhiều lao động nhất, từ hơn 102.000 - 108.000 người, chiếm gần 67% tổng nhu cầu nhân lực toàn thành phố. Khu vực công nghiệp - xây dựng cần từ 50.700 - 53.300 chỗ làm việc, chiếm hơn 33%. Tỷ lệ này ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 0,08%, tương đương 123-129 vị trí.

Nhiều công ty cung cấp dịch vụ lao động ghi nhận nhu cầu tuyển dụng tăng. Đơn cử, số liệu của Adecco Việt Nam cho thấy nhu cầu tuyển dụng nhân sự tăng trong các lĩnh vực bán hàng và tiếp thị cho ngành công nghiệp, cũng như nhân sự là chuyên gia trong ngành sản xuất và cung ứng. Nhiều lĩnh vực như sản xuất và xuất khẩu có nhu cầu tuyển dụng tăng nhẹ ở mức 5% so với cùng kỳ.

Hay dữ liệu của Việc làm tốt cũng cho thấy số lượng tin đăng tuyển dụng của quý II/2024 tăng trưởng 30% so với quý I. Nhu cầu tuyển dụng tăng mạnh nhất ở các lĩnh vực như bán hàng, nhân viên kho vận, nhân viên văn phòng với lượng tin đăng tăng hơn 40%, nhân viên kinh doanh và tạp vụ tăng 30%, công nhân tăng 24% và nhân viên giao hàng, kho vận tăng 15%.

Doanh nghiệp vẫn khó tìm lao động

Dù tình hình đơn hàng khả quan, tuy nhiên, thế khó của doanh nghiệp là việc “đỏ mắt” vẫn không tìm đủ nguồn lao động để cung ứng.

Khảo sát của Falmi cũng chỉ ra nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động. Trong 654 doanh nghiệp được hỏi có 154 doanh nghiệp, tỷ lệ gần 24% trả lời khó kiếm người, tập trung ở nhóm ngành bán buôn và bán lẻ, công nghiệp chế biến chế tạo, hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ... 

Chia sẻ với Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn, một chuyên viên nhiều năm kinh nghiệm ở mảng tuyển dụng nhân sự tại nhiều khu công nghiệp trên địa bàn Bình Dương cho biết, nguyên nhân khiến doanh nghiệp khó tuyển dụng như hiện nay một phần do chi phí cuộc sống như tiền thuê nhà, sinh hoạt, con cái học tập… liên tục tăng, nhưng thu nhập lại không đáp ứng được mức sống tối thiểu.

Đó cũng là lý do xảy ra thực trạng hiện nay ở Bình Dương, trong 6 tháng 2024, doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng trên 54.000 vị trí việc làm, nhưng mới chỉ có hơn 18.000 người nhận được việc.

“Một số khu công nghiệp trên địa bàn này, lao động thời vụ được trả tầm 30.000 đồng/tiếng. Thu nhập trung bình của người lao động chỉ trên dưới 7 triệu đồng/tháng là rất khó xoay sở cho mức sống hiện nay. Điều này khiến nhiều công nhân lựa chọn về quê làm việc hoặc làm các ngành nghề tự do khác”, chuyên viên tuyển dụng chia sẻ.

Theo Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Đồng Nai, bà Trần Thị Thùy Trâm nhìn nhận, một nguyên nhân khác khiến doanh nghiệp hiện nay khó tuyển dụng được lao động là sự không phù hợp giữa nhu cầu việc làm và nguồn nhân lực đang thất nghiệp. Điều này được hiểu là, vẫn có lượng lớn người thất nghiệp, trong khi có nhiều vị trí việc làm trống, do không phù hợp về kỹ năng hoặc địa điểm làm việc mong muốn, dẫn đến công tác tư vấn, kết nối giữa người lao động, doanh nghiệp chưa đạt hiệu quả cao.

Minh chứng là tại sàn việc làm lần thứ 7 năm 2024 của Trung tâm Dịch vụ Việc làm Đồng Nai, trong khi nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp là hơn 3.500 lao động, nhưng chỉ có 400 lao động tham gia tìm hiểu thông tin việc làm.

Tương tự, khảo sát của Falmi cũng chỉ rõ, phần lớn doanh nghiệp hiện có xu hướng sử dụng lao động đã qua đào tạo, trình độ chuyên môn cao. Tuy nhiên, mức độ yêu cầu của doanh nghiệp và mức độ đáp ứng của người lao động vẫn có độ chênh lệch đáng kể. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến lượng người thất nghiệp vẫn ở mức cao nhưng doanh nghiệp lại “khát” nhân sự.

Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Văn Thị Hiền, Trưởng nhóm tuyển dụng Công ty Elite Long Thành cho biết, do nhu cầu mở rộng sản xuất, công ty cần tuyển thêm 1.500 lao động. Công ty đã đưa ra rất nhiều chính sách, đãi ngộ cao nhằm sớm bổ sung nguồn nhân lực những vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

"Sau thời gian khó khăn, hầu hết các doanh nghiệp đã phục hồi, cần tuyển dụng lượng lớn lao động để đảm bảo đơn hàng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho nguồn lao động khan hiếm lại càng khan hiếm hơn", bà Hiền nói.

Nhìn chung mức tăng lương tại một số doanh nghiệp vẫn không đủ để bù đắp các chi phí gia tăng. Hơn nữa, phần lớn lao động tự do không có tay nghề chỉ được doanh nghiệp thuê theo thời vụ, lúc cần thì tuyển, không cần thì sa thải. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp khó tuyển dụng cả lao động không có tay nghề và lao động có tay nghề. 

Bà Lương Tú Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Nodex Asia cho rằng, một nguyên nhân lớn mà các doanh nghiệp hiện không tuyển được lao động đó là những năm 2020, khi Covid-19 bùng nổ, người lao động mất việc làm đã bỏ về quê ở các tỉnh phía Bắc, miền Trung và cả miền Tây.

Sau đó, lượng người lao động này không trở lại các tỉnh phía Nam để làm việc, thay vào đó chọn làm việc tại các khu công nghiệp trong tỉnh để làm. Họ lựa chọn mức lương thấp đi, nhưng đổi lại tính an toàn trong công việc và cuộc sống. 

Nhằm hút lao động, nhiều doanh nghiệp đã đưa ra chế độ đãi ngộ tốt như tại Tổng công ty Cao su Đồng Nai, để giải quyết thiếu hụt lượng lớn lao động cạo mủ cao su công ty đã đưa ra phương án kêu gọi lao động từ các địa phương khác, chủ yếu là tỉnh Hà Giang và Lào Cai vào Đồng Nai làm việc. Tổng công ty bố trí xe ra tận nơi đón vào và lo chỗ ở ổn định.

Còn theo đại diện phòng nhân sự Công ty TNHH Elite Long Thành, dù đưa ra nhiều đãi ngộ và bố trí xe đưa rước công nhân ở xa đi làm nhưng vẫn chưa tuyển đủ lao động. Vì vậy hàng tháng, doanh nghiệp này đều tham gia sàn giao dịch việc làm của tỉnh để tuyển lao động.

Không chỉ ưu tiên cho những lao động có tay nghề, lao động phổ thông cũng được doanh nghiệp tìm kiếm để để đào tạo, đáp ứng công việc nhất là khi thị trường dần hồi phục, lượng đơn hàng xuất khẩu dần tăng trở lại.

Nguồn: TBKTVN