Khả năng sáp nhập 2 hãng hàng không lớn bậc nhất thế giới thành siêu hãng

Một quốc gia sở hữu hai hãng hàng không bậc nhất thế giới

Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) là quốc gia có hai hãng hàng không lớn vận hành các đội bay đường dài đẳng cấp thế giới từ các trung tâm hàng không lớn khác nhau nằm gần nhau.

Trên giấy tờ, việc UAE sở hữu hai hãng hàng không lớn bậc nhất thế giới với mạng lưới tuyến bay quốc tế phần lớn chồng chéo, hội tụ rất gần nhau có vẻ là một sự phung phí, theo CNN.

Vì vậy, việc Emirates và Etihad thông báo về một thỏa thuận mới để hợp tác chặt chẽ hơn chắc chắn sẽ làm dấy lên tin đồn về khả năng sáp nhập giữa hai bên. Đây là điều đã được thảo luận từ lâu ở cấp độ học thuật trong giới hàng không, đặc biệt là trong thời kỳ kinh tế khó khăn.

Đầu tháng này, hai hãng hàng không Emirates và Etihad đã đồng ý về cái gọi là quan hệ đối tác "interline", hay "liên danh" (đây là một phần của hợp đồng hợp tác dịch vụ giữa hai nhà vận chuyển trước khi liên minh hàng không khác được hình thành).

Động thái này làm dấy lên tin đồn về khả năng một siêu hãng hàng không mới trong khu vực cuối cùng cũng đang được triển khai.

Emirates và Etihad đều là hãng hàng không quốc gia của UAE, quốc gia vùng Vịnh nhỏ được tạo thành từ bảy tiểu vương quốc.

Emirates - được thành lập vào năm 1985, có trụ sở tại Dubai - là một trong những hãng hàng không lớn nhất thế giới theo hầu hết các chỉ số. Etihad mới hơn, được thành lập năm 2003 và có trụ sở tại Abu Dhabi.

Sân bay quốc tế Dubai và sân bay quốc tế Abu Dhabi cách nhau chưa đầy 150 km, thời gian lái xe khoảng 75-90 phút tùy thuộc vào tình hình giao thông. Nhìn chung, thủ đô Abu Dhabi của UAE được biết đến là nhỏ hơn và yên tĩnh hơn so với láng giềng Dubai ở phía đông bắc hào nhoáng, sôi động hơn, nhưng cả hai chắc chắn đều có sức hút đối với du khách ngoài việc là trung tâm kinh tế khu vực.

Máy bay của Etihad. Ảnh: Etihad Airways

Máy bay của Etihad. Ảnh: Etihad Airways

 Khả năng sáp nhập

Một trong những câu hỏi lớn xuất hiện mỗi khi Emirates và Etihad được đề cập trong cùng một thông báo là liệu điều đó có đồng nghĩa với một mối quan hệ đối tác chặt chẽ hơn hay không - các thỏa thuận có đi có lại về lợi ích của khách hàng thường xuyên, các chuyến bay liên danh và thậm chí là một vụ sáp nhập trong tương lai.

Addison Schonland - đối tác tại công ty tư vấn AirInsight Group - đánh giá thấp khả năng sáp nhập, mô tả thỏa thuận "interline" chủ yếu là một nỗ lực tiếp thị du lịch khu vực.

Ông nói, khi hai hãng hàng không này công bố các biên bản ghi nhớ trước đây về an ninh hàng không vào năm 2018 và một biên bản ghi nhớ khác vào năm 2022, những thỏa thuận này đã không dẫn đến sáp nhập. Mỗi khi Emirates và Etihad công bố các sáng kiến chung, hai hãng được hỏi liệu điều này có dẫn đến sáp nhập không. Lần nào câu trả lời cũng là "không".

Schonland cho biết, các hãng hàng không này tuân theo những chiến lược riêng họ về các thỏa thuận liên danh và chuyến bay liên danh codeshare (chuyến bay có sự tham gia từ 2 hoặc nhiều hãng bay khác nhau cùng thực hiện trong cùng một hành trình bay của hành khách), chẳng hạn như thỏa thuận gần đây giữa Emirates và United Airlines hoặc thỏa thuận giữa Etihad và Gulf Air vào năm 2021.

Thỏa thuận liên danh "interline" là một trong những bước đầu tiên mà hai hãng hàng không thực hiện khi muốn hợp tác. Thông thường, nếu hành khách nối chuyến từ chuyến bay của hãng hàng không A sang hãng hàng không B, hành khách có thể ký gửi hành lý với hãng hàng không A và không phải lấy hành lý tại sân bay nối chuyến để ký gửi lại với hãng hàng không B.

Thỏa thuận này giữa Emirates và Etihad dường như mở rộng hơn một chút và có vẻ bao gồm cả những gì được gọi là bán vé mở: bay vào thành phố này và ra khỏi thành phố khác. Đó là điều mà khách du lịch đến châu Âu hoặc Nhật Bản thường làm, để tránh phải quay lại, và điều đó có thể thực sự hữu ích.

“Trong giai đoạn đầu của đường bay liên danh mở rộng, mỗi hãng sẽ tập trung vào việc thu hút du khách đến UAE bằng cách phát triển lưu lượng liên kết nội địa từ các điểm được chọn ở châu Âu và Trung Quốc” - hai hãng hàng không cho biết trong một tuyên bố chung về quan hệ đối tác. Điều này sẽ cho phép du khách khám phá nhiều nhất có thể khi thăm Abu Dhabi, Dubai hoặc bất kỳ tiểu vương quốc nào khác, tiết kiệm thời gian, không cần quay về nhà qua sân bay đến.

Để dễ hiểu, chẳng hạn du khách bay đến sân bay quốc tế Dubai nhưng muốn đến thăm Nhà thờ Hồi giáo ở Abu Dhabi, du khách sẽ phải tới Abu Dhabi và quay lại Dubai để quay về nước. Giờ đây, du khách có thể bay đến Dubai và rời khỏi Abu Dhabi hoặc ngược lại.

Khách du lịch đến UAE cũng có thể lựa chọn "các chuyến bay nhiều thành phố", với lựa chọn đi từ một thành phố trên tuyến bay của cả hai hãng và quay lại một cách thuận tiện đến một điểm khác do Emirates hoặc Etihad khai thác.

Cả Abu Dhabi và Dubai đều là những điểm đến hấp dẫn, có rất nhiều khách sạn ở nhiều mức giá, bao gồm một số khách sạn kiểu khu nghỉ dưỡng có giá rất hợp lý với hồ bơi lớn và ánh nắng mặt trời.

Nguồn: NLD