Giá trị xuất khẩu cao su tăng trên 17%, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ lớn nhất của Việt Nam

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu cao su tháng 11/2024 đạt 220 nghìn tấn, với giá trị đạt 424,3 triệu USD. Luỹ kế 11 tháng, tổng khối lượng xuất khẩu cao su đạt 1,8 triệu tấn, giá trị xuất khẩu đạt 2,95 tỷ USD, giảm 6% về khối lượng nhưng tăng 17,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.

TRUNG QUỐC CHIẾM TỚI 67,6% THỊ PHẦN

Trong nhóm 15 thị trường xuất khẩu lớn nhất, giá trị xuất khẩu cao su tăng ở tất cả các thị trường; trong đó, tăng mạnh nhất là Malaysia tăng 5 lần và Srilanca tăng 3,7 lần.

Với thị trường Trung Quốc, dù có tốc độ tăng trưởng thấp nhất, với mức tăng 1,5%, song đây vẫn luôn là thị trường lớn nhất của xuất khẩu cao su Việt Nam. Tính từ đầu năm đến nayTrung Quốc là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam với thị phần chiếm 67,6%; tiếp theo là Ấn Độ 7,7%; EU 6% và Hàn Quốc 2,5%...

Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trên "bản đồ” thương mại cao su thế giới, đặc biệt nhu cầu nhập khẩu rất lớn. Trung Quốc đang có tham vọng đưa ngành sản xuất xe điện, xe hybrid và các nhà sản xuất ô tô, dẫn đến nhu cầu nhập cao su cho sản xuất lốp xe của nước này cũng đang lên cao. Tuy nhiên, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su sơ chế, tỷ trọng xuất khẩu cao su chế biến sâu rất thấp.

Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 1,7 triệu tấn cao su các loại sang Trung Quốc, thu về 2,27 tỷ USD, chiếm gần 80% về lượng và 78,5% về giá trị trong tổng xuất khẩu cao su của cả nước.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Do đó, Hiệp hội Cao su Việt Nam khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu cao su cần có chiến lược tăng tỷ lệ cao su chế biến hơn là cao su nguyên liệu để nâng cao giá trị xuất khẩu. Đồng thời, các doanh nghiệp xuất khẩu cao su nước ta cần chú trọng mở cửa ở thị trường mới, nhằm giảm lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Đặc biệt, cần tăng tốc mở rộng thị phần tại thị trường EU.

Theo số liệu của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), thương mại cao su và sản phẩm cao su (mã HS 40) trên toàn cầu hiện đạt mức 240-250 tỷ USD; trong đó, EU là thị trường nhập khẩu cao su và sản phẩm cao su lớn nhất thế giới, đạt bình quân 75 tỷ USD. EU đồng thời là thị trường xuất khẩu cao su và sản phẩm cao su lớn nhất thế giới, chiếm 31 – 34,5% tổng xuất khẩu cao su và sản phẩm cao su toàn cầu.

Có thể thấy, EU hiện đang đóng vai trò quan trọng trong thị trường cao su và sản phẩm cao su toàn cầu. Các nhà sản xuất tại đây nhập khẩu nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp nội khối cũng như sản xuất và xuất khẩu các thành phẩm từ cao su.

Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu cao su nguyên liệu và sản phẩm cao su từ Việt Nam vào thị trường EU đạt gần 470 triệu USD, tương đương 6,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành. EU hiện đang là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của ngành cao su Việt Nam.

NGÀNH CAO SU VIỆT NAM SỚM THÍCH ỨNG EUDR

Đầu tháng 12/2024, Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG) đã công bố kế hoạch thích ứng quy định về chống phá rừng của Liên minh Châu Âu (EUDR) đối với các đơn vị thành viên Tập đoàn. Theo quy định của EU, cao su là một trong 3 mặt hàng của Việt Nam (bên cạnh gỗ và cà phê) xuất khẩu vào EU phải chịu sự kiểm soát của EUDR.

Ông Trương Minh Trung, Phó Tổng giám đốc, Phó Ban Chỉ đạo Phát triển bền vững của VRG, cho biết trong bối cảnh Uỷ ban châu Âu đưa ra nhiều yêu cầu đối với các nhà xuất khẩu để thực thi EUDR, thời gian qua VRG đã triển khai thực hiện các hoạt động để thích ứng với quy định này, nhằm tránh ảnh hưởng tới việc xuất khẩu cao su sang thị trường EU.

Ông Trương Minh Trung: "VRG đã có 18 đơn vị thành viên được cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo VFCS/PEFC với khoảng 120.000 ha cao su". 

Ông Trương Minh Trung: "VRG đã có 18 đơn vị thành viên được cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo VFCS/PEFC với khoảng 120.000 ha cao su". 

VRG đã triển khai thực hiện Chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo hệ thống chứng chỉ rừng Việt Nam VFCS/PEFC. Đến nay, toàn Tập đoàn có 18 đơn vị thành viên được cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo VFCS/PEFC với khoảng 120.000 ha cao su và 38 nhà máy (chế biến cao su thiên nhiên, chế biến gỗ và sản phẩm công nghiệp cao su) đã được cấp chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm PEFC-CoC. Hàng năm, các đơn vị thành viên Tập đoàn có thể đáp ứng sản lượng hơn 100.000 tấn mủ cao su các loại có Chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo VFCS/PEFC.

Bên cạnh đó, các diện tích cao su chưa thực hiện chứng chỉ rừng đều thực hiện Trách nhiệm giải trình (DDS) cho sản phẩm gỗ và mủ cao su. Ngoài ra, các diện tích cao su Tập đoàn quản lý đều hình thành từ rất lâu, không có diện tích cao su nào được mở rộng sau năm 2020 có nguồn gốc từ rừng và thời gian kiến thiết cơ bản trước khi đưa vào khai thác mủ cao su là 5-7 năm. Do đó, các công ty có chứng chỉ quản lý rừng bền vững nói riêng và các công ty cao su thành viên của Tập đoàn nói chung, đều đáp ứng được hầu hết các yêu cầu của EUDR. Đây cũng là nền tảng và lợi thế để VRG thực hiện EUDR trong thời gian tới.

"Cho đến nay, VRG đã có 3 đơn vị thành viên đã hoàn thành việc đáp ứng theo yêu cầu EUDR, được khách hàng chấp nhận là Tổng Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng và Công ty CP Cao su Chư Sê Kampong Thom. Hiện nay, nhiều khách hàng đã liên hệ các công ty thành viên của Tập đoàn để cung cấp mủ cao su thích ứng EUDR. Hiện Cao su Đồng Nai đã tiêu thụ được 767 tấn mủ cao su thích ứng EUDR và Cao su Dầu Tiếng tiêu thụ được hơn 40 tấn, giá trị cộng thêm là 250 USD/tấn".

Ông Trương Minh Trung – Phó Tổng giám đốc VRG. 

Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, hiện nay khó khăn trong việc đảm bảo truy xuất nguồn gốc của ngành cao su Việt Nam lại nằm ở nguyên liệu của cao su tiểu điền và phần cao su nhập khẩu. Nguồn cung cao su trong nước là từ diện tích 918.000 ha trồng cao su, bao gồm nguồn cao su tiểu điền (cung trên 50% trong tổng lượng cung trong nước) và nguồn cao su đại điền (chiếm dưới 50%).

Công ty CP Cao su Chư Sê Kampong Thom và Tập đoàn Sailun ký kết hợp đồng mua bán mủ cao su đáp ứng EUDR theo yêu cầu của khách hàng.

Công ty CP Cao su Chư Sê Kampong Thom và Tập đoàn Sailun ký kết hợp đồng mua bán mủ cao su đáp ứng EUDR theo yêu cầu của khách hàng.

Bên cạnh đó, nguồn cung nhập khẩu ngày càng trở nên quan trọng. Năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 1,4 triệu tấn cao su nguyên liệu, với trên 80%, trong đó là từ Campuchia, dưới 20% còn lại là từ Lào và một số nguồn khác. Chuỗi cung tiểu điền tương đối phức tạp, với cao su khai thác từ các hộ đi qua nhiều khâu trước khi được đưa vào chế biến. Một số diện tích cao su tiểu điền chưa có giấy chứng nhận sử dụng đất. Thông tin về nguồn cung nhập khẩu từ Campuchia và Lào hiện rất ít. Chuỗi cung nhập khẩu hiện tại không cho phép việc truy xuất nguồn gốc.

Quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu (gọi tắt là EUDR) được Nghị viện Ủy ban châu Âu (EC) thông qua ngày 29/6/2023 và có hiệu lực vào tháng 12/2024 đối với các doanh nghiệp lớn và áp dụng từ 3/6/2025 với những doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tuy nhiên, ngày 2/10/2024, EC đã công bố đề xuất hoãn thực thi EUDR, quy định này sẽ bắt đầu thực thi vào tháng 1/2025 đối với các doanh nghiệp lớn.

Nguồn: TBKTVN