TP.HCM dự kiến giảm 8 sở và 5 cơ quan hành chính
Ngày 4/12, tại Hội nghị triển khai việc tổng kết Nghị quyết 18/2017, Ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM đã có báo cáo phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy các ban đảng và cơ quan chuyên môn thuộc UBND Thành phố.
Theo đó, Thành phố nghiên cứu sáp nhập các cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính khác thuộc UBND Thành phố trên nguyên tắc Trung ương có bộ nào TP.HCM có sở tương ứng.
Cụ thể, Thành phố nghiên cứu sáp nhập 10 sở, kết thúc hoạt động 2 sở; sắp xếp các cơ quan Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp, Khu Nông nghiệp công nghệ cao, Khu Công nghệ cao, Khu Chế xuất - khu công nghiệp, Văn phòng thường trực Ban an toàn giao thông Thành phố.
Nghiên cứu sáp nhập Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp thành đơn vị trực thuộc.
Sáp nhập Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, chuyển Văn phòng thường trực Ban An toàn giao thông thành đơn vị trực thuộc.
Sáp nhập Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thực hiện quản lý nhà nước về nông nghiệp, tài nguyên và môi trường, chuyển nhiệm vụ của 2 sở này về các sở khác có liên quan. Đồng thời, chuyển Ban Quản lý khu nông nghiệp công nghệ cao thành đơn vị trực thuộc.
Nghiên cứu sáp nhập Sở Du lịch và Sở Văn hóa - Thể thao, sáp nhập Sở Thông tin và Truyền thông với Sở Khoa học và Công nghệ để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về khoa học công nghệ, chuyển đổi số.
Nghiên cứu kết thúc hoạt động Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, chuyển các chức năng qua Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Sở Nội vụ, Sở Văn hóa và Thể thao.
Nghiên cứu kết thúc nhiệm vụ Sở An toàn thực phẩm, chuyển nhiệm vụ về Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Sở Công thương.
Sáp nhập Ban Tôn giáo vào Ban Dân tộc, sáp nhập Ban Quản lý khu công nghệ cao và Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Nếu thực hiện theo phương án này sẽ giảm 8 sở và 5 cơ quan hành chính khác trực thuộc UBND Thành phố.
Như vậy, sau sắp xếp, Thành phố dự kiến có 13 cơ quan chuyên môn gồm: Sở Kế hoạch, Đầu tư và Tài chính; Sở Quản lý đô thị; Sở Nông nghiệp và Tài nguyên - Môi Trường; Sở Khoa học, Công nghệ và Truyền thông; Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Y tế; Sở Nội vụ; Sở Văn hóa và Thể thao; Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND Thành phố; Ban Dân tộc và Tôn giáo; Sở Tư pháp; Sở Du lịch; Sở Công thương và Thanh tra Thành phố.
Cùng với phương án tinh gọn bộ máy khối chính quyền, Thành phố cũng nghiên cứu sắp xếp các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND Thành phố, gồm các ban quản lý, các đơn vị sự nghiệp báo chí, giáo dục, y tế...
Cụ thể, nghiên cứu sáp nhập một số ban chỉ đạo cấp thành phố ở từng cơ quan đơn vị xây dựng đề án sắp xếp các đơn vị trực thuộc.
Đối với cấp huyện, nghiên cứu đề án sắp xếp, sáp nhập ban dân vận và ban tuyên giáo, đề xuất thành lập đảng bộ khối đảng đoàn thể, tư pháp và đảng bộ khối chính quyền.
Sáp nhập các phòng kinh tế và phòng tài chính kế hoạch; kết thúc hoạt động phòng lao động - thương binh và xã hội, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc.
Riêng TP. Thủ Đức nghiên cứu đề xuất phù hợp với đặc điểm tình hình. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy sẽ tiến hành song song với Đại hội Đảng bộ và các công tác thường xuyên khác.
Khi tinh gọn bộ máy, trước tiên phải chọn được cán bộ "tinh nhuệ"
Trong phiên thảo luận tổ trước đó, ông Lê Trương Hải Hiếu, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND Thành phố đề xuất, khi tinh gọn bộ máy, trước tiên phải sàng lọc, lựa chọn được cán bộ "tinh nhuệ", thông qua công tác đánh giá cán bộ.
Theo ông, hiện nay, công tác đánh giá cán bộ là khâu khó, nên cần phải đánh giá hiệu quả thực thi nhiệm vụ của cán bộ chính xác nhất, công khai và công bằng. Cùng với đó, tập trung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để cán bộ được chọn hoàn thiện hơn trong các mặt để thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh tinh gọn.
Đồng thời, xây dựng chính sách khuyến khích, động viên cán bộ trong công tác, qua đó tạo môi trường làm việc thuận lợi, hiện đại, công khai minh bạch để cán bộ có cơ hội làm việc và phát triển.
Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số Thành phố Võ Thị Trung Trinh kiến nghị Thành phố cần chủ động chuẩn bị cung cấp thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp, đảm bảo không bị gián đoạn, ách tắc khi triển khai sắp xếp.
Bà Trinh cho rằng ứng dụng chính quyền số đóng vai trò quan trọng. Hiện nay, Trung tâm Chuyển đổi số Thành phố đang tái cấu trúc hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính theo hướng tiếp nhận thông tin giải quyết thủ tục hành chính phi địa giới, nghĩa là người dân, doanh nghiệp có thể đến bất cứ nơi nào để nộp hồ sơ.
Tuy nhiên, bà Tuyết nói đây mới chỉ là giải quyết phần ngọn, còn phần gốc là câu chuyện chính quyền số, là rà soát, sắp xếp lại các quy trình để thực hiện trên môi trường số thuận lợi.
Nguồn: Báo Đầu tư