Quay lại

Du lịch thể thao và âm nhạc, nền kinh tế "nghìn tỷ USD"

Theo nghiên cứu mới của công ty Collinson International, ngành du lịch thể thao và âm nhạc đang tăng trưởng với tốc độ nhanh chưa từng thấy và được dự báo sẽ đạt quy mô 1,5 nghìn tỷ USD vào năm 2032.

Trong đó, ngành du lịch thể thao chiếm phần lớn con số đó. Quy mô ngành này đạt 564,7 tỷ USD vào năm 2023 và được dự báo tăng vọt lên 1,33 nghìn tỷ USD trong vòng 8 năm tới. Trong khi đó, ngành du lịch âm nhạc được dự báo tăng thêm 13,8 tỷ USD, gấp hơn hai lần so với quy mô 6,6 tỷ USD hiện tại.

XU HƯỚNG ĐỀ CAO TRẢI NGHIỆM

Trong báo cáo nghiên cứu này, Collinson định nghĩa du khách thể thao hoặc âm nhạc là những người bay tới một quốc gia hoặc một địa điểm bên trong đất nước mình để tham dự một sự kiện thể thao hoặc âm nhạc.

Trong số 8.537 du khách từ 17 quốc gia được khảo sát, hơn 83% cho biết đã di chuyển bằng máy bay để tham dự một sự kiện thể thao trong vòng 3 năm qua và có kế hoạch tương tự trong 12 tháng tới. Tỷ lệ này ở người tham dự sự kiện âm nhạc là 71%.

Collinson đã sử dụng các kết quả này để tính toán sự phát triển của ngành du lịch này cũng như dự báo xu hướng tương lai.

“Mọi người đang có xu hướng đề cao giá trị của trải nghiệm hơn là vật chất”, ông Christopher Ross, chủ tịch Collinson International khu vực Châu Âu, Trung Đông và Châu Phi, nhận xét. “Nếu bạn dự định đến một sự kiện thể thao hoặc âm nhạc, trải nghiệm không chỉ bắt đầu khi bạn bước vào sân vận động. Trải nghiệm còn đến từ quá trình lên kế hoạch, từ chính việc đi lại cũng như cảm xúc phấn khích”.

Khoảng 83% những người du lịch để tham dự sự kiện là tới các trận bóng đá, bóng rổ, Thế vận hội, cuộc đua Công thức 1 (F1) hay các giải đấu quần vợt. Đây là 5 sự kiện thể thao phổ biến nhất, được sắp xếp theo thứ tự giảm dần. Trong đó, bóng đá thu hút 69% du khách tham dự kiện thể thao trong khảo sát của Collinson. Những người này đã từng di chuyển bằng máy bay để tới một trận đấu bóng đá gần đây hoặc có kế hoạch làm vậy trong năm tới. Trong số này gồm nhiều cổ động viên tới Qatar theo dõi giải vô địch FIFA World Cup năm 2022.

Các giải đua F1 đang ngày càng phổ biến với người trẻ. Ảnh: Getty Images

Các giải đua F1 đang ngày càng phổ biến với người trẻ. Ảnh: Getty Images

Trong khi đó, các giải đua F1 đang ngày càng phổ biến với người trẻ, kể từ khi Netflix Inc. công chiếu loạt phim tài liệu "Formula 1: Drive to Survive" vào năm 2019. 30% người tham gia khảo sát của Collinson nói rằng họ đã du lịch để xem một giải đua F1 gần đây hoặc có kế hoạch trong năm tới. Năm 2023, các trận đua F1 vào cuối tuần thu hút bình quan hơn 270.000 cổ động viên trực tiếp, tăng từ 195.000 người vào năm 2019.

Không chỉ số lượng cổ động viên tăng lên, giá vé của các sự kiện thể thao cũn có xu hướng tăng lên. Vé xem các trận đua xe ở Anh vào mùa hè này đã tăng lên 600 bảng Anh (765 USD) cho chỗ ngồi chính diện trong nhà, trong khi vé hạng phổ thông là 400 bảng Anh/người, tăng từ khoảng 300 bảng Anh 2 năm trước.

NGUỒN THU LỚN CHO NHỮNG NƠI TỔ CHỨC SỰ KIỆN

Theo ông Ross, vé vào cửa chỉ là một phần của nền kinh tế du lịch thể thao bởi du khác còn chi tiền để thuê phòng khách sạn, ăn uống, đi lại, mua sắm…

Dữ liệu của Collinson cho thấy 77% du khách ở lại 1-2 ngày trước khi sự kiện âm nhạc hoặc thể thao bắt đầu và 80% ở lại thêm 1-3 ngày sau đó. Du khách thể thao là những người chi tiêu nhiều nhất với 51% có mức chi tiêu trên 500 USD/chuyến du lịch, bao gồm cả vé máy bay.

Những du khách này mang lại nguồn doanh thu lớn cho nơi tổ chức. Đơn cử, thành phố Las Vegas, nơi tổ chức giải đua F1 Grand Prix vào tháng 11/2023, thu về 1,5 tỷ USD, nhiều hơn 50% so với giải bóng bầu dục nhà nghề Super Bowl 3 tháng sau đó.

Theo ông Ross, người hâm mộ F1 chủ yếu là người trẻ và cũng là những người có khả năng chi tiêu nhiều nhất cho chuyến du lịch thể thao của mình.

“Bạn sẽ nghĩ rằng họ có thu nhập khả dụng ít hơn so với nhóm người lớn tuổi hơn nhưng thực tế họ là nhóm chịu chi”, ông Ross nhận xét.

Sự kiện thể thao lớn trên thế giới gần đây là Thế vận hội mùa hè Paris. Dù thu hút ít khách du lịch hơn dự báo nhưng sự kiện này vẫn khiến lượng đơn đặt phòng trên ứng dụng Airbnb tăng 133% so với cùng kỳ năm trước. Du khách quốc tế được dự báo chi khoảng 5.000 USD cho phòng khách sạn, vé máy bay và vé tham gia sự kiện thể thao.

Theo Collinson, người hâm mộ thể thao cũng thường chịu chi cho các dịch vụ ở sân bay. Hơn 50% người hâm mộ thể thao được khảo sát cho biết chi tiêu từ 500 USD trở lên riêng tại sân bay. Trong đó, nhóm 25-34 tuổi chi tiêu nhiều nhất, với 30% tiêu trên 1.000 USD khi chờ lên máy bay.

Với các sự kiện âm nhạc, Collinson cho biết các sự kiện lớn thúc đẩy du lịch mạnh mẽ gần đây gồm có Rock in Rio, Coachella và  “The Eras Tour” của nữ ca sĩ Taylor Swift.

Riêng tour lưu diễn của ca sĩ Taylor Swift mang lại hiệu ứng chưa từng thấy khi giúp doanh thu vé máy bay tới các điểm đến như Milan và Munich vào các ngày diễn ra chương trình tăng tới 45% so với cùng kỳ năm trước – theo hãng hàng không United Airlines. Tour diễn đi qua Paris với 4 đêm diễn đã giúp lượng đơn đặt phòng tại các khách sạn ở thành phố này tăng mạnh hơn cả Thế vận hội.

Taylor Swift biểu diễn tại Munich, Đức trong The Eras Tour. Ảnh: Getty Images

Taylor Swift biểu diễn tại Munich, Đức trong The Eras Tour. Ảnh: Getty Images

“The Eras Tour” là chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới lần thứ 6 của nữ ca sĩ. Bắt đầu từ tháng 3/2023, “The Eras Tour” đã gây sốt ở khắp các khu vực Bắc-Nam Mỹ, châu Á, Châu Âu và dự kiến kết thúc tại Vancouver (Canada) vào tháng 12 tới. Các thành phố nơi tour lưu diễn đi qua đều thu hút lượng du khách khổng lồ, chủ yếu là người hâm mộ của Taylor Swift.

Nguồn: TBKTVN