Diễn đàn Năng lượng Quốc tế: Giá dầu sẽ tăng cao trong nửa cuối năm 2023

Ông Joseph McMonigle, Tổng thư ký Diễn đàn Năng lượng Quốc tế, cho biết nhu cầu dầu mỏ đã nhanh chóng quay trở lại mức trước khi xuất hiện Covid-19, "nhưng nguồn cung đang gặp khó khăn hơn để bắt kịp nhu cầu".

Đại diện Diễn đàn Năng lượng Quốc tế cho rằng yếu tố duy nhất giúp điều chỉnh giá hiện nay là nguy cơ một cuộc suy thoái sắp xảy ra.

"Vì vậy, trong nửa cuối năm nay, chúng ta sẽ gặp vấn đề nghiêm trọng trong việc duy trì nguồn cung và kết quả là bạn sẽ thấy giá dầu phản ứng với điều đó", ông McMonigle trả lời đài CNBC bên lề cuộc họp của các bộ trưởng năng lượng từ nhóm 20 nền kinh tế công nghiệp hàng đầu thế giới (G20) tổ chức tại Ấn Độ vào ngày 22/7.

Ông McMonigle lý giải việc đẩy giá dầu đi lên là do nhu cầu ngày càng tăng từ Trung Quốc - quốc gia nhập khẩu dầu thô nhiều nhất thế giới - và Ấn Độ. Cụ thể, nhu cầu của hai thị trường Ấn Độ và Trung Quốc sẽ tăng 2 triệu thùng mỗi ngày trong nửa cuối năm nay.

Khi được hỏi liệu giá dầu có thể một lần nữa tăng vọt lên 100 USD/thùng hay không, ông McMonigle dự đoán giá dầu đã đạt mức 80 USD/thùng và có khả năng tăng cao hơn từ bây giờ.

"Chúng ta sẽ thấy hàng tồn kho giảm mạnh hơn nhiều, đây sẽ là tín hiệu cho thị trường biết rằng nhu cầu chắc chắn đang tăng lên. Vì vậy, bạn sẽ thấy giá phản ứng với điều đó", ông McMonigle nói.

Tuy nhiên, ông McMonigle tin tưởng rằng Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, được gọi chung là OPEC+, sẽ hành động và tăng nguồn cung, nếu thị trường thế giới không chịu nổi "sự mất cân bằng cung - cầu nghiêm trọng".

"Họ đang rất cẩn thận đối với nhu cầu. Họ muốn thấy bằng chứng cho thấy nhu cầu đang tăng lên và sẽ phản ứng nhanh với những thay đổi trên thị trường", Tổng thư ký Diễn đàn Năng lượng Quốc tế cho biết.

Dầu thô Brent giao kỳ hạn vào tháng 9 chốt giá ở mức 81,07 USD/thùng vào cuối ngày 21/7, trong khi dầu thô WTI giao cùng tháng đóng cửa ở mức 76,83 USD/thùng.

Đối với thị trường khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), Tổng thư ký Diễn đàn Năng lượng Quốc tế cho rằng sự ổn định của thị trường năng lượng châu Âu đã giúp khu vực này có một đông "ấm áp" hơn dự kiến trong năm 2022. "Thời tiết có lẽ là điều may mắn nhất đã xảy ra", ông McMonigle nói, nhưng cảnh báo rằng "không chỉ mùa đông này, [mà] cả hai mùa đông tiếp theo" có thể có nhiều thách thức.

Đại diện Diễn đàn Năng lượng Quốc tế khuyến cáo, các nhà hoạch định chính sách toàn cầu đừng vội hài lòng với giá LNG giảm, mà cần đầu tư nhiều hơn vào năng lượng tái tạo để đảm bảo dòng chảy năng được duy trì.

Trước đó, ông McMonigle từng nhấn mạnh rằng an ninh năng lượng đã trở thành trọng tâm chính của các hội nghị thượng đỉnh như G20.

"Chúng tôi chắc chắn phải tiếp tục theo đuổi quá trình chuyển đổi năng lượng và tất cả các lựa chọn đều phải được cân nhắc, đồng thời cho biết thêm rằng giá cả và sự biến động trên thị trường năng lượng phải được theo dõi chặt chẽ", Tổng thư ký Diễn đàn Năng lượng Quốc tế nói.

Ông McMonigle cho biết: "Tôi lo lắng rằng nếu cộng đồng bắt đầu hứng chịu mức giá cao và sự biến động trên thị trường năng lượng với các chính sách khí hậu hoặc quá trình chuyển đổi năng lượng, thì chúng ta sẽ mất đi sự ủng hộ của họ".

"Chúng tôi sẽ đề nghị cộng đồng thực hiện nhiều điều khó khăn và thách thức để có thể chuyển đổi năng lượng. Chúng ta cần sự ủng hộ của họ", ông McMonigle nói thêm.

Nguồn: Báo Đầu tư