IMF bất ngờ nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Trong cập nhật mới nhất của báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (World Economic Outlook), IMF nâng dự báo tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu thêm 0,2 điểm phần trăm, lên mức 3% từ mức dự báo tăng 2,8% đưa ra hồi tháng 4. Về năm 2024, IMF giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức 3%.
Về lạm phát, định chế có trụ sở ở Washington DC dự báo tình hình sẽ cải thiện đáng kể. Tỷ lệ lạm phát toàn phần của thế giới được cho là sẽ giảm về mức 6,8% trong năm nay từ mức 8,7% vào năm 2022. Tuy nhiên, lạm phát lõi - chỉ số không bao gồm hai nhóm hàng hoá có mức độ biến động giá lớn là thực phẩm và năng lượng - được dự báo giảm chậm hơn, còn 6% trong năm nay, từ mức 6,5% của năm ngoái.
“Nền kinh tế toàn cầu tiếp tục phục hồi dần từ đại dịch và chiến tranh Nga-Ukraine. Trong ngắn hạn, những dấu hiệu tiến triển là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, nhiều thách thức vẫn đang phủ bóng lên triển vọng, và còn quá sớm để ăn mừng”, nhà kinh tế trưởng Pierre-Oliver Gourinchas của IMF nhận định trong một bài blog.
Báo cáo của IMF nhấn mạnh mối lo về điều kiện tín dụng thắt chặt hơn, tiền tiết kiệm của các hộ gia đình ở Mỹ cạn dần, và sự phục hồi kinh tế kém hơn dự kiến ở Trung Quốc sau khi nước này dỡ bỏ chính sách chống Covid-19 nghiêm ngặt.
“Ở Mỹ, tiền tiết kiệm dư thừa có được từ các chương trình kích cầu trong đại dịch - vốn dĩ là nguồn lực giúp các hộ gia đình vượt qua cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và các điều kiện tín dụng thắt chặt hơn - gần như đã cạn. Tại Trung Quốc, sự phục hồi sau khi nền kinh tế mở cửa trở lại có dấu hiệu mất đà trong bối cảnh những lo ngại tiếp diễn về lĩnh vực bất động sản, với những tác động đối với nền kinh tế toàn cầu”, ông Gourinchas nhận định.
Theo IMF, Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới - sẽ tăng trưởng 1,8% trong năm nay và 1% vào năm 2024. Đối với Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - tốc độ tăng trưởng GDP được dự đoán sẽ giảm từ 5,2% trong năm nay xuống còn 4,5% vào năm 2024.
IMF viết trong báo cáo: “Tình trạng yếu kém còn tồn tại trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đang đè nặng lên hoạt động đầu tư, nhu cầu của thị trường nước ngoài vẫn yếu và tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên ngày càng tăng (ở mức 20,8% vào tháng 5 năm 2023) cho thấy sự yếu kém của thị trường lao động”. Báo cáo nói thêm rằng “dữ liệu tần suất cao cho đến tháng 6 xác nhận đà tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm dần trong quý 2”.
Các bình luận này của IMF được đưa ra sau khi thị trường chứng khoán Trung Quốc tăng điểm hôm thứ Ba sau một cuộc họp của Bộ Chính trị nước này vào đầu tuần nói rằng Bắc Kinh đang chuẩn bị nhiều biện pháp kích thích kinh tế hơn. Trung Quốc được cho là đang nghiên cứu các biện pháp mới để thúc đẩy nhu cầu trong nước.
Trong số các nền kinh tế lớn của châu Âu, Đức là nước duy nhất bị IMF cắt giảm kỳ vọng tăng trưởng trong năm nay. Định chế này dự đoán nền kinh tế Đức sẽ giảm 0,3% trong năm nay, tức là giảm 0,2 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng Tư. Điều này là do sản lượng ngành sản xuất Đức yếu hơn và mức tăng trưởng thấp hơn của nước này trong quý đầu tiên của năm nay - IMF cho biết.
Dữ liệu được công bố hôm thứ Hai tuần này cho thấy hoạt động kinh doanh thu hẹp với tốc độ nhanh hơn dự kiến trong tháng 7 trên toàn khu vực sử dụng đồng Euro. Tại Đức, dữ liệu cho thấy sự suy giảm kinh tế với sản lượng của khu vực sản xuất giảm tháng thứ ba liên tiếp và với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 5/2020.
“Đây là một sự khởi đầu tồi tệ của quý 3 đối với nền kinh tế Đức, với chỉ số PMI nhanh chóng rơi vào vùng giảm. Sự suy giảm vẫn chủ yếu do lĩnh vực sản xuất, trong khi tốc độ tăng trưởng chậm lại của lĩnh vực dịch vụ bắt đầu từ tháng trước đã kéo dài sang tháng 7”, ông Cyrus de la Rubia, nhà kinh tế trưởng tại Hamburg Commercial Bank, nhận định.
Nguồn: TBKTVN