Làn sóng nhà đầu tư cá nhân quay trở lại thị trường chứng khoán Mỹ
Vào năm 2020, thị trường Mỹ nói riêng, và thị trường toàn cầu nói chung chứng kiến một hiện tượng được gọi là “Reddit-trader” hoặc “Meme stock”, giá một số cổ phiếu như AMC, GME, BBIG, Nokia, BlackBerry… tăng mạnh nhờ hiệu ứng lan truyền trên mạng xã hội, không liên quan tới hoạt động kinh doanh. Sau đó, tất cả các cổ phiếu “Meme stock” đều lao dốc.
Diễn biến này xuất phát từ việc nhà đầu tư cá nhân ồ ạt tham gia thị trường chứng khoán trong 2 năm đại dịch, trong bối cảnh các hoạt động sản xuất – kinh doanh ngừng trệ. Cùng với sự lao dốc của nhóm cổ phiếu “meme stock”, các nhà đầu tư các nhân cũng “chịu trận” với các khoản đầu tư thua lỗ và dần rời bỏ thị trường.
Hiện tại, các nhà đầu tư cá nhân đang quay trở lại, “đặt cược” vào đa dạng các loại cổ phiếu hơn. Dòng tiền từ nhóm nhà đầu tư cá nhân đã góp phần quan trọng cho khởi đầu tích cực của thị trường chứng khoán Mỹ kể từ đầu năm 2023 đến nay, nhất là khi nhóm nhà đầu tư tổ chức/nhà đầu tư lớn giữ cái nhìn không lấy làm tích cực với thị trường.
Theo số liệu tổng hợp bởi Vanda Research, nhà đầu tư cá nhân rót trung bình 1,51 tỷ USD vào thị trường mỗi ngày trong tháng 1/2023. Trong khi đó, số liệu của JPMorgan cho thấy, nhóm nhà đầu tư cá nhân chiếm khoảng ¼ lượng giao dịch trên thị trường, thiết lập kỷ lục mới.
“Những khảo sát gần đây cho thấy, cộng đồng nhà đầu tư tổ chức vẫn giữ góc nhìn không lấy làm tích cực với thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, chúng ta tốt nhất không nên đánh giá thấp sức mạnh của nhóm nhà đầu tư cá nhân”, chuyên gia phân tích tại Vanda Research nhận định.
Kể từ đầu năm tới nay, nhóm nhà đầu tư nhỏ có không chỉ quan tâm tới các cổ phiếu như Tesla - một cổ phiếu có tính biến động mạnh, mà còn nhắm tới nhóm các cổ phiếu tăng trưởng dài hạn, chia cổ tức đều đặn như AT&T và Coca-Cola. Đáng chú ý, đa số tiền đầu tư của nhóm nhà đầu tư cá nhân chọn mua cổ phiếu, thay vì mua các sản phẩm phái sinh như hợp đồng quyền chọn.
“Những dữ liệu này cho thấy, các nhà đầu tư các nhân đã có sự chuyển hướng sang đầu tư dài hạn hơn. Đây có thể là kết quả từ những bài học thua lỗ mà các nhà đầu tư cá nhân trải qua trong hơn 1 năm qua”, Marco Iachini, chiến lược gia cấp cao tại Vanda chia sẻ.
Một diễn biến khác là việc nhà đầu tư cá nhân bắt đầu mua vào các chứng chỉ quỹ, nhất là nhóm ETF, thay vì mua cổ phiếu riêng lẻ. Tính tới ngày 8/2, các nhà đầu tư cá nhân đã mua vào 125 tỷ USD chứng chỉ quỹ ETF và các chứng chỉ quỹ khác, sau khi bán 340 tỷ USD chứng chỉ quỹ năm ngoái, theo số liệu của JPMorgan.
Nhóm nhà đầu tư trẻ hơn không chỉ mua các cổ phiếu vốn hoá vừa và nhỏ, mà còn nhắm tới các cổ phiếu vốn hoá lớn, đặc biệt ưa thích nhóm công nghệ. Điều này tạo động lực cho đà tăng của nhóm cổ phiếu công nghệ, giúp cổ phiếu Tesla tăng 62% kể từ đầu năm tới nay, trong khi chỉ số Nasdaq Composite - chỉ số tập trung rổ cổ phiếu công nghệ tăng 12%. Chỉ số Russell 2000 tập trung nhóm cổ phiếu vốn hoá nhỏ cũng tăng 10%.
Diễn biến này phản ánh các nhà đầu tư trẻ tuổi đang bắt đầu tìm hiểu và cố gắng học hỏi thêm về thị trường.Tất nhiên, không phải các thành viên thị trường đều xem đây là xu hướng tích cực.
Thomas Peterffy, người sáng lập Interactive Brokers – doanh nghiệp tập trung vào các nhà đầu tư giàu kinh nghiệm chia sẻ: “Số lượng tài khoản mở mới luôn tăng vào thời điểm đầu năm, khi nhiều người tự nhủ rằng năm nay họ sẽ thận trọng hơn với các khoản đầu tư của mình. Tuy nhiên, những người ở độ tuổi đôi mươi thì không có nhiều tiền và khả năng giữ sự thận trọng cũng thấp”.
Nguồn: Báo Đầu tư