Quay lại

Mỹ cảnh báo Trung Quốc về bán phá giá các sản phẩm năng lượng xanh

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen ngày 27/3 cảnh báo rằng Trung Quốc đang xem nền kinh tế toàn cầu như một nơi để bán đổ bán tháo các sản phẩm năng lượng sạch giá rẻ của nước này, gây sức ép giảm giá lên toàn thị trường và bóp nghẹt ngành sản xuất xanh của Mỹ.

“Tôi lo ngại về tác động lan tỏa toàn cầu từ tình trạng thừa công suất mà chúng ta đang chứng kiến ​​ở Trung Quốc”,  bà Yellen nói trong bài phát biểu tại công ty năng lượng mặt trời Suniva ở Georgia, Mỹ. “Sự dư thừa công suất của Trung Quốc bóp méo giá cả và các mô hình sản xuất trên toàn cầu, đồng thời gây tổn hại cho các công ty và người lao động Mỹ, cũng như các công ty và người lao động trên toàn thế giới”.

Trung Quốc đang thừa các sản phẩm về năng lượng mặt trời, xe điện và pin lithium-ion, và nước này có thể xuất khẩu ồ ạt những mặt hàng đó sang các quốc gia khác với giá rẻ hơn. Sự tràn ngập của các sản phẩm giá rẻ từ Trung Quốc gây khó khăn cho ngành sản xuất xanh mới chỉ ở giai đoạn đầu của Mỹ và các nước khác.

Bà Yellen cho biết bà có ý định gây sức ép với giới chức Trung Quốc về những hành vi thương mại nói trên trong chuyến thăm Trung Quốc sắp tới của bà. “Tôi dự định sẽ đưa vấn đề này trở thành nội dung chính trong các cuộc thảo luận trong chuyến công tác Trung Quốc sắp tới. Tôi sẽ hối thúc các đối tác Trung Quốc thực hiện các bước đi cần thiết để giải quyết vấn đề này”, bà Yellen nói.

Mối lo ngại trên của người đứng đầu Bộ Tài chính Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Nhà Trắng nỗ lực xây dựng ngành năng lượng sạch trong nước còn đang non trẻ bằng các khoản đầu tư từ Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) năm 2022, cùng với các luật khác như Đạo luật Khoa học và CHIPS. Về phần mình, bà Yellen thường xuyên ca ngợi thành quả có được từ những khoản đầu tư này. Trong một bài phát biểu khác gần đây, bà đã nhấn mạnh đến sự “bùng nổ” xe điện ở Mỹ nhờ sự thúc đẩy của IRA.

Việc Mỹ đầu tư mạnh vào lĩnh vực năng lượng sạch được xem như một cuộc chạy đua với Trung Quốc. “Chính quyền Tổng thống Biden cũng nhận thức được rằng những khoản đầu tư này vẫn còn mới mẻ”, bà Yellen nói.

Trong khi đó, Trung Quốc đã đổ hàng tỷ USD vào năng lượng sạch trong nhiều năm qua, vượt xa phần còn lại của thế giới trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Theo bà Yellen, tình trạng dư thừa năng lượng sạch của Trung Quốc càng ảnh hưởng đến giá cả trên thị trường toàn cầu bao nhiêu, chuỗi cung ứng của lĩnh vực này sẽ càng gặp nhiều khó khăn bấy nhiêu.

“Tổng thống Biden cam kết làm những gì có thể để bảo vệ các ngành công nghiệp của Mỹ khỏi sự cạnh tranh không lành mạnh”, bà Yellen nói.

Những phát biểu này của vị Bộ trưởng phản ánh căng thẳng tiếp diễn trong quan hệ thương mại Mỹ-Trung ngay cả khi hai nước có nhiều nỗ lực để ổn định mối quan hệ. Tổng thống Biden đã có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 11 năm ngoái, như một nỗ lực nhằm phá băng sau nhiều năm căng thẳng - một phần do cuộc chiến thuế quan mà người tiền nhiệm của ông Biden là ông Donald Trump phát động.

Ông Trump - người đang tranh cử nhiệm kỳ tổng thống thứ hai - để ngỏ khả năng áp thêm thuế quan lên hàng hoá Trung Quốc nếu ông tái đắc cử.

Kể từ sau cuộc gặp giữa ông Biden và ông Tập, việc cải thiện quan hệ Mỹ-Trung đã chứng tỏ là một việc khó do các mối lo ngại về an ninh mạng và thương mại tiếp diễn giữa hai cường quốc.

Tháng 2 năm nay, chính quyền ông Biden đã mở một cuộc điều tra nhằm vào ô tô thông minh của Trung Quốc, cho rằng những sản phẩm này đặt ra nguy cơ an ninh quốc gia vì có kết nối với cơ sở hạ tầng của Mỹ khi được lái ở Mỹ.

“Trung Quốc quyết tâm thống trị tương lai của thị trường ô tô, bao gồm thông qua các hành vi không bình đằng. Các chính sách của Trung Quốc có thể khiến thị trường Mỹ tràn ngập phương tiện do Trung Quốc sản xuất, đặt ra nguy cơ đối với an ninh quốc gia Mỹ. Tôi sẽ không để điều đó xảy ra dưới sự giám sát của mình”, ông Biden nói hồi tháng 2.

Trong diễn biến mới nhất, Trung Quốc hôm 25/3 đã đâm đơn lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để kiện Mỹ về vấn đề trợ cấp ô tô điện.

Nguồn: TBKTVN