Tìm cơ hội cho nông sản Việt Nam xuất ngoại

Hơn 400 đại biểu từ Bộ Công Thương, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam, các Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài, các cơ quan và doanh từ 63 tỉnh, thành đã tới tham dự Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 2/2023 với chủ đề: “Cơ hội xuất khẩu thực phẩm chế biến vào thị trường châu Á-Thái Bình Dương và châu Phi”. Sự kiện do bộ Công Thương tổ chức vào ngày 02/3 vừa qua.

Phát biểu tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú cho biết với lợi thế phát triển nông nghiệp, các sản phẩm nông sản và thực phẩm chế biến của Việt Nam hiện đã có mặt tại trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Rất nhiều ngành trong lĩnh vực này đã đóng góp hơn 1 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu hằng năm, đặc biệt một số ngành như thủy sản đã đóng góp hơn 10 tỷ USD.

Có thể nói, với lợi thế về nguồn nguyên liệu hết sức dồi dào, ngành chế biến thực phẩm của Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, hiện tại các mặt hàng nông, lâm thủy sản của Việt Nam phần nhiều vẫn chủ yếu xuất khẩu sản phẩm thô, qua đường tiểu ngạch và đang chịu sức ép cạnh tranh gay gắt từ các nước trong khu vực ASEAN, châu Á hay của chính khách hàng lớn của các doanh nghiệp Việt Nam là Trung Quốc.

Đồng thời, các thị trường nhập khẩu và tiêu thụ điều hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc… ngày càng gia tăng yêu cầu về tính bền vững đối với sản phẩm, bao gồm các khía cạnh xã hội, môi trường và kinh tế trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

Tham tán, Thương vụ Việt Nam tại Algeria Hoàng Đức Nhuận cho biết,  mặc dù Chính phủ Algeria thực hiện chính sách hạn chế nhập khẩu với những mặt hàng trong nước có thể sản xuất, nhưng nông sản và thực phẩm chế biến của Việt Nam vẫn có tiềm năng xuất khẩu sang thị trường này, như cà phê chưa rang xay, tiêu, gia vị, hạt điều, cá basa, cá ngừ, sữa bột.

Cần lưu ý Algeria là quốc gia Hồi giáo nên chứng chỉ Halal là điều kiện cần để hàng hoá có thể nhập khẩu vào thị trường này. Đối tác Algeria ưu tiên tiếp xúc trực tiếp và có nhu cầu cao với hàng hoá có giá cả vừa phải.

Liên quan các tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, Tham tán, Thương vụ Việt Nam tại Australia Nguyễn Phú Hoà, cho biết, thời gian qua các sản phẩm nông sản, thực phẩm của Việt Nam xuất hiện trên thị trường Australia như tôm, cá tra, ba sa đã được sơ chế, chế biến được bán với số lượng lớn.

Tuy nhiên, Australia có tiêu chuẩn nghiêm ngặt với các mặt hàng thực phẩm chế biến; bao bì sản phẩm chú trọng đến yếu tố môi trường; xuất xứ hàng hoá cũng phải được ghi rõ ràng và nổi bật trên bao bì sản phẩm.

Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang thị trường Australia cần đảm bảo việc hàng hóa đã đáp ứng các điều kiện nhập khẩu an toàn sinh học và chuẩn bị đầy đủ tài liệu nhập khẩu tối thiểu theo quy định của Australia; đảm bảo các thùng chứa hàng hóa và thực phẩm nhập khẩu phải tuân thủ đúng yêu cầu, sạch sẽ để hạn chế các rủi ro sẽ ảnh hưởng tới tiến độ kiểm tra hàng hóa.

Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ Bùi Trung Thướng cho biết, Ấn Độ là thị trường có sức tiêu thụ lớn đối với các sản phẩm gia vị như quế, hồi, hạt điều, các sản phẩm bánh kẹo...

Theo Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan, gần đây hành vi tiêu dùng của người tiêu dùng Thái Lan đã thay đổi. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần thay đổi phương thức tiếp cận khách hàng theo hướng đa kênh…

Trước những thực tế nêu trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khuyến nghị Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài và các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng nông sản trong nước cần nắm bắt diễn biến chính sách của nước sở tại, kể cả chính sách thị trường khu vực, từ đó đề xuất phản ứng chính sách phù hợp ở cả cấp quốc gia và doanh nghiệp. Thông qua hệ thống thương vụ để phổ biến các quy cách, tiêu chuẩn hàng hoá, tập quán tiêu dùng, tiếp cận phương thức sản xuất mới phù hợp và hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng hợp tác đầu tư.

Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giải pháp, duy trì, mở rộng thị trường truyền thống, mở rộng danh mục và quy mô hàng hóa và giá trị xuất khẩu. Cân bằng thương mại với những thị trường truyền thống. Hỗ trợ doanh nghiệp trong nước hợp tác đầu tư, nhất là hợp tác đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao. Hợp tác trong việc mua nguyên liệu để phục vụ cho ngành sản xuất trong nước. Đồng thời tìm kiếm phát triển thị trường mới, tiềm năng.

Nguồn: TBKTVN