Hệ thống hóa đơn điện tử phát giác người nộp thuế có rủi ro cao

Tổng cục Thuế vừa ban hành văn bản số 3638/TCT-VP gửi cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và thủ trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc Tổng cục Thuế yêu cầu tăng cường công tác quản lý hóa đơn điện tử.

Theo Tổng cục Thuế, từ ngày 1/7/2022, việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử trên toàn quốc là một bước ngoặt có tính bản lề, tạo ra những cải cách sâu rộng và tác động to lớn đến công tác quản lý thuế.

Việc chuyển đổi sang hóa đơn điện tử và triển khai hệ thống hóa đơn điện tử có ý nghĩa quan trọng, tiết kiệm được chi phí cho doanh nghiệp và người dân, giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế, từ đó doanh nghiệp quản trị hiệu quả hơn, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân nộp thuế. 

Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người nộp thuế cố tình lợi dụng sự thông thoáng của cơ chế, chính sách, thành lập doanh nghiệp không nhằm mục đích sản xuất kinh doanh mà để thực hiện hành vi mua bán và sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng ý thức chấp hành pháp luật thuế chưa cao, tham gia hoạt động mua bán hóa đơn bất hợp pháp để kê khai khấu trừ thuế, hoàn thuế VAT, chiếm đoạt tiền thuế VAT, kê khai khống chi phí nhằm trốn thuế thu nhập doanh nghiệp, gây thất thu cho ngân sách nhà nước.

"Hệ thống hóa đơn điện tử lưu vết toàn bộ hoạt động mua bán hóa đơn, qua đó giúp cho cơ quan thuế cũng như các cơ quan chức năng phân tích làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật về thuế để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật". 

Tổng cục Thuế.

Các hành vi này ảnh hưởng xấu đến môi trường sản xuất kinh doanh, tạo sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các doanh nghiệp gây bức xúc trong xã hội, làm tăng khối lượng công việc và rủi ro cho công tác quản lý thuế của cơ quan thuế.

Công văn được ban hành sau chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại Công văn số 5475/VPCP-KTTH ngày 20/7/2023 về việc quản lý, giám sát việc phát hành và sử dụng hóa đơn.

Theo đó, Tổng cục Thuế yêu cầu, thứ nhấtthực hiện nghiêm các nhiệm vụ giải pháp và các nội dung chỉ đạo của Tổng cục Thuế tại Chỉ thị số 01/CT-TCT ngày 11/4/2023 về việc tăng cường các biện pháp rà soát, kiểm tra hóa đơn nhằm ngăn chặn gian lận trong việc sử dụng hóa đơn; Công văn số 2812/TCT-TTKT ngày 07/7/2023 về việc triển khai các biện pháp phòng chống tình trạng buôn bán hóa đơn trên không gian mạng.

Thứ hai, các cục thuế phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng lãnh đạo cục thuế, chi cục thuế, phòng chức năng từng bộ phận, từng cán bộ quản lý thực hiện quyết liệt việc rà soát, kiểm tra các doanh nghiệp thuộc danh sách doanh nghiệp rủi ro cao trong công tác quản lý và sử dụng hóa đơn, các doanh nghiệp có chênh lệch giữa hóa đơn và tờ khai thuế giá trị gia tăng (VAT) để kiểm soát chặt chẽ việc phát hành, sử dụng hóa đơn diện tử; kịp thời phát hiện và xử lý hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp và sử dụng không hợp pháp hóa đơn.

Các đơn vị thuộc, trực thuộc Tổng cục Thuế, trong đó, Cục Công nghệ thông tin là đầu mối và Ban Quản lý rủi ro, Vụ Kê khai và Kế toán thuế, Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân, Cục Thanh tra kiểm tra thuế phối hợp theo chức năng, thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện trên hệ thống hóa đơn điện tử của các cục thuế.

Đặc biệt, Tổng cục Thuế yêu cầu quán triệt, phổ biến đến tất cả cán bộ, công chức trong đơn vị tiếp tục khai thác, sử dụng đầy đủ, hiệu quả các chức năng của hệ thống hóa đơn điện tử bao gồm: danh sách người nộp thuế có doanh thu tháng đột biến so với tháng trước; danh sách người nộp thuế có số lượng hóa đơn trong tháng tăng, giảm đột biến so với tháng trước, danh sách các hóa đơn có doanh thu bất thường, danh sách người nộp thuế có số lượng hóa đơn hủy vượt ngưỡng; đối chiếu giữa tờ khai VAT và hóa đơn; cảnh báo theo hệ số K...

"Kết hợp với thực tế công tác quản lý thuế để xây dựng danh sách người nộp thuế có rủi ro cao để thực hiện kiểm tra nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thuế, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong sử dụng hóa đơn điện tử", Tổng cục Thuế yêu cầu.

Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường rà soát, xử lý các trường hợp sai lệch khi đối chiếu dữ liệu hóa đơn và tờ khai thuế VAT trên ứng dụng hddtbaocao.gdt.gov.vn ngay sau khi kết thúc nghĩa vụ kê khai thuế theo hướng dẫn triển khai nhằm kịp thời đôn đốc người nộp thuế kê khai điều chỉnh số thuế phải nộp theo quy định.

Đồng thời, chủ động rà soát cơ sở dữ liệu hóa đơn điện tử để giảm sát việc kê khai của người nộp thuế được tuân thủ đúng quy định nâng cao hiệu quả quản lý thuế, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong sử dụng hóa đơn điện tử.

Thứ ba, đẩy mạnh việc áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý và sử dụng hóa đơn theo Bộ chỉ số tiêu chí và quy trình ban hành theo Quyết định số 78/QĐ-TCT và Quyết định số 575/QĐ-TCT, tăng cường đôn đốc, giám sát cơ quan thuế các cấp kiểm tra, xử lý các trường hợp rủi ro cao.

Thứ tư, cũng tại văn bản này, Tổng cục Thuế đề nghị các đơn vị tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, hỗ trợ trực tiếp về chính sách pháp luật thuế, về hóa đơn điện tử ngay sau khi doanh nghiệp đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử, doanh nghiệp chuyển địa bàn, qua đó, kịp thời thu thập thông tin để đánh giá rủi ro trong phát hành, sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp để có biện pháp quản lý phù hợp.

Thứ năm, kịp thời thông báo, công khai danh sách doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp mua bán hóa đơn không hợp pháp bị cơ quan điều tra phát hiện, các doanh nghiệp có rủi ro cao về hóa đơn do cơ quan thuế quản lý thông báo để các doanh nghiệp chủ động rà soát và kịp thời thực hiện kê khai điều chỉnh, bổ sung, đảm bảo đúng với thực tế hàng hóa giao dịch; xác định chính xác nghĩa vụ thuế theo đúng quy định pháp luật.

Thứ sáu, thường xuyên phối hợp chặt chẽ chủ động nắm bắt dư luận và thông tin báo chí phản ánh để kịp thời cung cấp thông tin phản hồi về các vụ việc phát sinh thuộc phạm vi quản lý.

Xử lý kịp thời, nghiêm túc các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức làm ảnh hưởng đến uy tín, nỗ lực của toàn ngành thuế nói chung cũng như của các cơ quan thuế trên địa bàn quản lý nói riêng.

Thứ bảy, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, chính quyền địa phương các cấp, cơ quan công an, các cơ quan chức năng, xây dựng kế hoạch trao đổi thông tin nắm bắt tình hình, quy chế phối hợp để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống gian lận, mua bán hóa đơn điện tử, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tạo tính lan tỏa, cảnh tỉnh, răn đe mạnh mẽ.

Thứ tám, Cục Công nghệ thông tin đảm bảo hoạt động ổn định, an toàn an ninh thông tin và hiệu năng đáp ứng yêu cầu khai thác dữ liệu của cơ quan thuế trên các chức năng có sẵn.

Đồng thời, phối hợp với các đơn vị chuyên môn rà soát, nâng cấp bổ sung các chức năng, tính năng của ứng dụng hóa đơn điện tử và các ứng dụng liên quan nhằm hỗ trợ cơ quan thuế tăng cường công tác kiểm soát dữ liệu hóa đơn và quản lý thuế.

Khẩn trương triển khai tổ chức hệ thống cơ sở dữ liệu ngành thuế đáp ứng yêu cầu quản lý của ngành và nhiệm vụ được giao tại Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06); rà soát, bổ sung, thay thế trang thiết bị đảm bảo đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ; giám sát chặt chẽ chất lượng cung cấp dịch vụ truyền nhận, hạn chế tình trạng nghẽn mạng, đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu tra cứu dữ liệu phục vụ công tác quản lý thuế của cơ quan thuế các cấp.

Nguồn: TBKTVN