Giá điện đứng im, thu hút đầu tư gặp khó khăn

Vướng mắc giá điện

Thực tế cho thấy, sau khi giá mua điện ưu đãi kết thúc từ ngày 1/1/2021 với điện mặt trời và ngày 1/11/2021 với điện gió, thì các dự án năng lượng tái tạo vẫn chưa thể đàm phán bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Với các dự án điện quy mô lớn, tình cảnh cũng chưa có gì sáng hơn.

Hiện có tới 16 dự án điện khí LNG trong quy hoạch và đã được trao giấy chứng nhận đầu tư, nhưng chưa có dự án nào kết thúc được khâu chuẩn bị, đàm phán bán điện để chuyển sang giai đoạn xây dựng. Với điện gió ngoài khơi, dù lĩnh vực này được cho là rất tiềm năng, nhưng giá điện mà các nhà đầu tư nước ngoài đề xuất không chỉ là cố định mà còn cao, quanh mức 10 UScent/kWh.

Ở khâu truyền tải điện, dù Luật Điện lực sửa đổi năm 2022 có hiệu lực từ ngày 1/3/2022, nhưng tới nay là hơn 1 năm, vẫn chưa có nghị định hướng dẫn để xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực này. Vướng mắc chính cũng là giá truyền tải quá thấp, nên khó khuyến khích được tư nhân đầu tư làm truyền tải đơn thuần, không gắn với bất cứ công trình điện kèm theo nào của họ.

Theo công bố của Đoàn kiểm tra của các bộ, ngành về chi phí sản xuất - kinh doanh điện năm 2021 và năm 2022 của EVN, năm 2021, giá thành khâu truyền tải điện theo điện thương phẩm là 65,78 đồng/kWh, năm 2022 là 69,44 đồng/kWh.

Trong khi đó, nghiên cứu của Tổ chức Sáng kiến về chuyển dịch năng lượng Việt Nam (VIET SE) cho hay, với mức giá truyền tải khoảng 86,25 đồng/kWh, chiếm 4,63% giá điện bình quân và dự kiến tăng lên cao nhất là 145,37 đồng/kWh trong giai đoạn 2021-2030, thì các phương án huy động vốn đều không khả thi, cho dù vốn đầu tư là nhà nước hay ngoài nhà nước.

“Kết quả mô hình hóa tài chính cho thấy, để đảm bảo tính khả thi của dự án đầu tư lưới truyền tải, cần tăng mức phí truyền tải từ 22,37% đến 52,90%, tùy thuộc vào tỷ lệ tham gia đầu tư của thành phần kinh tế ngoài nhà nước”, Báo cáo của VIET SE khẳng định.

Gần đây nhất, Báo cáo của Nhóm công tác Điện và Năng lượng thuộc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam năm 2023 cũng đánh giá, năng lực tài chính mạnh của EVN là một yếu tố vô cùng quan trọng đối với việc phát triển ngành điện bền vững, vì đó là cơ sở cho một hợp đồng mua bán điện khả thi về mặt tài chính. “EVN không thể tiếp tục trợ giá và chịu lỗ khi bán điện”, Báo cáo nhấn mạnh.

Trên thực tế, EVN là doanh nghiệp nhà nước được giao nhiệm vụ chủ đạo về cấp điện an toàn, ổn định cho nền kinh tế. Với thực tế thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam chưa phát triển tới mức các bên tự do tham gia mua bán điện, EVN vẫn là nhà mua buôn điện duy nhất từ các nhà máy sản xuất điện và cũng là nhà bán điện lớn nhất, chiếm trên 95% sản lượng điện của cả nước.

Gồng gánh cắt giảm chi phí

Ngày 30/3, Bộ Công thương họp báo công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất - kinh doanh điện năm 2021 và năm 2022 của EVN. Theo đó, EVN đã lỗ hơn 26.235 tỷ đồng trong năm 2022 với hoạt động sản xuất - kinh doanh điện. Các khoản chưa hạch toán vào giá thành sản xuất - kinh doanh điện xấp xỉ 15.000 tỷ đồng là chênh lệch tỷ giá thực hiện theo hợp đồng mua bán điện của các đơn vị phát điện giai đoạn 2019-2022 (năm 2019 là 3.015,80 tỷ đồng; năm 2020 là 4.566,94 tỷ đồng; năm 2021 khoảng 3.702,257 tỷ đồng và năm 2022 khoảng 3.440,83 tỷ đồng).

Như vậy, để EVN có tài chính lành mạnh, không bị nợ/lỗ trong hoạt động sản xuất - kinh doanh điện, thì doanh thu bán điện của Tập đoàn cần tăng thêm khoảng 42.000 tỷ đồng. Hay nói cách khác, doanh thu bán điện thương phẩm năm 2022 thực tế thu được là 456.971 tỷ đồng, cần phải thu được thêm khoảng 42.000 tỷ đồng nữa thì EVN mới cân bằng tài chính, hết mang tiếng nợ treo, lỗ treo.

Tuy nhiên, con số này chưa phải đã đủ, bởi theo ông Nguyễn Xuân Nam, Phó tổng giám đốc EVN, toàn Tập đoàn đã thực hiện giải pháp tiết kiệm chi phí, cắt giảm đến 30% tổng chi phí sản xuất, tiết kiệm 10.000 tỷ đồng. Trong đó, ngoài cắt giảm chi phí hành chính, lương của người lao động, có một phần không nhỏ đến từ cắt giảm chi phí bảo dưỡng, sửa chữa các công trình điện.

Thực tế cắt giảm chi phí khiến nhiều chuyên gia am hiểu kỹ thuật e ngại cho việc bảo trì, bảo dưỡng thiết bị máy móc bị ảnh hưởng, tạo ra những mối lo về sự an toàn và tính liên lục trong quá trình vận hành thiết bị điện, nhất là khi cao điểm nắng nóng đang đến gần.

Đáng nói là, đây chỉ mới là con số của năm 2022. Hiện đã là nửa cuối tháng 4/2023 và giá điện áp dụng từ tháng 3/2019 vẫn đang đứng im. Như vậy, không khó để nhìn thấy, nếu vẫn áp dụng giá bán lẻ điện bình quân của tháng 3/2019, EVN lại tiếp tục lỗ 30.000-40.000 tỷ đồng nữa, nghĩa là lỗ tiếp tục lớn thêm và càng khiến việc giải quyết trở nên khó khăn và không thể nhanh.

Thực tế giá nhiên liệu quốc tế có dấu hiệu tăng cao trở lại gần đây, trong bối cảnh giá điện đứng im từ tháng 3/2019 không chỉ gây khó khăn lớn với EVN trong việc mua điện bên ngoài, mà các nhà đầu tư dự án điện cũng rất khó có thể đàm phán để bán được điện sản xuất ra, bởi giá mua của các nguồn điện đa phần cao hơn giá bán lẻ điện bình quân hiện nay của EVN.

Trong khi đó, theo Dự thảo Quy hoạch điện VIII, giai đoạn 2021-2030, nhu vốn đầu tư cho điện là rất lớn, ước khoảng 104,7-142,2 tỷ USD. Nếu EVN lỗ nặng và vẫn phải treo nhiều khoản chi phí đã chi nhưng chưa biết bao giờ bù được, thì chắc chắn việc đàm phán mua thêm điện ở các dự án mới rất khó khăn, bởi “càng mua, càng lỗ tiếp” và khó kết thúc được đàm phán mua bán điện để bước vào xây dựng nhà máy.

Với thực tế nhu cầu tiêu dùng điện vẫn tăng lên, nhưng dự án mới triển khai khó khăn, thì yêu cầu đảm bảo cấp điện an toàn, ổn định và liên tục có nguy cơ khó đảm bảo trong tương lai không xa.

Nhà đầu tư buông tay

“Tôi không còn muốn làm điện nữa. Quan hệ với các bên tôi có, nhà đầu tư nước ngoài cũng theo chúng tôi, tài chính cũng đủ để làm, kỹ thuật cũng có…, nhưng nhìn cách thức xử lý hiện nay với ngành điện, thì tự thấy chưa thể xuống tiền đầu tư được”.

“Nếu để giá mua điện bằng USD và quy đổi sang VND ở thời điểm thanh toán, thì nhà đầu tư có thể vẫn kiếm được vốn, nhưng giá mua điện mà bằng VND thôi, thì rất khó huy động được vốn ở nước ngoài, trong khi trong nước không có vốn”.

“Nhà đầu tư bây giờ phải chịu cắt giảm công suất do quá tải đường dây, cộng thêm lãi vay tăng cao quá. Như vậy, nếu EVN chậm thanh toán chỉ 1 tháng thôi là các doanh nghiệp cũng nguy to”…

“Tôi chịu mất tiền vốn đối ứng đã bỏ ra để vay, giờ vận hành dự án với giá điện mới thì mỗi năm chỉ thu được quãng 300 tỷ đồng, trong khi lãi vay ngân hàng phải trả là 360 tỷ đồng. Thế nên, để ngân hàng ôm vào, sau đó có phát mãi thì tính sau”.

Đây là nhận xét của 4 nhà đầu tư nắm trong tay nhiều dự án năng lượng tái tạo (cả đã vận hành lẫn dở dang) với phóng viên Báo Đầu tư khi được hỏi về việc có còn quan tâm tới đầu tư các dự án điện mới không.

Nguồn: Báo Đầu tư