Quay lại

Lạm phát leo thang đe dọa kinh tế Nga

Trong lúc cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine còn chưa kết thúc, Nga còn có một cuộc chiến khác ở trong nước - để chống lại sự leo thang của lạm phát.

Năm ngoái, Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) tăng lãi suất hơn gấp đôi nhằm kiềm chế tốc độ tăng của giá cả trong nền kinh tế. Tuy nhiên, lạm phát ở Nga vẫn tăng, vượt mốc 9% trong tháng 7 này. Trong đó, giá của nhiều hàng hóa và dịch vụ tăng báo động, như giá khoai tây đã tăng 91% từ đầu năm và giá vé máy bay hạng thường tăng 35%.

Hôm thứ Sáu tuần trước, CBR tăng lãi suất cơ bản thêm 2 điểm phần trăm, lên mức 18%. Năm nay, Nga là một trong số hiếm những ngân hàng trung ương trên thế giới nâng lãi suất.

Theo tờ báo Wall Street Journal, lạm phát cao đã trở thành một nét đặc trưng khó bỏ của nền kinh tế Nga thời chiến tranh. Trong khi lạm phát đã xuống thang ở phần lớn các nền kinh tế phát triển trên thế giới, cuộc vật lộn của Nga với giá cả đang trở nên tệ hơn.

Chi tiêu quân sự của Chính phủ Nga tăng mạnh, cộng thêm tình trạng khan hiếm lao động kỷ lục do một số lượng lớn nam giới trong độ tuổi lao động được huy động giá chiến trường, đã đẩy tiền lương tăng cao và kéo theo giá cả. Các biện pháp trừng phạt kinh tế khắc nghiệt của Mỹ khiến Nga gặp trở ngại lớn trong thanh toán quốc tế, dẫn tới giá hàng hóa nhập khẩu tăng lên.

NỀN KINH TẾ PHỤ THUỘC VÀO CHIẾN TRANH

Hiện tại, lạm phát ở Nga chưa cao tới mức gây khủng hoảng kinh tế hay bất ổn xã hội. Tuy nhiên, lạm phát cao là một dấu hiệu của những mất cân đối trong nền kinh tế. Sự “cứng đầu” của lạm phát cũng có nghĩa rằng chiến tranh sẽ tiêu tốn nhiều ngân sách quốc gia hơn nữa, dẫn tới chi tiêu quân sự càng lớn hơn nữa.

“Trong cuộc chiến chống lạm phát, nhà chức trách Nga không có lựa chọn nào khả quan. Họ không thể dừng chiến tranh, họ không thể giải quyết vấn đề thiếu lao động, họ không thể ngừng tăng lương cho người dân. Chừng nào chiến tranh có tiếp diễn, lạm phát ở Nga còn cao”, ông Alexandra Prokopenko - một cựu quan chức ngân hàng trung ương Nga, hiện là một chuyên gia của tổ chức nghiên cứu Carnegie Russia Eurasia Center - nhận định.

Hôm thứ Năm, người phát ngôn của điện Kremlin nói với báo giới rằng Chính phủ Nga đang vạch ra các biện pháp để kiềm chế giá cả vì lạm phát “là một mối lo đối với Chính phủ và Ngân hàng Trung ương Nga”.

Sau một giai đoạn suy thoái ngắn sau khi chiến tranh nổ ra, nền kinh tế Nga dã phục hồi mạnh mẽ khi nước này tìm được cách để “né” các biện pháp trừng phạt của phương Tây và duy trì hoạt động xuất khẩu dầu. Cùng với đó, một cuộc chuyển đổi lớn hơn trong nền kinh tế bắt đầu hình thành.

Chính phủ Nga đưa chi tiêu quân sự - tương đương khoảng 7% tổng sản phẩm trong nước (GDPI) - trở thành đầu tàu tăng trưởng chính. Các nhà máy sản xuất xe tăng, thiết bị bay không người lái và trang phục binh sỹ hoạt động nhiều ca mỗi ngày, 7 ngày mỗi tuần. Hoạt động sản xuất ồ ạt này đẩy tiền lương tăng, dẫn tới giá cả trong nền kinh tế tăng theo.

Tháng 5 năm nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin bổ nhiệm ông Andrei Belousov vào ghế bộ trưởng bộ quốc phòng thay cho ông Sergei Shoigu. Ông Belousov là một nhà kinh tế học vĩ mô và có chủ trương ủng hộ nhà nước can thiệp vào nền kinh tế. Giới phân tích nhận định việc bổ nhiệm này là một sự thừa nhận rằng nền kinh tế Nga và cuộc chiến tranh ở Ukraine giờ đây có mối quan hệ ràng buộc qua lại sâu sắc.

Trước đợt tăng lãi suất tuần này, CBR đã duy trì lãi suất cơ bản ở mức 16% từ tháng 12 năm ngoái, nhưng mức lãi suất này hầu như không có tác dụng ghìm lạm phát.

Để chống lại sự leo thang vượt tầm kiểm soát của giá nhà, cơ quan chức năng Nga trong tháng 7 này đã chấm dứt chương trình trợ cấp vay thế chấp nhà - chính sách áp dụng lãi suất giảm tới 8%, bằng một nữa lãi suất cơ bản của ngân hàng trung ương. Chương trình này giúp bảo vệ người Nga trước ảnh hưởng kinh tế của chiến tranh, nhưng đồng thời cũng dẫn tới bong bóng bất động sản.

THIẾU CẢ “THẦY” LẪN “THỢ”

Trong một báo cáo mới đây, ngân hàng JPMorgan Chase nhận định nhận định sự vững vàng của nền kinh tế Nga trong bối cảnh chính sách tiền tệ thắt chặt “vẫn là một hiện tượng gây tò mò”.

“Rõ ràng, những gì đang diễn ra cho thấy giới hạn của chính sách tiền tệ trong một tình huống gồm chính sách tài khóa nới lỏng và thị trường lao động thắt chặt ở mức cao. CBR có rất ít ảnh hưởng đối với chính sách tài khóa và không có ảnh hưởng gì đối với nguồn cung lao động”, nhà kinh tế Vasily Astrov thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế quốc tế Vienna nhận định.

Một báo cáo của CBR nói rằng giảm lạm phát đòi hỏi việc áp dụng lãi suất cao “trong một thời gian dài hơn nhiều” so với dự báo trước đây.

Borscht Index, một trang web theo dõi chi phí sinh hoạt - với những mặt hàng như củ cải đỏ, kem chua và các thành phần khác để nấu món súp truyền thống của Nga - cho thấy mức tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đối với nhiều người Nga, lạm phát cao khiến họ nhớ lại cuộc khủng hoảng kinh tế hồi thập niên 1990, khi nước này chuyển sang nền kinh tế thị trường. Giá cả tăng đang khiến nhiều gia đình Nga phải cắt giảm tiêu dùng hàng ngày, hạn chế đi du lịch và lập các hội nhóm online để bàn việc săn hàng khuyến mãi.

Như đã đề cập ở trên, khan hiếm lao động là một lý do khác dẫn tới lạm phát ở Nga leo thang. Nước này huy động tới 30.000 binh sỹ mỗi tháng, trong khi hàng trăm nghìn người khác chọn cách ra nước ngoài để tránh phải ra chiến trường.

Dân số suy giảm càng khiến tình trạng thiếu lao động của Nga thêm phần trầm trọng. Theo giới chức Nga, số người tốt nghiệp phổ thông trung học và đại học ở nước này đang trên đà suy giảm.

Số người nhập cư - vốn là một nguồn lao động quan trọng - cũng giảm. Xu hướng này có thể tiếp diễn do Chính phủ Nga thực thi các biện pháp kiểm soát nhập cư chặt chẽ sau khi xảy ra vụ tấn công khủng bố tại phòng hòa nhạc Crocus City Hall khiến hơn 140 người thiệt mạng.

CBR cho biết các doanh nghiệp Nga đang thiếu cả chuyên gia chất lượng cao lẫn lao động tay chất. Dù đã hút hơn một nửa triệu lao động từ khu vực dân sự trong vòng 1 năm rưỡi qua, ngành công nghiệp quốc phòng của Nga đang thiếu khoảng 160.000 chuyên gia - theo Thứ trưởng Quốc phòng Nga Denis Manturov.

Trong khi đó, các nhà nhập khẩu của Nga đang phải đương đầu với các biện pháp trừng phạt mà Mỹ đưa ra vào năm nay. Những biện pháp này đặt ra rủi ro đối với các ngân hàng nước ngoài có giao dịch với Nga. Xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga đã giảm trong những tháng gần đây. Thương mại của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga cũng sụt giảm do sức ép trừng phạt.

“Thông thường, Nga và các nước đối tác của Nga ở bán cầu Nam sẽ tìm được cách để né các biện pháp trừng phạt. Nhưng trừng phạt sẽ trở đi trở lại, vì Mỹ sẽ không dừng ở đó. Rốt cục, người tiêu dùng và doanh nghiệp Nga sẽ phải trả cho việc này”, ông Astrov phát biểu.

Nguồn: TBKTVN