Du lịch Trung Quốc đạt đỉnh trong dịp Tết Nguyên đán

Du lịch Trung Quốc đang chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ ở cả thị trường trong và ngoài nước, với lượng khách đến một số địa điểm lớn đạt đỉnh trong 6 ngày, từ 21 đến 26/1 (tức 30 đến mùng 5 Tết). Các điểm du lịch nổi tiếng từ Bắc đến Nam như Cáp Nhĩ Tân hay Tam Á đều chật kín du khách.

Tết Nguyên đán kéo dài bảy ngày, là ngày lễ lớn đầu tiên kể từ khi Trung Quốc chấm dứt các hạn chế về Covid-19. Trong nước, lượng đặt phòng tại nhà nghỉ chỉ phục vụ bữa sáng đã tăng hơn gấp đôi so với một năm trước, trong khi doanh số bán vé cho các điểm tham quan tăng hơn năm lần, theo dữ liệu trong bốn ngày đầu tiên của Tết Nguyên đán của Trip.com.

Trang web đặt phòng này cho tờ CNBC biết, trong bốn ngày đầu của kỳ nghỉ Tết, lượng đặt phòng khách sạn và các hoạt động du lịch khác đã vượt quá mức được thấy trong cùng kỳ năm 2019, thời điểm trước đại dịch. Trip.com cũng cho biết lượng đặt vé máy bay đi đến các điểm du lịch ở nước ngoài trong 4 ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ đã tăng gấp 4 lần so với một năm trước, trong khi lượng đặt phòng khách sạn tăng gấp đôi.

Các điểm du lịch nổi tiếng từ Bắc đến Nam như Cáp Nhĩ Tân hay Tam Á đều chật kín du khách.

Các điểm du lịch nổi tiếng từ Bắc đến Nam như Cáp Nhĩ Tân hay Tam Á đều chật kín du khách.

Fliggy - chi nhánh du lịch của công ty Alibaba ngày 26/1 cho biết, lượng đặt phòng khách sạn ở Trung Quốc qua hãng này đã vượt quá con số so với cùng kỳ năm 2019. Các đơn đặt hàng du lịch đường dài trong nước tăng hơn 500% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi số lượng đặt sản phẩm du lịch nước ngoài đến 33 quốc gia và khu vực tăng gấp đôi trong 4 ngày đầu tiên của Tết Nguyên đán.

Còn theo dữ liệu của công ty du lịch trực tuyến Tongcheng Travel, trong ba ngày đầu tiên của kỳ nghỉ Tết, lượng khách đặt phòng và vé danh thắng tăng lần lượt 56% và 79% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc, lượng đặt vé máy bay nội địa tăng 30%. Các chuyến đi du lịch bằng đường sắt, đường bộ, đường thủy và hàng không đạt mức 23,53 triệu lượt trong riêng ngày mùng 1 Tết, tăng gần 68% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc, 10.739 điểm du lịch hạng A mở cửa bình thường trong dịp Tết Nguyên đán, chiếm 73,5% tổng số điểm du lịch hạng A trên toàn Trung Quốc.

Lượng khách đến các điểm du lịch như Trương Gia Giới (tỉnh Hồ Nam) gia tăng đột biến. Tính riêng ngày mùng 3, các danh thắng trong khu vực này như Vũ Lăng Nguyên đón hơn 40.000 người, tăng 10 lần so với năm ngoái. Gần 35.000 khách đến Thiên Môn Sơn, tăng gần 5 lần và khu cầu kính Zhangjiajie Grand Canyon hút gần 14.000 nghìn lượt, tăng hơn 5 lần, theo số liệu từ Văn phòng Du lịch tỉnh.

Núi Hoàng Sơn, tỉnh An Huy một ngày nơi đây đón hơn 35.000 du khách dịp Tết, gần bằng so với năm trước khi xảy ra đại dịch. Loại hình du lịch băng tuyết năm nay được khai thác triệt để khắp các tỉnh miền Bắc để đáp ứng nhu cầu đi chơi tăng mạnh sau 3 năm bị hạn chế đi lại vì dịch bệnh. "Khách Tết rất đông, lượng khách du lịch tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Những người làm tuyết và máy thổi khí lạnh đã hoạt động hết công suất trong hơn một tháng", chị Lý Tiêu Sảng, nhân viên Công viên băng tuyết thành phố Thiên Tân, Trung Quốc, cho biết.

Theo Global Time, trước sự bùng nổ của khách du lịch, nhiều điểm tham quan đã ban hành các hạn chế tạm thời nhằm giới hạn lượng người đổ về cùng một thời điểm. Vườn Phù Dung ở Tây An, Thiểm Tây đã phải giới hạn lượng khách ghé thăm, sau khi số vé bán ra vượt 20.000. Danh thắng núi Nga Mi, tỉnh Tứ Xuyên cho biết hôm mùng 3 Tết đã dừng bán vé sau khi đạt đỉnh về lượng khách, phục vụ hết công suất. Những khách ghé thăm sau đó phải mua vé trước một ngày.

Bên cạnh du lịch trong nước, nhu cầu du lịch nước ngoài của người dân Trung Quốc cũng tăng mạnh. Dữ liệu của Tongcheng Travel cho thấy, các lượt tìm kiếm du lịch nước ngoài trên nền tảng này đã tăng 224% so với tháng trước kể từ khi Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc ra thông báo về việc thí điểm nối lại du lịch nước ngoài theo đoàn từ ngày 6/2. Các điểm đến phổ biến nhất bên ngoài Trung Quốc đại lục được du khách nước này tìm đặt vé máy bay gồm Hồng Kông và Macao của Trung Quốc và một số thành phố của các quốc gia Đông Nam Á như Phnom Penh, Bangkok và Kuala Lumpur.

Nhiều điểm tham quan đã ban hành các hạn chế tạm thời nhằm giới hạn lượng người đổ về cùng một thời điểm.

Nhiều điểm tham quan đã ban hành các hạn chế tạm thời nhằm giới hạn lượng người đổ về cùng một thời điểm.

Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng, sự bùng nổ du lịch trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đã tạo ra một khởi đầu tốt cho sự phục hồi hoàn toàn của ngành du lịch nước này về mức trước đại dịch. "Sự bùng nổ du lịch trong kỳ Xuân Vận tạo ra một khởi đầu tốt đẹp cho sự phục hồi hoàn toàn của ngành về mức trước dịch", Yang Jinsong, chuyên gia cấp cao của Học viện Du lịch Trung Quốc, nói.

Dữ liệu về thuế quốc gia Trung Quốc cho thấy, doanh thu du lịch nội địa đạt gần 376 tỷ Nhân dân tệ, khoảng hơn 55,5 tỷ USD, tăng hơn 23% so với kỳ nghỉ Tết năm ngoái. Riêng doanh thu của các công ty du lịch tăng 130% so với Tết năm 2022 và phục hồi lên 80,7% so với cùng năm 2019 - thời điểm trước khi dịch xảy ra.  

Tuy nhiên, hiện chưa rõ liệu sự gia tăng du lịch có giúp cho tiêu dùng ở Trung Quốc đà phục hồi sau sự sụt giảm trong ba năm qua hay không. Theo Bộ Giao thông vận tải trung Quốc, các chuyến đi hàng ngày trong dịp Tết Nguyên đán cho đến nay vẫn giảm mạnh so với mức của năm 2019. "Số lượng người đến trung tâm mua sắm, mua nhà mới và ô tô cho thấy mức chi tiêu có thể vẫn giảm", chuyên gia Lu của Nomura cho biết.

Trước đó, ngày 20/1, Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc  thông báo từ ngày 6/2 tới, nước này sẽ nối lại các tour du lịch nước ngoài theo nhóm do các đại lý và công ty du lịch tổ chức cho công dân Trung Quốc. Theo đó, Trung Quốc sẽ cho phép tổ chức các tour du lịch theo nhóm và dịch vụ "chuyến bay + khách sạn" tới 20 quốc gia trong đó có Thái Lan, Nga và New Zealand.

Có thể nói việc Trung Quốc mở cửa được xem là "mảnh ghép còn thiếu cuối cùng" cho bức tranh hồi phục của ngành du lịch châu Á. Được biết, khách Trung Quốc chiếm tới 40% lượng khách đi du lịch tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương thời điểm trước khi Covid-19 bùng phát.

Không chỉ số lượng khách đi du lịch lớn nhất châu Á, theo Tổ chức Du lịch Thế giới, khách du lịch Trung Quốc còn là những người chi tiêu nhiều nhất thế giới, chiếm 1/5 chi tiêu du lịch toàn cầu năm 2019. Con số này bằng cả thị trường khách du lịch của Mỹ và Đức cộng lại.

Nguồn: TBKTVN