Lạm phát Mỹ tăng cao hơn dự đoán

Cụ thể, chỉ số PCE trong tháng 1, không bao gồm thực phẩm và năng lượng, đã tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 4,7% so với một năm trước, theo số liệu được Bộ Thương mại Mỹ công bố hôm 24/2.

Trong khi đó, giới phân tích Phố Wall đã kỳ vọng các chỉ số PCE tăng tương ứng 0,5% và 4,4%. Trong tháng 12/2022, chỉ số PCE lõi đã tăng 0,4% so với tháng trước và 4,6% so với cùng kỳ năm trước.

Nếu tính cả năng lượng và thực phẩm - hai mặt hàng có giá cả biến động mạnh, lạm phát toàn phần của Mỹ trong tháng 1 tăng lần lượt 0,6% so với tháng trước và 5,4% so với cùng kỳ năm trước, trong khi mức tăng của tháng 12/2022 lần lượt là 0,2% và 5,3%.

Chứng khoán Mỹ trượt sâu sau thông tin lạm phát nóng lên, đơn cử chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones đã "bốc hơi" khoảng 500 điểm trong phiên giao dịch sáng ngày 24/2.

Ông Matt Peron, Giám đốc nghiên cứu tại Công ty quản lý đầu tư Janus Henderson Investors, cho rằng, lạm phát tăng mạnh hơn trong tháng 1 đã tiếp nối hàng loạt tin tức "không thân thiện" với thị trường gần đây. "Điều này có thể đẩy lãi suất cơ bản lên cao hơn trong thời gian dài hơn so với kỳ vọng của thị trường, do đó có thể gây áp lực lên lợi nhuận", ông Peron nhận định.

Đại diện Janus Henderson Investors cảnh báo, các dấu hiệu cho thấy lạm phát "sẽ ở mức vừa phải, nhưng lãi suất tăng cao trong thời gian dài hơn sẽ để lại hậu quả".

Mức chi tiêu tiêu dùng của người Mỹ trong tháng 1 cũng tăng cao hơn dự đoán, với mức tăng 1,8% trong khi mức ước tính là 1,4%.

Thu nhập cá nhân được điều chỉnh theo lạm phát tháng 1 đã tăng 1,4%, cao hơn mức ước tính là 1,2%. Mặt khác, tỷ lệ tiết kiệm cá nhân tại Mỹ cũng tăng lên 4,7%.

Các con số trên cho thấy lạm phát Mỹ đã khởi đầu năm 2023 với tốc độ tăng nhanh, đặt Fed vào tình thế có thể sẽ tiếp tục tăng lãi suất. Fed đã tăng lãi suất cơ bản thêm 4,5 điểm phần trăm kể từ tháng 3/2022 khi lạm phát đạt mức cao nhất trong 41 năm.

Ông Jeffrey Roach, nhà kinh tế trưởng tại Công ty môi giới tài chính LPL Financial, nhận xét: "Rõ ràng, chính sách tiền tệ thắt chặt hơn vẫn chưa tác động đầy đủ đến người tiêu dùng và nó cho thấy Fed còn nhiều việc phải làm để hãm lại tổng cầu".

"Fed vẫn có thể quyết định tăng 0,25 [điểm phần trăm] tại cuộc họp sắp tới, nhưng thông tin lần này (lạm phát - BTV) đồng nghĩa rằng Fed có thể sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong mùa hè này. Các thị trường có thể sẽ tiếp tục rung lắc mạnh trong những tháng tới bởi mức lãi suất cao như hiện nay vẫn chưa làm giảm đáng kể sức chi tiêu của người tiêu dùng", ông Roach nhận định.

Fed luôn theo dõi biến động chỉ số PCE chặt chẽ hơn một số chỉ số lạm phát khác, bởi chỉ số này điều chỉnh thói quen chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ, chẳng hạn như thói quen sử dụng các mặt hàng giá rẻ hơn thay cho các món hàng đắt tiền hơn. Điều đó giúp Fed có cái nhìn chính xác hơn về chi phí sinh hoạt.

Các nhà hoạch định chính sách Mỹ thường quan tâm nhiều hơn đến tình hình lạm phát lõi, bởi họ tin rằng nó mang lại cái nhìn dài hạn tốt hơn về lạm phát, bất luận Fed chính thức sử dụng chỉ số PCE toàn phần.

Theo lý giải của Bộ Thương mại Mỹ, tác nhân chính khiến lạm phát gia tăng trong tháng 1 là do giá năng lượng tăng tới 2%, trong khi giá thực phẩm nhích 0,4%, còn giá hàng hóa và dịch vụ đều tăng 0,6%.

So với cùng kỳ năm trước, giá thực phẩm tại Mỹ trong tháng 1 đã tăng tới 11,1%, còn giá năng lượng tăng 9,6%.

Đánh giá về tình hình lạm phát trên đài CNBC, bà Loretta Mester, Chủ tịch chi nhánh Fed tại thành phố Cleveland, cho rằng đã có một số tiến bộ đạt được nhưng "mức lạm phát vẫn còn quá cao".

Là thành viên không bỏ phiếu của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) - cơ quan ấn định chính sách tiền tệ thuộc Fed, bà Mester lâu nay ủng hộ việc tăng lãi suất mạnh mẽ hơn nữa.

Tuy nhiên, đối với cuộc họp của FOMC vào tháng 3 tới, Mester không chắc liệu bà sẽ tiếp tục ủng hộ phương án tăng lãi suất thêm nửa điểm phần trăm hay không.

Nguồn: Báo Đầu tư