Giao thương với Trung Quốc, Việt Nam cần tạo ra hệ sinh thái ngành hàng

Sáng nay (14/2), Bộ NN&PTNT phối hợp UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức Hội nghị thúc đẩy giao thương nông, thủy sản Việt - Trung nhằm thích ứng với những yêu cầu mới của thị trường. Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chủ trì Hội nghị.

Thời gian qua, Việt Nam luôn là một trong những đối tác thương mại lớn của Trung Quốc. Riêng trong lĩnh vực nông thủy sản, năm ngoái tổng kim ngạch xuất nhập giữa hai nước đạt 14,2 tỷ USD, tăng gần 13% so với năm 2021. Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) cho rằng, Việt Nam trải dài trên 17 vĩ độ, với các vùng tiểu khí hậu, tập quán canh tác của các dân tộc tạo ra các sản phẩm chất lượng và mang tính đặc thù, đặc sản trên thế giới.

“Các Hiệp hội ngành hàng và DN cần phải phát huy được những sản phẩm chủ lực, đặc biệt là tạo dựng nên các sản phẩm chất lượng cao, giá trị gia tăng để có thể xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc nói chung và hướng đến hơn 400 triệu người tiêu dùng tầng lớp trung lưu của Trung Quốc”, ông Tiệp nêu.

giao thuong voi trung quoc, viet nam can tao ra he sinh thai nganh hang hinh anh 1

Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu cho biết, tỉnh Lạng Sơn luôn ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và triển khai quyết liệt các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp XNK qua địa bàn.

Bên cạnh những cơ hội, thuận lợi khi tình hình thông quan hàng hóa nông sản qua cửa khẩu biên giới Việt - Trung được cải thiện, có rất nhiều các khó khăn thách thức cần trao đổi, tháo gỡ như xu hướng giảm cầu, nhiều loại nông sản cần được xem xét xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc; thông tin thị trường, thông quan chưa được cập nhật kịp thời, thương lái và DN chưa có sự kết nối chặt chẽ... 

Ông Nông Ngọc Trung, đại diện 1 DN đã có gần 30 năm xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc chia sẻ, nông sản Việt Nam từ xưa đến nay vẫn chủ yếu là xuất thô, xuất tươi nên thời gian tới rất cần đầu tư sâu vào chế biến. “Hệ thống sản xuất, chế biến nên hợp tác song phương với các đối tác, bạn hàng, chuỗi phân phối của Trung Quốc như siêu thị, trung tâm thương mại điện tử… để làm sao việc xuất khẩu vào nước bạn sẽ yên tâm hơn. Khi hàng hóa đảm bảo chất lượng, đảm bảo mã số vùng trồng, tiêu chuẩn chất lượng, mã đóng gói… xuất khẩu theo con đường chính ngạch chính là xu thế hiện nay”, ông Trung đề xuất.

 

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Trung Quốc là đối tác thương mại truyền thống và lưu ý các Hiệp hội ngành hàng, DN quan tâm đến khách hàng nhiều hơn. Mỗi thị trường có một văn hóa, mỗi người tiêu dùng có một thói quen và nắm bắt được tâm lý tiêu dùng của khách hàng sẽ giúp DN Việt Nam sản xuất, xuất khẩu hiệu quả, bền vững.

giao thuong voi trung quoc, viet nam can tao ra he sinh thai nganh hang hinh anh 2

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan lưu ý các Hiệp hội ngành hàng, DN quan tâm đến khách hàng nhiều hơn bởi nắm bắt được tâm lý tiêu dùng của khách hàng sẽ giúp DN Việt Nam sản xuất, xuất khẩu hiệu quả, bền vững.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng thành công của hợp tác giao thương không chỉ dừng ở việc buôn bán có lãi một vài chuyến, mà cần phải tạo ra một hệ sinh thái ngành hàng.

“Người nông dân nên bỏ dần tư duy buôn chuyến, bỏ từ buôn bán thương mại sang hợp tác song phương. Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao cùng các đơn vị liên quan cam kết sẽ làm mọi cách để thúc đẩy quan hệ hợp tác giao thương với Trung Quốc, định hình một chiến lược lâu dài trong trong hợp tác thương mại song phương với Trung Quốc, chuyển từ buôn bán sang hợp tác thương mại song phương, đó là chiến lược để cả 2 Bên có thể tận dụng cơ hội, bổ sung cho nhau”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ.

Khẳng định thị trường Trung Quốc là thị trường quan trọng của nông thủy sản Việt Nam, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần coi các Hiệp hội ngành hàng, DN là những người đồng hành, thay vì là đối tượng quản lý, bởi “doanh nghiệp có bền vững thì đất nước mới bền vững" và "thông qua giao thương kinh tế, Việt Nam muốn khẳng định là quốc gia sản xuất có trách nhiệm trên thế giới"./.

Nguồn: VOV