Hiệp định UKVFTA mở ra nhiều cơ hội cho thương mại xanh

Tại hội thảo “Hiệp định UKVFTA - Thương mại xanh và công bằng với Việt Nam” do Bộ Công Thương và Đại sứ quán Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ai-Len (Vương quốc Anh) tại Việt Nam đồng tổ chức, ngày 7/3, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An nhận định, thương mại xanh là cơ hội để tạo ra hàng hóa và dịch vụ thân thiện với môi trường, là cơ hội để hàng hóa thích ứng với các tiêu chuẩn ngày càng cao liên quan đến bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu.

NHIỀU CƠ HỘI MỚI
Theo Thứ trưởng Đặng Hoàng An, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) ngoài lộ trình cắt giảm thuế quan sâu rộng, còn tạo lợi thế rõ ràng cho nhiều sản phẩm có thế mạnh của hai nước thâm nhập thị trường của nhau.

Đặc biệt với các cam kết liên quan đến phát triển bền vững, Hiệp định còn là khuôn khổ quan trọng cho các hoạt động hợp tác về thương mại xanh và công bằng, xu thế phát triển quan trọng trên toàn cầu nhằm đáp ứng yêu cầu về phát triển bền vững.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An: "Thương mại xanh là cơ hội để tạo ra hàng hóa và dịch vụ thân thiện với môi trường".

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An: "Thương mại xanh là cơ hội
để tạo ra hàng hóa và dịch vụ thân thiện với môi trường".

Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi để thực hiện những cam kết quốc tế về phát triển bền vững, tiết kiệm năng lượng và cam kết về khí hậu. Đối với các doanh nghiệp, đây cũng là cơ hội để tạo ra hàng hóa và dịch vụ thân thiện với môi trường, là cơ hội để hàng hóa thích ứng với các tiêu chuẩn ngày càng cao liên quan đến bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu.

Ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán thương mại Việt Nam tại Vương quốc Anh cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam nhìn thấy những cơ hội mới trong thương mại xanh với Anh.

Đó là triển vọng xuất khẩu các sản phẩm sắt thép được sản xuất theo công nghệ phi carbon hoá. Vì vương quốc Anh đi đầu trong chuyển đổi sản xuất thép theo công nghệ này. Các doanh nghiệp thép Việt Nam được hưởng lợi từ Chương trình phi các bon hoá trong khuôn khổ hợp tác giữa Vương quốc Anh và các nước ASEAN để thúc đẩy sản xuất thép ít sử dụng năng lượng và giảm thiểu phát thải.

Bên cạnh đó là cơ hội xuất khẩu các sản phẩm gia dụng và thiết bị sử dụng tiết kiệm điện như: tủ đá, máy giặt, bóng đèn...

Cơ hội xuất khẩu các sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm làm từ vật liệu tự nhiên gồm từ tre, nứa, sản phẩm cách nhiệt làm từ vật liệu tái chế đang có nhu cầu sử dụng lớn trong ngành xây dựng của Vương quốc Anh.

Nữa là cơ hội xuất khẩu các thực phẩm hữu cơ được canh tác theo hướng không dùng hóa chất… là xu hướng mà người tiêu dùng Anh đang có nhu cầu cao trong khi doanh nghiệp Việt Nam có nhiều lợi thế đáp ứng.

Không chỉ Việt Nam có lợi thế, ông Cường còn cho rằng doanh nghiệp Anh cũng có nhiều cơ hội hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam ở những lĩnh vực thế mạnh của họ. Điển hình như năng lượng tái tạo, sản xuất nông nghiệp bền vững, quản lý rác thải, giảm thiểu các bon trong lĩnh vực giao thông… Đây là những lĩnh vực doanh nghiệp Anh có thế mạnh, có thể cung cấp công nghệ cho Việt Nam trong giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm nước, quản lý rác thải nhất là rác thải nhựa…

Đặc biệt, tài chính xanh là vấn đề hàng đầu trong phát triển thương mại xanh. Theo ông Cường, một số doanh nghiệp Việt Nam đang tìm kiếm nguồn vốn vay từ Anh cho các dự án năng lượng tái tạo. Anh có thể hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thông qua trái phiếu xanh nhằm hướng tới phát triển bền vững.

NHẬN THỨC RÕ QUÁ TRÌNH CHUYỂN ĐỔI
Cơ hội phát triển sản phẩm thương mại xanh sang thị trường Anh rất lớn nhưng cũng là thách thức với doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Harry Rawicz Szczerbo, Trưởng bộ phận Thương mại và Đầu tư, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam, cho biết Vương quốc Anh đã và đang là quốc gia dẫn đầu thế giới về xây dựng những chính sách bảo vệ môi trường, giảm phát thải và phát triển bền vững, trong đó có Chính sách Thương mại xanh và Công bằng.

Với mục tiêu thúc đẩy thương mại tự do và biến đổi thành một công cụ hữu hiệu tạo ra giá trị xanh, bền vững, hiệu quả, mang lại lợi ích cho cả các quốc gia phát triển và đang phát triển, Vương quốc Anh hợp tác với các đối tác trên toàn thế giới để phá vỡ các rào cản thương mại về hàng hoá và dịch vụ có lợi cho môi trường, đảm bảo thương mại tự do giúp tăng tốc việc áp dụng các công nghệ xanh trên toàn thế giới.

Kể từ sau quá trình Vương quốc Anh ra khỏi Liên minh châu Âu, nước này đã và đang xây dựng bộ quy tắc và luật chơi thương mại riêng của mình, phù hợp với chính sách “nước Anh toàn cầu”. Trong đó, đẩy mạnh thúc đẩy các chính sách thương mại xanh và công bằng, song song với việc đàm phán, ký kết và thực thi hàng loạt hiệp định thương mại với các đối tác trên thế giới, trong đó có UKVFTA.

Thứ trưởng Đặng Hoàng An đánh giá, thương mại xanh là cơ hội để tạo ra hàng hóa và dịch vụ thân thiện với môi trường, là cơ hội để hàng hóa thích ứng với các tiêu chuẩn ngày càng cao liên quan đến bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu. Đây cũng là “tiêu chí xanh” đối với hàng xuất khẩu vào thị trường Anh.

Tuy nhiên, Thứ trưởng An lưu ý, quá trình đạt mục tiêu về trung hòa carbon sẽ làm chuyển dịch lợi thế so sánh xuất khẩu từ các lĩnh vực thâm dụng nhiều lao động và năng lượng sang các lĩnh vực áp dụng kỹ thuật tiên tiến hơn, xanh hơn. Nhận thức này rất quan trọng, các doanh nghiệp Việt Nam phải hiểu rõ vấn đề này.

Theo bà Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường Châu Âu - Châu Mỹ (Bộ Công Thương), trong thời gian tới, với những tiêu chuẩn môi trường mới, hàng hoá Việt Nam cần phải đáp ứng. Doanh nghiệp Việt phải nắm bắt được xu thế xanh, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực, hướng đến sản xuất xanh. Việc theo đuổi chiến lược xanh hóa sản phẩm sẽ giúp khách hàng trên thị trường nước ngoài có thiện cảm hơn với sản phẩm của các doanh nghiệp, tạo nên lợi thế cạnh tranh.

Tín dụng xanh là sáng kiến, cơ chế khuyến khích đầu tư xanh của Vương quốc Anh. Doanh nghiệp Việt Nam muốn tiếp cận được các khoản vay từ các quỹ đầu tư và các ngân hàng Anh phải đáp ứng bộ tiêu chí xanh, khi đó sẽ được ưu tiên cho vay hay ưu tiên bảo lãnh tín dụng.

“Các doanh nghiệp Việt Nam phải nhận thức, hiểu rõ bộ tiêu chuẩn này, trong bản kế hoạch phải đưa ra tính thuyết phục cho thấy dự án đang áp dụng công nghệ giảm phát thải môi trường”, ông Cường nói.

Đại diện doanh nghiệp Anh bổ sung, Việt Nam cần hiện thực hoá các cam kết bằng những con số hữu hình. Cần có chương trình kế hoạch cụ thể để các nhà đầu tư cảm thấy hấp dẫn. Cộng với ổn định về khuôn khổ pháp lý, chính sách để nhà đầu tư yên tâm đầu tư mà họ không cảm thấy nuối tiếc.

Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland (UKVFTA) chính thức có hiệu lực từ 01/05/2021.

Về thương mại hàng hóa, Anh cam kết sẽ xóa bỏ 85,6% số dòng thuế cho hàng hóa của Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực (từ 01/01/2021), xóa bỏ đến 99,2% số dòng thuế từ 01/01/2027, và 0,8% số dòng thuế còn lại sẽ được hưởng hạn ngạch thuế quan (với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%).

Với các cam kết này, nhiều sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như thủy sản, dệt may, linh kiện điện tử, đồ gỗ, cà phê, gạo, hoa quả … sẽ có lợi thế khi tiếp cận thị trường Anh trong bối cảnh nhiều Quốc gia chưa có FTA với Vương quốc Anh, đón đầu làn sóng chuyển dịch nhu cầu do xu thế phát triển xanh và bền vững của Vương quốc Anh.

Trong năm 2022, tổng kim ngạch thương mại hai chiều cả năm tăng 3,3%. Trong đó, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có sự tăng trưởng tốt như: cà phê (tăng 61%); đá quý, kim loại quý và sản phẩm (tăng 56%); đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận (tăng 59%); giày dép các loại (tăng 40%); hàng dệt may (tăng 36%); dây điện và dây cáp điện (tăng 30%); sản phẩm điện tử và linh kiện (tăng 28%); máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác (tăng 37%)... Ngoài ra, điện thoại các loại và linh kiện vẫn đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD.

Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm xuất khẩu hàng hóa có thế mạnh của Anh quốc tiếp tục đạt kim ngạch lớn như: dược phẩm (81,9 triệu USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (184 triệu USD); ô tô nguyên chiếc các loại (28,5%); cũng như nhiều ngành hàng có tốc độ tăng trưởng ổn định như: sản phẩm hóa chất (tăng 3,5%), sản phẩm từ chất dẻo (tăng 28,3%), thủy sản (23,8%)…

Nguồn: TBKTVN