Kinh tế eurzone vẫn ổn dù Đức tăng trưởng âm

Dù vậy, mối lo ngại về sự giảm tốc của nền kinh tế khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu vẫn đang ở mức cao, và tốc độ tăng trưởng còn èo uột làm gia tăng khả năng các nhà hoạch định chính sách sẽ có động thái thúc đẩy nền kinh tế trong những tháng sắp tới.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của eurozone tăng 0,3% trong quý 2 so với quý 1, giảm nhẹ so với mức tăng của quý 1 - thời điểm mà khu vực này mới ra khỏi tình trạng “stagflation” (lạm phát cao kết hợp với tăng trưởng suy yếu) kéo dài trong năm ngoái. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, kinh tế eurozone đạt mức tăng 0,6%.

Phần lớn các nền kinh tế có quy mô lớn hơn trong liên minh tiền tệ gồm 20 thành viên này đạt được kết quả tăng trưởng quý 2 tốt hơn dự báo, điển hình là Pháp tăng 0,3% và Tây Ban Nha tăng 0,8%. Kinh tế Tây Ban Nha tăng trưởng vượt trội nhờ làn sóng du khách đổ tới nước này. Doanh thu từ du lịch của Tây Ban Nha trong 5 tháng đầu năm tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngược lại, nền kinh tế lớn nhất eurozne là Đức chứng kiến mức giảm 0,1% so với quý trước, thay vì tăng trưởng 0,1% như dự báo trước đó của giới chuyên gia kinh tế. Những tia hy vọng về một sự khởi sắc tăng trưởng nhờ lĩnh vực công nghiệp vào thời điểm đầu năm nay đã tắt dần do nhu cầu còn yếu và các vấn đề địa chính trị gây áp lực lên lĩnh vực sản xuất - trụ cột của nền kinh tế Đức.

“Dù chu kỳ tăng lãi suất và đà leo thang của giá năng lượng đã lùi lại phía sau, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy nền kinh tế Đức đang hồi phục”, nhà kinh tế trưởng Joerg Kraemer của ngân hàng Commerzbank nhận định với tờ Wall Street Journal.

“Các công ty đang phải đương đầu với tình trạng suy giảm sức cạnh tranh kéo dài của Đức. Sức mua của người tiêu dùng nước này đã sụt giảm dưới áp lực của lạm phát”, ông Kraemer nhận định trong một báo cáo. Theo dự báo của Commerzbank, nền kinh tế Đức có khả năng sẽ trì trệ trong năm nay, thậm chí có thể suy giảm một chút.

Và dù tăng trưởng tốt hơn dự báo trong quý 2, kinh tế eurozone có thể sẽ rơi vào tình trạng giảm tốc trong những tháng sắp tới - theo nhà kinh tế Franziska Palmas của công ty nghiên cứu kinh tế Capital Economics.

Bà Palmas nhấn mạnh kết quả các cuộc khảo sát gần đây đều cho thấy sự suy yếu của các chỉ số tăng trưởng. Nếu xu hướng này duy trì, tốc độ tăng GDP quý 3 của eurozone có thể sẽ yếu hơn mức dự báo 0,2% mà Capital Economics đưa ra.

Tăng trưởng giảm tốc đồng nghĩa tiến trình phục hồi sau đại dịch Covid-19 của kinh tế eurozone sẽ chậm chạp và gian nan. Nền kinh tế khu vực này đã đương đầu với một “cơn bão” các yếu tố vĩ mô bất lợi trong khoảng 2 năm trở lại đây. Cuộc chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra vào đầu năm 2022 đã bóp nghẹt lĩnh vực sản xuất của eurozone vì khiến giá năng lượng tăng vọt. Cùng với đó, giá năng lượng cao ngất ngưởng khiến lạm phát leo thang chóng mặt, đẩy thu nhập thực của các hộ gia đình suy giảm.

Lạm phát ở eurozone hiện đang trong xu hướng giảm và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào tháng trước đã có đợt giảm lãi suất đầu tiên kể từ năm 2019. Trong chiến dịch tăng lãi suất để chống lạm phát của ECB, lãi suất cơ bản đồng eurozone đã tăng lên mức kỷ lục 4%. Đợt giảm vừa rồi đưa lãi suất này về mức 3,75%.

Dù ECB từ chối phát tín hiệu sớm về đường đi của lãi suất trong những tháng tới, giới đầu tư và chuyên gia kinh tế dự báo cơ quan này sẽ có đợt giảm lãi suất tiếp theo vào cuộc họp tháng 9. Chủ tịch ECB Christine Lagarde đã lưu ý rằng chính sách tiền tệ thắt chặt có thể có hiệu ứng mạnh mẽ hơn so với dự kiến.

Việc ECB tiếp tục giảm lãi suất có thể giúp thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và hoạt động đầu tư của doanh nghiệp ở eurozone. Tuy nhiên, khu vực này cũng dễ tổn thương trước những biến động toàn cầu. Nhu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc đối với hàng hóa châu Âu suy yếu đang tác động tiêu cực tới lợi nhuận và sản lượng của các nhà sản xuất trong khu vực.

Tuần trước, hãng xe Đức Mercedes-Benz cắt giảm triển vọng lợi nhuận của năm nay sau khi chứng kiến biên lợi nhuận giảm trong quý 2. Hãng cho biết môi trường cạnh tranh khốc liệt hơn và nhu cầu yếu đi ở thị trường Trung Quốc, bên cạnh căng thẳng thương mại, là những yếu tố chính dẫn tới sự suy giảm này.

“Môi trường kinh tế vĩ mô hiện nay ở Trung Quốc đang kém. Ai cũng biết là sau khi Trung Quốc gỡ bỏ các biện pháp chống Covid-19 vào đầu năm ngoái, tâm lý người tiêu dùng vẫn chưa được cải thiện”, CEO Ola Kallenius của Mercedes-Benz phát biểu.

Các hãng sản xuất đồ hiệu của châu Âu cũng đưa ra kết quả kinh doanh gây thất vọng tại thị trường Trung Quốc trong những tháng gần đây. Giá cổ phiếu hàng xa xỉ châu Âu đã sụt giảm mạnh trong tháng này sau khi một loạt tên tuổi lớn như LVMH và Kering công bố doanh thu ở Trung Quốc tụt dốc.

Nhu cầu giảm ở nước ngoài cũng ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động sản xuất ở eurozone. Hãng hóa chất Đức BASF đang có kế hoạch đóng băng một dự án tinh luyện kim loại phục vụ tái chế pin ở Tây Ban Nha, cho tới khi nhu cầu ô tô điện khởi sắc trở lại - Giám đốc tài chính BASF cho biết vào tuần trước.

Theo nhà kinh tế Kamil Kovar của Moody’s Analytics, sự giảm tốc của kinh tế Đức không hẳn là một “điềm báo” rằng kinh tế eurozone sẽ rơi trở lại vào tình trạng trì trệ. “Sự giảm tốc này chủ yếu do kinh tế quý 1 tăng mạnh vì những yếu tố chỉ xuất hiện một lần, thay vì phản ánh đà tăng trưởng giảm đi”, ông Kovar nhận định, cho rằng các cuộc khảo sát gần đây cho thấy niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp suy yếu không có nghĩa rằng kinh tế Đức sẽ giảm tốc sâu hơn trong nửa sau của năm nay.

Nguồn: TBKTVN